Đặc điểm cấu tạo, hình thái sinh học của cây đậu xanh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm nước uống đóng chai từ bí đỏ và đậu xanh (Trang 27 - 31)

Đặc điểm cấu tạo của cây đậu xanh

Cũng như những cây khác đặc điểm sinh học của cây đậu xanh cũng gồm thân, rễ, lá, cành, hoa, quả và hạt.

Thân và cành: Thân đậu xanh thuộc dạng thân thảo hình trụ, phân đốt, cao

khoảng 40 ÷ 70 cm mọc thẳng đứng, có khi hơi nghiêng. Thân đậu xanh nhỏ, tròn, có màu xanh hoặc màu tím tùy thuộc vào kiểu gen, có một lớp lông màu nâu sáng bao bọc. Trên thân chia 7 ÷ 8 đốt, ở giữa 2 đốt gọi là lóng. Độ dài lóng thay đổi tùy theo vị trí trên cây và điều kiện cây khác. Các lóng dài khoảng 8 ÷ 10 cm, các lóng ngắn chỉ 3 ÷ 4 cm. Từ các đốt mọc ra các cành, trung bình có 1 ÷ 5 cành. Các cành mọc ra từ các nách lá thứ 2, 3 phát triển mạnh gọi là cành cấp I, trên mỗi cành này lại có trung bình 2 ÷ 3 mắt, từ các mắt mọc ra các chùm hoa. Các đốt thứ 4, 5, 6 thường là mọc ra các chùm hoa. Thời kỳ trước khi cây có ba lá chét thì tốc độ tăng trưởng của thân chậm, sau đó mới tăng dần đến khi cây ra hoa và hoa rộ, đạt chiều cao tối đa lúc đã có quả chắc. Đường kính trung bình của thân chỉ từ 8 ÷ 12 mm và tăng trưởng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của chiều cao của cây [8].

Lá: Lá cây đậu xanh thuộc loại lá kép, có ba lá chét, mọc cách. Trên mỗi thân chính có 7 ÷ 8 lá thật, chúng xuất hiện sau khi xuất hiện lá mầm và lá đơn. Lá thật hoàn chỉnh gồm có: lá kèm, cuống lá và phiến lá. Cả hai mặt trên và dưới của lá đều có lông bao phủ. Diện tích của các lá tăng dần từ dưới lên, các lá mọc ở giữa thân rồi lại giảm dần lên phía ngọn. Chỉ số diện tích lá (m2 lá/m2 đất) có ảnh hưởng đến hiệu suất quang hợp và năng suất thu hoạch. Số lượng lá, kích thước và hình dạng và chỉ số diện tích lá thay đổi phụ thuộc vào giống, đất trồng và thời vụ [4], [8].

Rễ: Bộ rễ của đậu xanh gồm rễ chính và rễ phụ. Rễ chính ăn sâu khoảng 20 ÷ 30 cm, trong điều kiện thuận lợi có thể ăn sâu tới 70 ÷ 100 cm. Rễ phụ thường gồm 30 ÷ 40 cái, dài khoảng 20 ÷ 25 cm.

Trên rễ phụ có nhiều lông hút do biểu bì biến đổi thành, có vai trò tăng cường sức hút nước và các chất dinh dưỡng cho cây. Tuy nhiên bộ rễ cây đậu xanh yếu hơn nhiều so với các cây đậu đỗ khác nên khả năng chịu hạn và chịu úng của cây đậu xanh tương đối kém. Nếu bộ rễ phát triển tốt thì bộ lá xanh lâu, cây ra nhiều hoa, quả, hạt mẩy. Ngược lại, bộ rễ phát triển kém thì cây chống tàn, các đợt ra hoa sau sẽ khó đậu quả hoặc quả sẽ bị lép [6], [8]. Trên rễ cây họ đậu có nhiều nốt sần chứa vi khuẩn cố định đạm Rhizobium. Các nốt sần trên rễ bắt đầu hình thành khi cây có 2 ÷ 3 lá thật và đạt tối đa khi cây ra hoa rộ. Trên mỗi cây có khoảng 10 ÷ 20 nốt sần, tập trung chủ yếu ở cổ rễ. Kích thước của các nốt sần không giống nhau, đường kính dao động từ 4 ÷ 5 mm, so với đậu tương và lạc thì nốt sần ở cây đậu xanh ít và nhỏ hơn. Trên các loại rễ thì lớp rễ đầu tiên có nhiều nốt sần, còn các lớp rễ mọc ra từ cổ rễ về sau ít nốt sần hơn. Người ta nhận thấy rằng những nốt sần hình thành sau khi cây ra hoa (nốt sần thứ cấp) hoạt động mạnh hơn các nốt sần sinh ra ở nửa đầu thời kỳ sinh trưởng. Trung bình mỗi vụ, một ha đậu xanh có thể bù lại cho đất tương ứng 85 ÷ 107 kg nitơ làm cho đất tơi xốp hơn [7].

Hoa: Hoa đậu xanh là loại hoa lưỡng tính, tự thụ phấn, mọc thành chùm to, xếp xen kẽ nhau ở trên cuống. Các chùm hoa chỉ phát sinh từ các mắt thứ ba ở trên thân, nhiều nhất là ở mắt thứ tư, còn ở các cành thì cả các mắt đều có khả năng ra hoa. Thường sau khi cây mọc khoảng 18 ÷ 20 ngày thì mầm hoa hình thành, sau 35

÷ 40 ngày thì mới nở hoa. Trong một chùm hoa từ khi hoa đầu tiên nở đến hoa cuối cùng kéo dài 10 ÷ 15 ngày. Mỗi chùm hoa dài từ 2 ÷ 10 cm và có từ 10 ÷ 125 hoa. Khi mới hình thành hoa có hình cánh bướm, màu xanh tím, khi nở cánh hoa có màu càng nhạt [8].

Quả: Quả đậu xanh thuộc loại quả giáp, có dạng hình trụ, dạng tròn hoặc dạng dẹp có đường kính 4 ÷ 6 mm, dài 8 ÷ 10 cm, có hai gân nối dọc hai bên quả, đa số là quả thẳng, có một số hơi cong, khi còn non có màu xanh, khi chín vỏ quả có màu nâu vàng hoặc xám đen, đen,…gặp nắng dễ bị tách vỏ. Mỗi cây trung bình có 20 ÷ 30 quả, mỗi quả có từ 5 ÷ 10 hạt. Trên vỏ quả được bao phủ bởi một lớp lông mịn. Mật độ lông phụ thuộc vào đặc tính của giống và khả năng chống chịu của cây. Những giống đậu xanh chống chịu bệnh khảm vàng vi rút và sâu đục quả có mật độ lông dày, vào thời chín hoàn toàn lông trên quả thường rụng đi hoặc tự tiêu biến [2], [4]. Các quả của lứa hoa đầu thường chín chậm hơn các quả ra lứa sau đó, nhưng quả to và hạt mẩy hơn. Các quả của đợt hoa ra sau thường ngắn, ít hạt, không mẩy, màu hạt cũng nhạt và bé hơn. Các quả sinh ra từ các chùm hoa trên thân nhiều quả và quả to, dài hơn quả của các chùm hoa ở cành. Quả đậu xanh chín rải rác, có khi kéo dài đến 20 ngày [7].

Hạt: Hạt không nội nhủ, phôi cong, hai lá mầm dày, lớn và chứa nhiều chất

dinh dưỡng. Hạt gồm vỏ hạt, rốn hạt hai lá mầm và một mầm non. Mầm non là nơi thu nhỏ của mầm rễ, 2 lá đơn, thân chính và lá kép đầu tiên. Hạt có hình tròn, hình trụ và hình ô van, hình thoi,..và có nhiều màu sắc khác nhau như: màu xanh mốc, xanh bóng, xanh nâu, vàng mốc, vàng bóng nằm ngăn cách nhau bằng những vách xốp của quả. Ruột hạt màu vàng, xanh, xanh nhạt. Hình dạng hạt kết hợp với màu sắc và độ lớn của hạt là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng của hạt. Mỗi quả có từ 8 ÷ 15 hạt. Hạt của những quả trên thân thường to, mẩy hơn hạt những quả ở cành. Hạt của những quả lứa đầu cũng to và mẩy hơn các quả lứa sau. Số lượng hạt trung bình trong một quả là một trong những yếu tố chủ yếu tạo thành năng suất của đậu xanh. Trọng lượng hạt của mỗi cây biến động lớn từ 20 ÷ 90 g tùy giống, thời vụ và chế độ canh tác. Trọng lượng 1000 hạt từ 50 ÷ 70 g [2].

Điều kiện sinh thái của cây đậu xanh [5], [10]

Cây đậu xanh mọc trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất thịt pha sét, tơi xốp. Đậu xanh chịu được đất hơi chua (pH = 6,5) và đất hơi mặn (0,4% muối).

Khí hậu: Cây đậu xanh cần nhiệt độ ấm áp (25 ÷ 30 0C), nếu dưới 20 0C sẽ

kéo dài thời gian sinh trưởng và giảm năng suất của cây. Để nảy mầm hạt đậu xanh cần nhiệt độ 24 ÷ 32 0C, vì vậy nếu ủ giá trong mùa lạnh cần tưới bằng nước hơi ấm để tạo nhiệt độ tốt cho hạt nảy mầm.

Ánh sáng: Cây đậu xanh ưa ánh sáng, nếu thiếu nắng hoặc trồng xen với

các loại cây khác sẽ làm cây đậu mảnh khảnh, dễ đổ ngã, hoa rụng nhiều và năng suất giảm.

Nước: Cây cần cung cấp một lượng nước khoảng 300 ÷ 600 mm/vụ, mùa

nắng cần cung cấp nước khi đạt độ ẩm dưới 50% nước hữu dụng. Nếu thiếu nước và lúc quả đang đậu hạt sẽ làm cho hạt cứng và không hút nước khi nấu.

Các thời kỳ sinh trƣởng của cây đậu xanh [5], [16]

Thời gian sinh trưởng của đậu xanh thay đổi tùy giống, mùa vụ và biện pháp canh tác (tưới, bón phân,…). Thông thường nếu trồng cây mùa nắng cây sẽ bắt đầu cho thu hoạch từ 56 ÷ 63 ngày và chấm dứt thu hoạch 63 ÷ 72 ngày. Trồng vào mùa mưa sẽ hái quả khi đạt 65 ÷ 70 ngày và chấm dứt vào 68 ÷ 80 ngày.

Thời gian sinh trưởng của cây đậu xanh có thể chia làm 5 thời kỳ:

Thời kỳ mọc mầm

Bắt đầu từ lúc gieo đến cây mọc được 2 lá đơn đầu tiên. Tưới đủ ẩm và đất ấm áp sẽ giúp cây mọc mầm nhanh (2 ÷ 4 ngày). Vì vậy nên gieo đậu xanh vào đầu vụ đông xuân (11 ÷ 12 dương lịch).

Trong thời kỳ này hạt đậu xanh sẽ hút no nước để tăng thể tích lên từ 2 ÷ 2,5 lần, mọc thành cọng giá và đẩy 2 lá mầm lên khỏi mặt đất, sau đó 2 lá mầm sẽ nở ra và phát triển thành 2 lá đơn đầu tiên.

Thời kỳ cây non

Được tính từ khi cây mọc mầm đến khi cây có 3 lá kép. Trong thời kỳ này cây tăng trưởng chậm, yếu ớt nhưng rễ mọc nhanh, sâu xuống để hút nước và dinh

dưỡng. Lúc này cây có khả năng chịu hạn tốt, nhưng chịu úng rất kém. Cần chú ý đề phòng nấm bệnh có thể gây hại.

Thời kỳ tăng trưởng chậm

Được tính từ sau thời kỳ cây non đến khi cây có nụ hoa lớn, khoảng từ 33 ÷ 40 ngày sau khi gieo. Cây đậu lúc này tăng trưởng nhanh hơn thời kỳ cây non nhưng vẫn còn rất chậm. Đây là thời kỳ hoàn thiện hệ thống rễ với đa số các nốt sần hữu hiệu.

Thời kỳ trổ hoa

Đây là thời kỳ nằm gối lên thời kỳ sau vì cây đậu xanh có tập quán trổ hoa thành 2 ÷ 3 đợt. Cây cần nhiều nước và ánh sáng để tăng trưởng vì vậy cần bón thúc phân vào thời kỳ này để nuôi quả và hạt. Thời kỳ này cần đề phòng sâu xanh, sâu đục quả và rầy mềm phá hoại hoa.

Thời kỳ phát triển quả

Bắt đầu từ khi cây đậu quả đến khi thu hoạch (2 ngày sau khi hoa nở). Từ 5 ÷ 7 ngày sau khi hoa thụ tinh hạt đậu bên trong đã bắt đầu phát triển. Trong thời kỳ này cây tăng trưởng nhanh do đó cần nhiều nước và phân bón.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm nước uống đóng chai từ bí đỏ và đậu xanh (Trang 27 - 31)