“Thanh khoản là khả năng tiếp cận các khoản tài sản hoặc nguồn vốn có thể dùng để chi trả với chi phí hợp lý ngay khi nhu cầu vốn phát sinh. Rủi ro thanh khoản là rủi ro xuất hiện khi ngân hàng thiếu khả năng chi trả, không chuyển đổi kịp các loại tài sản ra tiền hoặc không có khả năng vay mượn để đáp ứng yêu cầu của các hợp đồng thanh toán”(Trần Huy Hoàng, 2010, trang 185).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của bất kỳ ngân hàng nào là bảo đảm khả năng thanh khoản đầy đủ. Điều này có nghĩa là ngân hàng có sẵn lượng vốn khả dụng trong tay hoặc có thể tiếp cận dễ dàng với các nguồn vốn vay mượn bên ngoài với chi phí hợp lý và đúng lúc cần đến; hoặc có thể nhanh chóng bán bởt tài sản ở mức giá thỏa đáng để đáp ứng kịp nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh.
Để đánh giá rủi ro thanh khoản, các nhà quản trị ngân hàng sử dụng phương pháp xác định trạng thái thanh khoản ròng thông qua công thức:
Trạng thái thanh khoản ròng =∑cung thanh khoản- ∑cầu thanh khoản
Các NHTM để đảm bảo khả năng chi trả sẽ thực hiện quản trị thanh khoản dựa trên cân đối giữa tài sản Nợ và tài sản Có. Các ngân hàng thực hiện những thỏa thuận trước về hạn mức tín dụng từ các ngân hàng đại lý và từ những nhà cung cấp vốn khác để đảm bảo cho nhu cầu thanh khoản thường xuyên.Với các nhu cầu thanh khoản có tính đột xuất thì được đáp ứng từ vay mượn ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, các nhu cầu thanh khoản dài hạn thì được đảm bảo bằng các khoản tiền vay hoặc các chứng khoán ngắn và trung hạn.