- Đổi mới hệ thống chính trị và cơ chế chính sách, thực hiện những tiến bộ, công bằng và dân chủ xã hội nhằm kích thích tính tích cực của người dân.
Chính trị là một lĩnh vực quan trọng trong kiến trúc thượng tầng xã hội. Một quốc gia muốn phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, tư tưởng, những
người dân trong quốc gia đó thực sự được giải phóng và bảo vệ khi có một nền chính trị ổn định và tiến bộ. Bởi hệ thống chính trị, đi kèm theo nó là hệ thống pháp luật, chính sách, và các cơ chế thực thi tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sẽ quy định và ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội và đời sống người dân. Vì vậy, xu hướng phát triển của đất nước sẽ như thế nào là phụ thuộc rất lớn vào hệ thống chính trị.
Hệ thống chính trị XHCN của nước ta bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị, xã hội khác. Từ khi chúng ta tiến hành đổi mới, hệ thống chính trị của nước ta đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy rất lớn cho sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ, việc đổi mới không thể nhanh chóng đem lại kết quả như mong muốn, vì thế, có nhiều lúc, nhiều nơi hệ thống chính trị nước ta vẫn còn những lúng túng, hạn chế, khiếm khuyết đòi hỏi thái độ thẳng thắn và kiên quyết sửa đổi. Để có thể tạo điều kiện cho mọi công dân có quyền tự do, bình đẳng trong cuộc sống, hăng say, sáng tạo trong lao động và học tập theo khuôn khổ của pháp luật chúng ta cần có những giải pháp tiến hành đổi mới triệt để hơn nữa hệ thống chính trị, hệ thống chính sách và thay đổi toàn diện cơ chế thực hiện các chính sách đó.
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự chỉ đạo của Nhà nước như hiện nay, Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo để đưa nền kinh tế đất nước phát triển hội nhập, hợp tác với các nước TBCN mà vẫn không làm chệch hướng XHCN. Tuy nhiên, khi Nhà nước can thiệp trực tiếp và quá sâu vào hoạt động kinh tế thì sẽ giảm quyền tự chủ và tính năng động của các cơ sở kinh tế, thu hẹp dân chủ và giảm sức sáng tạo của người lao động. Vì vậy, Nhà nước chỉ quản lý trên bình diện vĩ mô, bằng những chủ trương kế hoạch mang tính định hướng sẽ tạo điều kiện mở rộng dân chủ, tăng cường tinh thần tự do sáng tạo của các cơ sở kinh tế và người lao động.
Trong bộ máy Nhà nước, cần giảm dần những khâu trung gian không cần thiết, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân trong quá trình thực thi, đồng thời cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh giản những bộ phận làm việc không hiệu quả, cồng kềnh, làm cho bộ máy hành chính trở nên gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả. Muốn vậy, ngay từ trong công tác bổ nhiệm, tuyển chọn cần lựa chọn được những cán bộ vừa phải thực sự có năng lực lại vừa có tâm huyết với sự nghiệp phát triển của đất nước, làm sao để trọng dụng được người có tài, có đức trong xã hội. Mặt khác, cần thường xuyên và kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực trong bộ máy Nhà nước như tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền.
Hệ thống chính sách mà Nhà nước ban hành vừa phải có tính kích thích lại vừa có tính ràng buộc. Đồng thời toàn bộ hệ thống chính sách của Nhà nước phải được kết hợp chặt chẽ trong một chỉnh thể thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện để kích thích mọi người có thể làm giàu bằng chính tài năng và sức lực của mình mà không làm tổn hại đến lợi ích của người khác, không vi phạm luật pháp. Một mặt, hệ thống chính sách của Nhà nước cần phải đảm bảo tính ổn định lâu dài để nhân dân yên tâm sản xuất kinh doanh,
mặt khác cũng đòi hỏi sự nghiên cứu nắm bắt tình hình thực tế, có sự thay đổi linh hoạt để luôn duy trì được tính định hướng mà vẫn kích thích được quá trình sản xuất của xã hội. Khi mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội thay đổi với tốc độ chóng mặt như hiện nay càng đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén trong các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Riêng đối với hệ thống pháp luật, cần có sự nghiên cứu, sửa đổi sao cho luật pháp ngày càng cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng luật pháp rườm rà, không nhất quán, thiếu tính khả thi để đảm bảo cho mọi thành phần dân cư yên tâm, tích cực đầu tư sức người, sức của vào quá trình sản xuất. Đồng thời tạo một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng, kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, làm cho chất lượng nguồn lao động ngày càng được nâng cao.
- Đẩy mạnh dân chủ hóa đời sống kinh tế xã hội, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội.
Để một xã hội có thể phát triển trong tính ổn định, hòa bình cần có Nhà nước. Nhà nước là biểu hiện của ý chí và quyền lực của giai cấp cầm quyền trong xã hội. Nhưng Nhà nước đó muốn tồn tại thì phải đảm bảo được sự tự do, công bằng cho đa số dân cư. Có nghĩa là, một mặt Nhà nước phải dùng những định chế, pháp luật, chính sách để buộc mọi người dân trong nhà nước mình phải phục tùng, mặt khác, Nhà nước cũng phải bảo đảm quyền làm chủ của người dân. Trong xã hội XHCN thì điều đó càng được thể hiện rõ ràng, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt tử của hệ thống chính trị XHCN.
Trong bối cảnh ngày nay, khi mà xã hội đang ngày càng phát triển thì việc đảm bảo quyền dân chủ cho người dân còn là động lực cho sự phát triển của nền chính trị. Bởi chỉ khi người dân được bảo đảm quyền dân chủ thì họ mới thực sự được giải phóng, mới có tự do, công bằng và được hưởng những giá trị tiến bộ của xã hội. Người ta chỉ hăng say lao động, học tập và cống hiến cho xã hội khi người ta ý thức được quyền tự do, dân chủ của mình. Như vậy xây dựng một môi trường xã hội công bằng, dân chủ là điều rất quan trọng để phát huy tính tích cực của người dân, từ đó mà khai thác được sức mạnh tiềm tàng trong NLCN của xã hội. Vì vậy, trong các chiến lược phát triển kinh tế của nhà nước luôn phải gắn liền với những mục tiêu thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm công bằng và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; phải bảo đảm sự kết hợp giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể và lợi ích xã hội.
Công bằng xã hội luôn gắn liền với dân chủ xã hội. Một chế độ xã hội dân chủ là điều kiện quan trọng để con người phát huy tính tích cực chính trị của mình. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng dân chủ không có nghĩa là vô kỷ luật, vô chính phủ. Dân chủ và pháp luật phải luôn đi liền với nhau, bổ sung cho nhau. Một xã hội dân chủ, tự do, công bằng và bình đẳng, với nhà nước mạnh luôn quản lý nền kinh tế xã hội bằng những định hướng tiến bộ, có hệ thống chính sách và pháp luật hoàn chỉnh, có những chuẩn mực, giá trị xã hội,
đạo đức tốt đẹp dẫn dắt dư luận là cách tốt nhất khắc phục những tập quán xấu, những mặt hạn chế, yếu kém và phát huy những truyền thống tốt, những mặt ưu điểm, tiến bộ của người lao động. Đó cũng là điều kiện để hình thành những phẩm chất tốt đẹp, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới đối với NLCN nước ta, là mảnh đất tốt cho tính tích cực xã hội, tinh thần tự do sáng tạo và tài năng của họ nảy nở, phát triển nhằm đưa đất nước ta nhanh chóng trở thành một nước phát triển.