KTTT xuất hiện với tiền đề của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang trở thành khuynh hướng tất yếu và khách quan của nền kinh tế thế giới trong thời đại ngày nay. Bất kỳ một nền kinh tế nào muốn tồn tại và phát triển được thì cũng không có con đường nào khác ngoài hướng cho nền
kinh tế của mình đi theo cách thức phát triển mà nền KTTT yêu cầu. Đặc biệt, sự xuất hiện và phát triển của nền kinh tế mới này lại gắn liền với quá trình toàn cầu hóa. Do vậy, phát triển KTTT đồng thời phải đưa nền kinh tế hội nhập vào quá trình này. Không thể phát triển KTTT mà lại từ chối toàn cầu hóa và ngược lại, không thể tham gia vào quá trình toàn cầu hóa mà lại không phát triển KTTT.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, tham gia vào nền kinh tế thế giới với điểm xuất phát thấp, chúng ta cũng như các nước đang phát triển khác, đứng trước hai khả năng: hoặc biết tranh thủ thời cơ, có đường lối và chiến lược phát triển đúng, thông minh sáng tạo thì hoàn toàn có thể vươn lên, đi nhanh, sớm khắc phục tình trạng kém phát triển, sớm tiến kịp các nước đi trước; hoặc không đủ bản lĩnh chớp lầy thời cơ thì đất nước không thể thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, tụt hậu ngày càng xa hơn, thậm chí bị gạt ra ngoài lề con đường phát triển của nền kinh tế thế giới.
Do đó, đứng trước ngưỡng cửa của nền KTTT, ở Việt Nam vẫn có những quan điểm trái chiều. Có nhiều người lạc quan, tin tưởng vào khả năng hội nhập của nền kinh tế nước nhà, nhưng cũng có những người còn băn khoăn, ngỡ ngàng. Một số người cho rằng cần đi ngay vào KTTT, nếu chần chừ sẽ để lỡ mất cơ hội phát triển, giống như để lỡ mất chuyến tàu tốc hành rồi ở lại một mình trên sân ga vắng. Cũng có những người lo ngại cho rằng, nước ta còn nghèo, lo ăn lo mặc còn chưa đủ nên nói chuyện KTTT bây giờ là quá sớm. Hay cũng có những quan điểm mang tính chính trị cho rằng nền KTTT cũng như toàn cầu hóa là biểu hiện của nền kinh tế tư bản, chúng ta bước vào đó sẽ dễ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa…
Đứng trước vận mệnh của đất nước, chúng ta cần có trách nhiệm nghiên cứu và phân tích một cách chính xác về khuynh hướng vận động của kinh tế thế giới lẫn những khả năng hay khó khăn của đất nước để có thể đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp, vừa làm sao cho đất nước có sự phát triển về kinh tế, tiến bộ về xã hội lại vừa giữ vững được độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội. Nhận thức rõ được sứ mệnh của mình, Đảng ta đã không ngừng đưa ra những chính sách đổi mới kịp thời, trở thành những chiến lược đúng đắn cho con đường đi lên của Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta đã xác định: “Thế kỷ XXI sẽ có nhiều biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. KTTT sẽ có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất” [10; 91]. Sau khi xác định CNH, HĐH là nhiệm vụ trọng tâm, Báo cáo chính trị đã xác định: “Con đường CNH, HĐH của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian so với các nước đi trước, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt. Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển KTTT”
[dẫn theo 18; 202].
Đến Đại hội X, Đảng ta chỉ rõ: “Chúng ta tranh thủ các cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển KTTT. Phải coi KTTT là yếu tố quan trọng của nền kinh tế CNH, HĐH; phát triển mạnh các ngành kinh tế và các sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao và dựa nhiều vào tri thức” [11, 28-29].
Như vậy, Đảng ta đã khẳng định, cần nắm bắt khoa học công nghệ hiện đại và KTTT để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước. Muốn rút ngắn phải biết tăng tốc và biết đi tắt, bỏ qua những bước đi mà các nước đi trước đã phải đi vòng do lúc đó chưa có điều kiện. Đảng ta quan niệm, KTTT là một thực tế khách quan, một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhưng đó không phải là một hình thái kinh tế - xã hội mới thay thế chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội, cũng không phải là một lĩnh vực kinh tế độc lập, nằm ngoài các ngành kinh tế khác. Do vậy, chúng ta cần biết vận dụng những thành tựu của tri thức nhân loại để tiến hành CNH, HĐH đất nước, đưa nền kinh tế đất nước
tiến kịp với nền kinh tế nhân loại, đồng thời xây dựng một xã hội XHCN công bằng và tiến bộ.
Hội nhập vào nền kinh tế thế giới là một xu thế tất yếu, vì hiện nay không có một nền kinh tế nào có thể đứng cô lập mà phát triển được. Nhưng hội nhập mà không đủ năng lực nội sinh, không biết tận dụng các yếu tố thuận lợi của thời đại để phát triển nhanh thì sẽ bị cuốn hút, đè bẹp. Nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực vẫn là thách thức to lớn và gay gắt do điểm xuất phát của Việt Nam quá thấp, lại phải phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Việt Nam bước vào xây dựng nền KTTT với điểm xuất phát thấp, còn nhiều thách thức rất gay gắt rất cần được khắc phục trong quá trình phát triển. Đó là những thách thức nảy sinh từ thực trạng nền kinh tế còn non yếu của chúng ta đứng trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, do chủ nghĩa tư bản chi phối, làm gia tăng nhanh khoảng cách phát triển và khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, làm cho các mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc và gay gắt.
Chúng ta chỉ mới bắt đầu CNH, HĐH nên để tạo ra lượng của cải như nhau, Việt Nam phải đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực nhiều hơn nhiều so với các nước phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ ngày nay, muốn xác lập được vị trí của mình, chúng ta cần phải nâng cao năng lực của mình thông qua phát triển GD – ĐT theo tiêu chuẩn cao của thế giới, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là năng lực áp dụng khoa học và công nghệ để đổi mới của các doanh nghiệp; khuyến khích mọi thành viên của xã hội học hỏi, sáng tạo không ngừng, phổ biến rộng rãi công nghệ mới, tri thức mới… Nhưng đây còn là mặt yếu, thách thức của chúng ta, đòi hỏi phải có chuyển biến thật mạnh mẽ, giải quyết thật cơ bản động cơ lợi ích mới phát huy được mọi thành phần kinh tế - xã hội tham gia xây dựng đất nước dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước.
Việt Nam bước vào KTTT trong khi sự chênh lệch về công nghệ với các nước phát triển là rất xa, những lợi thế về tài nguyên và nguồn lao động rẻ
không còn là ưu thế, trong khi đó, chúng ta lại phải đi mua các sản phẩm công nghệ với giá rất cao. Mặt khác, các nước giàu đang dần đẩy các công nghiệp tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu, và gây ô nhiễm sang các nước đang phát triển dưới hình thức đầu tư, khiến cho nguy cơ rủi ro của nền kinh tế chúng ta ngày càng lớn. Cộng vào đó là nạn chảy máu chất xám làm cho Việt Nam mất đi một nguồn lực đáng kể….
Những khó khăn đó buộc chúng ta phải có những chiến lược phát triển phù hợp. Sự xuất hiện của KTTT là vận hội chưa từng có để Việt Nam đi tắt, đón đầu, từng bước đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Nguồn tri thức đồ sộ mà nền KTTT mang lại chính là nguồn lực vô tận giúp chúng ta có thể khai thác và phát huy. Muốn làm được điều đó, điều quan trọng là phải có một thiết chế chính sách cụ thể, phù hợp cả trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực lẫn chính sách phát triển kinh tế hợp lý, cơ chế phát triển thông thoáng của hệ thống chính sách của nhà nước.
Phát triển nền kinh tế theo hướng tri thức không có nghĩa là chỉ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, mà “tri thức hóa” nền kinh tế nghĩa là chúng ta phải biết tăng hàm lượng tri thức, thông tin vào trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, từ nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ (thông qua tư liệu sản xuất, máy móc, thiết bị, thông qua trình độ lao động, kỹ năng hay kinh nghiệm của lực lượng lao động). Để vừa phát huy được lợi thế kinh tế của đất nước là nông nghiệp đồng thời lại vừa tạo điều kiện cho sự phát triển và xâm nhập của công nghệ cao. Từ đó mà tăng sức cạnh tranh cho các ngành kinh tế cả truyền thống và hiện đại.
KTTT là vận hội để nước ta đẩy nhanh CNH, HĐH. Chúng ta cần tận dụng cơ hội đó để thực hiện chiến lược phát triển đi tắt, đón đầu để rút ngắn khoảng cách, không bị tụt hậu so với nền kinh tế thế giới.
Đi tắt cũng có nghĩa là phải kết hợp hai quá trình: chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và từ kinh tế công nghiệp lên KTTT. Ở Việt Nam, hai quá trình ấy phải tiến hành đồng thời, lồng ghép vào nhau, hỗ trợ
cho nhau. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải phát huy tối đa nội lực (con người, tài nguyên, cơ sở vật chất, vốn, khoa học và công nghệ, năng lực quản lý và thông tin…), trong đó NLCN có năng lực trí tuệ là quan trọng nhất, đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thị trường, thông tin…). Kết hợp hai nguồn lực đó thành sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước. Không thể chờ công nghiệp hoá hoàn thành cơ bản rồi mới chuyển lên KTTT như các nước đi trước đã phải trải qua. Đây chính là lợi thế của các nước đi sau như Việt Nam chúng ta.