- Phân tích, đánh giá các nguyên tắc, các phương pháp được vận dụng trong thực tiễn
2. Phương pháp dạy học Tiếng Việt
2.2.4. Phương pháp trò chơi học tập
Trò chơi là một hình thức học tập có hiệu quả đối với học sinh. Thông qua các trò chơi, học sinh được luyện tập làm việc cá nhân, làm việc trong đơn vị nhóm, đơn vị lớp theo sự phân công và với tinh thần hợp tác. Cùng với những hình thức học tập khác, trò chơi tạo cơ hội để học sinh học bằng tự hoạt động: tự củng cố kiến thức và tự hoàn thiện kĩ năng.
Trò chơi phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
-Mục đích của trò chơi phải hướng vào việc củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng ở từng bài, từng nhóm bài, từng phần của chương trình.
-Nội dung chơi là một đơn vị kiến thức, một số thao tác của một kĩ năng hay của nhiều đơn vị kiến thức.
-Hình thức của trò chơi phải đa dạng giúp cho học sinh luôn được thay đổi cách thức hoạt động trong lớp, phối hợp được nhiều cơ quan vận động và các giác quan tham gia hoạt động cùng một lúc để các em học tập một cách linh hoạt và hứng thú.
-Cách chơi cần đơn giản để học sinh dễ nhớ, dễ thực hiện. Mỗi trò chơi cần thu hút nhiều học sinh tham dự.
-Điều kiện để tổ chức trò chơi cần đơn giản, phương tiện để chơi dễ làm, giáo viên có thể tự chuẩn bị và tự tổ chức ngay trong phòng học.
-Có nhiều loại hình trò chơi để học Tiếng Việt, chẳng hạn:
+ Ở lớp 1, phần học âm, vần, học sinh có thể học bằng các trò chơi:
*Tô chữ trên tranh: để nhận mặt chữ ghi âm, vần mới và đọc tiếng chứa âm (vần) mới học.
*Trò chơi cờ (hoặc Đôminô): Giúp học sinh đọc và viết chữ ghép được trên bàn cờ để học ghép tiếng có âm, vần mới và tìm nghĩa của từ.
*Trò chơi đi tìm lời thơ: để luyện ghép tiếng nhanh và chọn từ có nghĩa phù hợp với việc diễn đạt chính xác ý câu thơ.
*Trò chơi nhìn ra xung quanh để tìm nhanh các tiếng chứa tiếng có âm, vần mới. *Trò chơi viết thư trong nhóm: giúp học sinh tập dùng từ chứa âm, vần mới và tạo ra lời nói …
+ Ở lớp 2 và lớp 3 có thể tổ chức các trò chơi:
*Trò chơi đọc nhanh thuộc giỏi và đọc thơ truyền điện: nhằm giúp học sinh học thuộc lòng nhanh.
*Trò chơi thì tìm từ, tiếng mở đầu bằng chữ cái: giúp học sinh học các quy tắc chính tả.
*Trò chơi đóng vai: giúp học sinh học nói các nghi thức lời nói (chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, mời; đáp lời chào, cám ơn …).
Chú ý: Không được lạm dụng phương pháp chơi để học trong dạy Tiếng Việt. Tùy vào
yêu cầu, nội dung của bài học mà giáo viên có thể tổ chức một hoặc hai trò chơi cho một bài học, cũng sẽ có những bài học không có trò chơi. Việc tổ chức hoạt động chơi để học trong giờ học cần được giáo viên cân nhắc kĩ để điều hòa với các hoạt động khác.