Kinh tế tri thức – xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực hướng tới kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay (Trang 25 - 26)

Bản chất, đặc điểm cũng như biểu hiện của KTTT đã chứng tỏ rằng nền KTTT không phải là sự kỳ vọng hay mơ ước viển vông, mà đó là một xu thế vận động, phát triển được hiện thực hóa khá nhanh. Lực lượng sản xuất vốn là yếu tố động, cách mạng, vì thế nó không ngừng phát triển theo hướng tích cực, làm cho nền kinh tế chuyển biến từ kinh tế nông nghiệp đến kinh tế công nghiệp và ngày nay đang chuyển dần lên KTTT. KTTT là giai đoạn phát triển cao của lực lượng sản xuất, cũng như các nền kinh tế trước nó, KTTT là sự phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất. Khi lực lượng sản xuất chủ yếu dựa vào lao động thủ công và đất đai thì ra đời nền kinh tế nông nghiệp, khi sản xuất dựa chủ yếu vào máy móc và tài nguyên thiên nhiên thì ra đời kinh tế công nghiệp, đến khi sự sản xuất ra của cải vật chất dựa chủ yếu vào tri thức thì ra đời KTTT.

Đã gọi là xu thế khách quan thì không thể quay lưng lại hay từ chối nó mà có thể phát triển được. Nhờ sớm biết sử dụng tri thức để phát triển mà nền kinh tế của các nước phát triển đã vượt xa các nước đang phát triển cả về trình độ và tốc độ phát triển. Do tính linh hoạt, hiệu quả cao, các sáng kiến, phát minh khoa học xuất hiện ngày càng nhiều và điều quan trọng hơn là chúng được phổ biến cực nhanh trên diện rộng thông qua mạng internet siêu cao tốc đã tạo ra sự bứt phá nhanh trong tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của giới chuyên môn, chỉ tính riêng quá trình chuyển giao công nghệ được rút ngắn, có thể đẩy mức tăng trưởng kinh tế thế giới lên đến 1% hằng năm, tương đương với 300 tỷ USD và còn cao gấp bội theo mức gia tăng của tổng sản phẩm thế giới trong thế kỷ 21. Thành quả của KTTT là rất to lớn; bởi vậy, việc nắm bắt được xu thế phát triển của nền KTTT, đưa ra được những đối sách thích hợp trong chiến lược phát triển kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với triển vọng phát triển của mỗi quốc gia hiện nay.

Các nước đang phát triển hiện nay đang đứng trước những cơ hội mới, đồng thời cũng gặp không ít thách thức. Cơ hội lớn nhất là thông qua KTTT để đón đầu các công nghệ hiện đại sử dụng vào phát triển kinh tế - xã hội. Nếu nắm bắt được cơ hội lớn này, các nước đang phát triển có thể nhanh chóng bứt phá vươn lên, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển để không rơi vào nguy cơ tụt hậu. Toàn cầu hóa tạo điều kiện để chuyển giao những thành quả mới mẻ, những đột phá sáng tạo mới về khoa học – công nghệ, về tổ chức và quản lý, về sản xuất và kinh doanh, đưa kinh nghiệm và kiến thức đến với các dân tộc, với các gia đình và với mọi người dân, mở đường cho CNH, HĐH. Xu thế toàn cầu hóa do KTTT đặt ra cho phép các nước chậm phát triển thực hiện chủ trương đa phương hóa quan hệ kinh tế và khoa học – công nghệ với thế giới. Trên nền tảng quan hệ kinh tế, các nước chậm phát triển có khả năng chủ động khai thác những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của các cường quốc trên thế giới.

Mặt khác, xu hướng cấu trúc lại và chuyển dịch cơ cấu ngành đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới tạo ra những “khoảng trống” mà các nước chậm phát triển có thể chen chân, hội nhập để tạo lập vị thế mới. Hiện nay cơ hội như vậy đang đến với các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh mới, bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa nền kinh tế thế giới cũng như bối cảnh hướng tới một xã hội thông tin. Tuy nhiên, do những khó khăn, yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực, về điều kiện kết cấu hạ tầng và hệ thống tài chính, nếu không có những đối sách hữu hiệu thì các nước đang phát triển khó tránh khỏi sự tụt hậu kinh tế ngày càng xa và ngày càng lệ thuộc vào các nước phát triển.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực hướng tới kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)