2. Những chặng đường thơ Bằng Việt
3.2.3. Một số biện pháp tu từ
Tư duy ngôn ngữ hiện đại và sáng tạo của Bằng Việt không chỉ thể hiện ở hệ thống từ ngữ giàu màu sắc gợi hình, gợi cảm mà còn thể hiện ở cách nhà thơ sử dụng các biện pháp tu từ như: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa,... Thế hệ các cây bút trẻ giai đoạn chống Mỹ cứu nước nói chung và Bằng Việt nói riêng đều nỗ lực tìm tòi, cách tân các biện pháp nghệ thuật trong thơ bằng tư duy thơ giàu liên tưởng, mới lạ, mang dấu ấn văn hóa của lớp trí thức trẻ cầm súng và làm thơ. Phạm Tiến Duật so sánh cái cụ thể với cái cụ thể độc đáo để tạo nên hình ảnh mới cho thơ: Quả nhót như ngọn đèn tín hiệu – Trỏ lối sang
mùa hè – Quả cà chua như chiếc đèn lồng nhỏ xíu – Thắp mùa đông sưởi ấm những đêm thâu (Lửa đèn). Chính Hữu kết hợp so sánh và nhân hóa đưa tới cho
đọc giả cảm nhận thấm thía về ngọn đèn đứng gác – biểu tượng cho tâm hồn và sức sống bình dị, mãnh liệt của dân tộc trong bài thơ Ngọn đèn đứng gác.
Bằng Việt cũng sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh với nhiều dạng thức khác nhau nhưng sở trường của nhà thơ là cách ví von những cái cụ thể với cái trừu tượng, ngay trong cách cảm nhận sự vật: Thị trấn mộc mạc và yên tĩnh - Như chiều sâu của một tâm hồn người (Thị trấn), Mặt trời xuống – Cát vàng như lửa cháy – Cuối đông lá rực rừng già – Trời như một thoáng nhớ nhà thẳm xanh (Cuối năm); Thành phố như tim tôi yên ả - sau rất nhiều gian lao (Trò chuyện với thành phố của đời mình); Gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm; Núi sừng sững – cái mím môi kỳ lạ và cách cảm nhận tình yêu,
cuộc sống: Em đã đến như một mùa gió lộng – Giục lòng anh thao thức tới
trăm nơi ;Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất – Nhưng thủy chung như một sắc mai già; Hàng cây như tình yêu chúng ta; Tuổi trẻ rì rầm những đêm không tắt – Thủa tình yêu như cánh gió không bờ; Ôi thành phố tôi yêu kỳ lạ - Cái sống như trăn trở đêm ngày; Hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng; Tháng năm như cát trôi qua kẽ tay,... Đó là hệ quả tất yếu của lối tư duy ưa khái quát và triết lý trên cơ sở những chi tiết đời sống cụ thể của Bằng Việt.
Cùng với so sánh, Bằng Việt sử dụng phép nhân hóa rất thành công, thổi linh hồn vào cảnh vật và làm cụ thể, sinh động hơn những trạng thái tâm lý của con người. Nhờ nhân hóa, các giá trị văn hóa và truyền thống của cha ông hiện hữu khơi gợi nhiều xúc động: Đất càng khuya càng thở sâu – Kỳ lạ như
lòng của mẹ... Ngày mai chính đất không đi - Ở lại một còn một mất (Nghe đất); Đất nước từng trải nhiều nên đất nước chẳng đăm chiêu; Ôi đất nước chưa bao giờ mệt mỏi – Đi nghìn đêm tôi vẫn gặp nụ cười. Những tâm tư khó
nói nhờ nhân hóa mà hiện lên thật mềm mại, có chiều sâu: Lặng lẽ ngồi nghe
cây biết nói – Cây thấm hồn đêm tĩnh lặng buồn(Lặng lẽ), Hoa tím ngát thổi trong hồn lặng gió – Ta mất gì suốt tuổi nhỏ trong nhau? (Không đề); Trưa lan xa, bóng nắng đẫm vui buồn – Trưa đang đứng, còn đời mình đang chín (Ngày đã đứng trưa).
Đọc thơ Bằng Việt, ta được đến với thế giới vạn vật sống động, tươi mới và gợi cảm bởi nhà thơ đã sử dụng khéo léo và chính xác các biện pháp tu từ. Phong cách tài hoa, chất trí tuệ của Bằng Việt cũng nhờ đó mà biểu hiện rõ nét hơn.