Bảo quản bằng tro bếp: Dùng tro bếp khô sạch, rây mịn rồi trộn với đậu
theo tỷ lệ 1 tro 10 đậu, đảm bảo cho xung quanh các hạt đậu đều có tro.
Cho vào chum, vại, hũ hoặc túi ni lông 2 lớp, đậy hoặc buộc thật chặt, để vào nơi cao ráo, thoáng mát để được hằng năm đậu vẫn khô và không mất sức nảy mầm. Có nơi còn cầu kỳ hơn là dùng tro lá cây xoan thay cho tro bếp.
Bảo quản bằng lá xoan khô: Lấy lá xoan phơi thật khô dòn, đem vò nát trộn
với đậu hạt cho vào dụng cụ hoặc các túi ni lông (có một lớp tải phía ngoài để khỏi rách khi va chạm) cũng bảo quản được hằng năm; có nơi không dùng lá xoan mà dùng lá mần phơi khô, vò nát như trên.
Về dụng cụ, gần đây người ta lại có sáng kiến nếu lượng đậu không nhiều lắm thì cho vào các hộp xốp thường dùng để đựng kem hay đá thay cho vò, hũ cũng rất tốt vì nó cũng cách ly được với môi trường xung quanh (nhiệt độ, độ ẩm, sâu mọt,…).
Một số cơ quan nghiên cứu khoa học cũng có đưa ra một số phương pháp bảo quản đậu xanh có hiệu quả như:
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau quả châu á (AVRDC) hướng dẫn sử dụng phostosin để xông hơi trong kho, cứ 1 viên cho vào 1 m3 kho, trong 1 tuần lễ, có khả năng bảo quản được vài năm mà không hỏng.
Hiện nay, AVRDC đã tạo được giống đậu xanh chống mọt mà chúng ta cũng đã nhập được.
Viện Công nghệ sau Thu hoạch trước đây có khuyến cáo dùng dầu thực vật trộn vào hạt đậu với tỷ lệ 5 ÷ 10 ml dầu cho 1 kg hạt cũng bảo quản tốt được 2 ÷ 4 tháng. Gần đây, một công trình nghiên cứu “Biện pháp bảo quản đậu đỗ quy mô vừa và nhỏ” phục vụ cho hải đảo và hộ nông dân của Viện này cho biết là các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng nảy mầm của hạt đậu xanh theo thời gian
là chất lượng hạt trước khi bảo quản. Các yếu tố: độ nhiễm sâu mọt, độ ẩm, nhiệt độ của môi trường, độ ẩm hạt và phương thức bảo quản, thì quyết định nhất là độ ẩm của hạt. Độ nhiễm sâu mọt và độ kín khi bảo quản. Từ đó đề xuất ra một quy trình bảo quản như sau:
Sấy hạt để làm giảm độ ẩm đến tối ưu (9,5%) với các loại thiết bị thích hợp. Xông hơi để chống sâu mọt bằng phốt phua nhôm.
Bảo quản kín trong hệ thống các lớp bao.
Với cách bảo quản này, sau một năm thấy độ ẩm hạt, độ nảy mầm, tỷ lệ sâu mọt và các chỉ tiêu chất lượng của giá đỗ đều đạt, chỉ riêng độ nảy mầm có giảm 8% so với ban đầu.