Những hạn chế

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của ngành công nghệp điện tử Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 70 - 71)

Thứ nhất, cơ cấu ngành CNĐT Việt Nam còn nhiều yếu kém và bất cập, thể hiện:

(i) Cơ cấu đầu tư và cơ cấu xuất nhập khẩu thiên về nhập siêu. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử và linh kiện còn quá nhỏ bé trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và thấp hơn nhiều so với kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Nguyên nhân là do tổng mức đầu tư cho toàn ngành CNĐT Việt Nam còn nhỏ và manh mún, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư nước ngoài chậm và chưa thực sự hiệu quả, việc phát triển các mặt hàng mới đang gặp phải những khó khăn rất lớn về vốn, công nghệ, khả năng thiết kế, sáng tạo và định hướng thị trường tiêu thụ; (ii) Cơ cấu mặt hàng sản xuất và xuất khẩu mất cân đối nghiêm trọng giữa các mặt hàng điện tử tiêu dùng (chiếm tới 80%) và chuyên dụng, công nghệ thông tin (chỉ chiếm 20%); (iii) Cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước hàng điện tử còn chưa tiếp cận nhiều công nghệ nguồn, công nghệ cao; (iv) Cơ cấu doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ vai trò thống lĩnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử mỗi năm của Việt Nam là thành tích chủ yếu của các doanh nghiệp này (tới 90%), các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 20% thị phần tiêu thụ nội địa, do hầu hết chỉ tham gia khâu lắp ráp theo đơn đặt hàng với các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Những hạn chế và mất cân đối lớn về cơ cấu ngành CNĐT tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro đối với phát triển bền vững ngành công nghiệp này của Việt Nam thời gian tới.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh của CNĐT Việt Nam còn nhiều hạn chế, khiến cho thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên các thị trường thế giới so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 0,33% năm 2009), trong khi thị trường nội địa tràn ngập hàng điện tử tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc... Xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đến nay vẫn chủ yếu dựa vào khai thác những lợi thế sẵn có về lao

72

động, mà chưa chủ động tạo ra các lợi thế cạnh tranh mới để đảm nhiệm những khâu, công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng điện tử. Yếu tố vốn, hàm lượng tri thức và công nghệ trong cấu thành sản phẩm thấp, chất lượng sản phẩm chưa thực sự có ưu thế rõ rệt trên thị trường thế giới, năng suất lao động thấp, tỷ lệ nội địa hóa thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, do đó năng lực cạnh tranh của các sản phẩm điện tử của Việt Nam kém so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippin, Malaysia và Trung Quốc.

Thứ ba, ngành CNĐT Việt Nam đang ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, mới dừng ở công đoạn lắp ráp và gia công, giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu Việt Nam nói chung còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (chỉ khoảng 5-15%), ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển và chưa tạo ra được các sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế.

Thứ tư, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam thời gian qua tuy tăng trưởng khá nhanh, cơ hội có nhiều nhưng chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng, chứa đựng những yếu tố manh mún, tự phát, kém bền vững. Năng lực chuyên môn hóa, phát triển theo chiều sâu còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tận dụng các cơ hội thị trường để vươn thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Mức độ chuyên môn hóa của ngành CNĐT trong nền kinh tế Việt Nam so với mức độ chuyên môn hóa của thế giới là rất thấp, nói cách khác lợi thế so sánh trong ngành này của Việt Nam kém hơn nhiều so với các nước khác ngay trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam mới chỉ tập trung chuyên môn hóa vào một số mặt hàng là đặc điểm của một nước có thu nhập thấp và giàu tài nguyên như dầu thô, hàng may mặc, giày dép, thủy hải sản..., trong khi mức độ chuyên môn hóa thấp đối với đa số các mặt hàng công nghiệp, trong đó có ngành CNĐT.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của ngành công nghệp điện tử Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 70 - 71)