Vai trò của nguồn lực con người trong kinh tế tri thức

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực hướng tới kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay (Trang 39 - 43)

Động lực chính của nền KTTT thể hiện ngay trong chính khái niệm của nó, đó là tri thức. Khác với các mô hình kinh tế truyền thống dựa chủ yếu vào sức lao động và tài nguyên, trong nền KTTT, khả năng sáng tạo tri thức, trình độ tiếp cận và vận dụng tri thức hiện đại trong quá trình sản xuất các giá trị vật chất và tinh thần mang ý nghĩa quyết định thúc đẩy nền kinh tế. Tất cả những thứ đó đều gắn chặt với con người và do con người sản sinh ra. Cho nên, để tiến tới nền KTTT, trước hết và chủ yếu cần chú trọng phát triển một cách toàn diện nguồn lực con người, khuyến khích và bồi dưỡng nhân tài. Nói một cách ngắn gọn, lĩnh vực đầu tư quan trọng nhất để thúc đẩy nền KTTT phát triển chính là đầu tư vào vốn con người, làm thế nào phát triển, thu hút và sử dụng tốt nguồn nhân lực trí tuệ. Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên KTTT phải hướng tới mục tiêu biến tri thức thành kỹ năng, tri thức phải thành trí lực, và suy rộng ra dân trí phải trở thành nhân lực. Đây cũng chính là hướng tổng quát nhất của sự nghiệp phát triển NLCN nhằm phục vụ nền KTTT của tất cả các nước.

Sự phát triển kinh tế - xã hội luôn cần đến một hệ thống các nguồn lực khác nhau, sự tồn tại bền vững và sự phát triển theo con đường tiến bộ của bất cứ quốc gia nào cũng phụ thuộc nhiều vào các nhân tố như: vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn tích lũy trong nước, lao động… Mỗi yếu tố có vị trí, vai trò và mức độ tác động riêng, trong đó NLCN luôn đứng ở vị trí trung tâm, là nguồn lực quan trọng nhất, là nguồn lực tiềm tàng nhất cho sự phát triển. Đặc biệt khi bước sang nền KTTT, khi mà động lực chủ yếu là tri thức thì chính con người - với vai trò là chủ thể của quá trình tiếp nhận và chuyển hóa tri thức - càng được khẳng định.

Ngay trong nền sản xuất truyền thống, cho dù tài nguyên thiên nhiên có phong phú đến đâu chăng nữa, nguồn năng lượng có dồi dào đến đâu, vị trí địa lý có thuận lợi đến mấy…thì đó cũng chỉ là những khách thể bất động và chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. Chúng chỉ trở thành nhân tố động và phát huy giá trị khi được kết hợp với NLCN. Bởi lý do rất đơn giản là chỉ có NLCN mới có khả năng tư duy, có trí tuệ và có thể định hướng được chúng cho quá trình phát triển. Như vậy, tài nguyên thiên nhiên chỉ trở thành một nhân tố cho sự phát triển bền vững khi và chỉ khi nó được phát huy tính hữu ích của nó nhờ nhân tố con người. Chỉ khi đó, nó mới trở thành một nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà không gây những hậu quả xấu về môi trường, về xã hội. Vì thế C.Mác đã nói: “tiền tệ chỉ trở thành tư bản thông qua sức lao động của người công nhân vì nhờ vậy, nó tạo ra giá trị lớn hơn giá trị ban đầu" [84; 391].

KTTT là sự phát triển tiếp theo của kinh tế công nghiệp. Nhưng khi loài người bước sang nền KTTT thì đồng thời con người cũng phải đối mặt với những hậu quả mà nền kinh tế trước đó để lại. Đó là nạn khan hiếm tài nguyên và ô nhiễm môi trường đếm mức báo động do tư tưởng đơn nhất là khai thác một cách tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu sản xuất ngày càng mở rộng của nền kinh tế hàng hóa. Chính vì thế, nguồn tài nguyên nước, không khí, ánh sáng mặt trời…trước kia được coi là

nguồn tài nguyên vô tận thì ngày nay thế giới đang xảy ra nguy cơ về thiếu nước nghiêm trọng, không khí bị ô nhiễm, tầng ozon bị thủng kéo theo hiệu ứng nhà kính… Đứng trước những mối nguy cơ và đe dọa đó, con người phải tìm ra cách để giải thoát cho mình. Không phải là hạn chế nhu cầu của mình để tiết kiệm tài nguyên, mà là thúc đẩy sản xuất, phục vụ nhu cầu ngày càng cao cùa mình bằng cách đẩu tư cho tri thức để tìm ra những nguồn nguyên liệu, năng lượng tái sinh. Một mặt đưa lại năng suất lao động cao phục vụ cho nhu cầu ngày càng khắt khe của mình, mặt khác, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ mà không làm tổn hại đến môi trường sống.

Như vậy, nếu nói theo tính vật chất thì tài nguyên thiên nhiên là có hạn, tuy nhiên xét về mặt hệ thống thì hệ thống tài nguyên là bỏ ngỏ, các năng lực tiềm tàng để nhận thức và lợi dụng tài nguyên của con người là vô tận, trí tuệ con người từ góc độ phát triển là vô hạn. Tính vô hạn của trí tuệ thể hiện ở chỗ, đó không chỉ là khả năng tự sản sinh về mặt sinh học mà còn có thể tự đổi mới, không ngừng phát triển về chất trong con người xã hội nếu biết chăm lo, nuôi dưỡng và khai thác NLCN một cách hợp lý. Bởi, nguồn lực trí tuệ có đặc tính khác với nguồn lực tài nguyên thiên nhiên ở chỗ, nó càng khai thác, sử dụng thì nó lại càng dồi dào, sức mạnh lại càng được nhân lên.

Trong nền KTTT, NLCN được phát huy một cách tối đa, và vì thế nó có khả năng làm thay đổi mọi phương thức sản xuất truyền thống với năng suất lao động ngày càng cao. Nhờ sự xâm nhập của tri thức, của trí tuệ con người mà năng suất lao động tăng gấp nhiều lần. Trí tuệ của con người có khả năng tạo ra những máy móc hiện đại có thể bắt chước hoặc mô phỏng theo những đặc tính trí tuệ của con người. Chính do sức mạnh to lớn của trí tuệ con người đã làm thay đổi những thang giá trị của tài nguyên, của các loại nguồn lực. Ngày nay, đối tượng khai thác được chuyển vào chính bản thân con người. Trong nền KTTT, trí tuệ con người giữ vai trò quyết định sức mạnh của mỗi quốc gia, nó chính là tài nguyên của mọi tài nguyên.

Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa và mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế như hiện nay, các nước có thể khắc phục sự yếu kém về kỹ thuật, công nghệ thông qua con đường chuyển giao, nhập khẩu hoặc gia tăng nguồn vốn bằng cách vay từ các ngân hàng, các quỹ phát triển của thế giới. Nhưng người ta lại không thể vay mượn hay nhập khẩu được khả năng sáng tạo của con người. Vì thế, có thể khẳng định rằng năng lực sáng tạo nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung là yếu tố nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển xã hội, nhất là trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ và xu hướng vươn tới nền KTTT của thế giới hiện nay. Một cách gián tiếp, sự phát triển của nguồn lực con người nước ta trong thời gian qua đã có đóng góp quyết định vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Như vậy, trong nền KTTT, vai trò của NLCN càng thể hiện mạnh mẽ. Con người luôn với tư cách là trung tâm của mọi hoạt động xã hội, và từ chỗ là con người kinh tế trở thành con người trí tuệ. Con người vừa là sản phẩm của xã hội, đồng thời là chủ thể để xây dựng xã hội. Con người là hạt nhân và mục đích của hoạt động tri thức kinh tế, là môi giới trung gian của kinh tế hóa tri thức, đồng thời con người lại là thực thể của tri thức, của kinh tế, là người sáng tạo trực tiếp của kinh tế hóa tri thức.

Trong nền KTTT, con người vừa chuyển tải những giá trị văn hóa, sáng tạo tri thức khoa học kỹ thuật, tin tức, vừa trực tiếp cấu thành nguồn tài nguyên quý giá nhất, của cải quý báu nhất, động lực kinh tế có giá trị nhất cho nền văn minh hiện đại. Con người là sự thống nhất của khoa học – kỹ thuật, văn hóa, nguồn tài nguyên, cũng là môi giới trung gian của tri thức, kinh tế và là sự ngưng tụ, hợp thành của KTTT. Như vậy, con người là động lực tạo nên sự phát triển với tốc độ cao của KTTT, đóng vai trò là gia tốc, động lực đối với KTTT.

Kinh tế thế giới ngày càng dựa vào động lực nhân tài, là kết quả tất nhiên của KTTT phát triển chiều sâu và càng tỏ rõ con người có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của KTTT. Trong nền kinh tế này, sự phát

triển, tăng trưởng hầu như phải dựa đến 80% vào sự phát triển tri thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật - chính là dựa vào nhân tố con người .

Mặt khác, tất cả những nguồn lực của xã hội, kể cả NLCN nói chung và nguồn lực trí tuệ nói riêng, sẽ chỉ phát huy được tính năng động, sáng tạo của mình trong nền KTTT khi mà nó được hoạch định, định hướng đúng bởi hệ thống chính sách quản lý vĩ mô. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta, quá trình hướng tới KTTT sẽ chỉ đạt được kết quả tốt khi chúng ta biết lựa chọn mô hình phát triển đúng, các bước đi phù hợp và các giải pháp hữu hiệu thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước và bối cảnh quốc tế. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của NLCN trong quá trình hướng tới nền KTTT.

Nói tóm lại, NLCN luôn giữ vị trí là hạt nhân, là trung tâm trong nền KTTT nói riêng và trong lịch sử phát triển nói chung của nhân loại. Một mặt, trong toàn bộ các nhân tố hợp thành cơ thể xã hội, con người luôn đứng ở vị trí trung tâm; mặt khác, trong hệ thống động lực thúc đẩy lịch sử xã hội phát triển, con người là động lực cơ bản, quan trọng nhất và đóng vai trò quyết định. Trong nền KTTT, con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể trực tiếp thực hiện, quyết định quá trình hướng tới KTTT, vừa là khách thể được khai thác triệt để cho sự thành công đi tới nền KTTT; trong nền kinh tế đó, con người không chỉ sáng tạo nên văn minh vật chất, văn minh tinh thần mà còn nhanh chóng sáng tạo ra chính bản thân mình. Biết khai thác, phát triển nguồn lực trí tuệ sẽ nhanh đưa chúng ta bước vào thời đại KTTT.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực hướng tới kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay (Trang 39 - 43)