Kinh nghiệm quản lý lưu học sinh của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Quản lý lưu học sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 76 - 79)

Công cuộc cải cách của Trung Quốc trong 30 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong rất nhiều sách lược quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển của Trung Quốc ngày nay, không thể không kể đến những thay đổi trong chính sách giáo dục của đất nước này.

70

Những tấm ảnh lớn chụp chung Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân xuất hiện khá nhiều trên đường phố của một số thành phố phát triển của Trung Quốc. Đối với người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, Mao Trạch Đông đã tạo nên một nước Trung Hoa mới, đưa Trung Quốc thoát khỏi ách ngoại bang. Còn Đặng Tiểu Bình là người đem đến sự phồn vinh, thịnh vượng và Giang Trạch Dân được đánh giá là chính trị gia có tầm nhìn xa trông rộng.

Trong ba nhà lãnh đạo được kể đến ở trên, khi nhắc đến 30 năm cải cách của Trung Quốc, có một cái tên mà bất cứ ai quan tâm đến quốc gia này cũng phải nhớ đến và thán phục: Đặng Tiểu Bình. Ông được người Trung Quốc đặt cho danh hiệu "tổng công trình sư", nhà "thiết kế" và là linh hồn của công cuộc cải cách mở cửa thành công của đất nước tỷ dân.

Nhìn lại lịch sử, ngày 23/06/1978, sau khi đến thăm Đại học Thanh Hoa, Đặng Tiểu Bình đã đề cập đến việc cử học sinh đi học ở nước ngoài. Ông nhấn mạnh, các lưu học sinh phải thật sự hòa nhập vào xã hội, vào môi trường sống của nước bạn để học hỏi được nhiều thứ hơn và học có thực chất hơn. Đặng Tiểu Bình cho rằng, nếu cử 10.000 học sinh ra nước ngoài học chỉ có 9.000 người trở về quê hương thì điều đó cũng không có gì phải lo lắng.

Từ gợi ý của Đặng Tiểu Bình, Bộ Giáo dục Trung Quốc nhanh chóng bắt tay vào việc cử học sinh ra nước ngoài học tập. Đây là một quyết sách trọng đại, có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của quốc gia này. Cánh cửa hướng ra thế giới của Trung Quốc mở rộng.

Học hỏi từ chính Mỹ và phương Tây

Các quốc gia được chọn làm nơi gửi gắm tài năng chủ yếu là Mỹ và các nước phương Tây phát triển. Và trong lần đầu tiên, các chuyên ngành chủ yếu được lựa chọn là khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, tiền tệ, pháp luật.

Ngày 26/12/1978, một nhóm gồm 52 lưu học sinh đầu tiên của Trung Quốc (kể từ sau khi quốc gia này bắt đầu tiến hành cải cách mở cửa, năm 1978) đã đặt chân đến nước Mỹ. Sau đó, Anh, Nhật Bản, Đức, Pháp, Canada

71

cùng nhiều nước phương Tây khác cũng lần lượt đón lưu học sinh Trung Quốc. Số du học sinh của đất nước này tăng đáng kể ở các trường đại học danh tiếng.

Nếu như trước cải cách mở cửa, lưu học sinh Trung Quốc ở Đức chỉ có 20 đến 30 người, hơn nữa chủ yếu tập trung ở Đông Đức, thì sau 30 năm, đến nay, đã có hơn 30.000 lưu học sinh Trung Quốc theo học tại đất nước này, đứng vị trí đầu bảng trong số các nước có lưu học sinh ở Đức.

Không chỉ lưu học sinh Trung Quốc ở Đức tăng nhanh, cho đến nay, số du học sinh Trung Quốc ở Australia đăng ký nhập học đã hơn 100.000 người, là nước có du học sinh đông nhất ở xứ sở kanguroo. Tính trung bình, cứ 4 lưu học sinh ở Australia thì có 1 người đến từ Trung Quốc.

Đứng đầu thế giới về số du học sinh. Đưa học sinh ra nước ngoài học tập trở thành một tiêu chí quan trọng trong công cuộc cải cách mở cửa của quốc gia láng giềng. Số lưu học sinh của Trung Quốc trong 30 năm qua đã vượt qua con số 1.2 triệu người. Trung Quốc trở thành nước có số du học sinh lớn nhất thế giới. Tính đến nay, 77% hiệu trưởng các trường cao đẳng, 84% viện sĩ viện khoa học, 62% tiến sĩ Trung Quốc đều là những người đã từng đi học ở nước ngoài về.

Quá trình cải cách ngày càng sâu rộng cho phép Chính phủ Trung Quốc nới rộng chính sách du học, để các cá nhân được du học tự túc. 30 năm trôi qua, ngày nay, du học đã trở thành quyền được giáo dục của bất cứ công dân Trung Quốc nào. Ra nước ngoài học tập cũng không còn là chuyện chỉ có trong giấc mơ, không thể thực hiện được với hàng nghìn hộ gia đình hay bất kỳ cá nhân nào.

Theo tư liệu lịch sử, Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên cử lưu học sinh ra nước ngoài học tập vào năm 1872. Đến năm 1949, sau hơn 70 năm, Trung Quốc đưa được hơn 120.000 người ra nước ngoài đào tạo. Từ năm 1949 đến 1977, lưu học sinh Trung Quốc có chưa đến 20.000 người.

72

Nhưng chỉ trong vòng 30 năm (1978-2008), số lưu học sinh Trung Quốc đã là hơn 1.2 triệu người, theo số liệu của CCTV. Họ có mặt ở 108 quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới, đông nhất vẫn là ở Mỹ và các nước phương Tây phát triển. Cử học sinh ra nước ngoài học tập là một chính sách trọng yếu trong bồi dưỡng nhân tài của Trung Quốc. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã quay trở về và đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Những lưu học sinh Trung Quốc sau cải cách mở cửa đã thật sự đem lại những sắc màu đa diện và có ảnh hưởng trực tiếp tới văn hóa, xã hội Trung Quốc. 30 năm qua, số lưu học sinh Trung Quốc ở khắp mọi nơi trên thế giới tăng nhanh, họ thực sự trở thành cây cầu nối liền Trung Quốc với thế giới.

Có thể nói, chưa khi nào người Trung Quốc lại hiểu và nhận thức về thế giới đầy đủ hơn hiện nay. Phát triển đất nước không thể không dựa vào chấn hưng giáo dục, và những gì Trung Quốc đã làm trong 30 năm qua là một minh chứng rõ ràng cho điều này, như tinh thần câu danh ngôn: "Thời gian là người diễn dịch giỏi nhất cho mọi điều luật còn hồ nghi".

Một phần của tài liệu Quản lý lưu học sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 76 - 79)