Kích thước, khối lượng cơ thể và tốc độ mọc lông

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA BỘT LÔNG VŨ THỦY PHÂN TRONG KHẨU PHẦN TỚI SỨC SẢN XUẤT THỊT CỦA GÀ LƯƠNG PHƯỢNG NUÔI TẠI VIỆN CHĂN NUÔI (Trang 25 - 27)

* Kích thước cơ thể

Kích thước cơ thể là một chỉ tiêu quan trọng cho sự sinh trưởng, tương ứng với từng giai đoạn sinh trưởng, từng giống, qua đó góp phần vào phân biệt giống, dòng. Giới hạn kích thước của loài, của cá thể do tính di truyền quy định, kiểu gen của mỗi cá thể. Tính di truyền của kích thước không tuân theo sự phân ly đơn giản của các quy luật Mendel [14].

Kích thước cơ thể luôn có mối tương quan với khối lượng cơ thể. Qua đó có thể đánh giá sự sinh trưởng và áp dụng cho chọn giống. Kích thước cơ thể còn liên quan đến các chỉ tiêu sinh sản như giai đoạn thành thục thể vóc để chuyển chế độ nuôi dưỡng, chế độ sử dụng (thịt, trứng), liên quan đến các chỉ tiêu về chất lượng trứng.

Kích thước cơ thể được xác định qua các chiều đo: vòng ngực, dài thân, dài cánh, dài lườn, dài đùi, vòng cổ chân. Gia cầm hướng thịt có số đo kích thước các chiều phát triển hơn gia cầm hướng trứng. Thông qua kích thước cơ thể, giai đoạn sinh trưởng, đặc điểm sinh học của giống, nhu cầu sinh trưởng từ đó xây dựng chế độ ăn, thiết kế chuồng trại, tạo môi trường tối ưu cho giai đoạn sinh trưởng phát triển của gà.

* Khối lượng cơ thể

Mức độ tăng khối lượng cơ thể là một chỉ số được sử dụng phổ biến để đánh giá về khả năng sinh trưởng. Khối lượng cơ thể là chỉ tiêu đánh giá khả năng tích lũy của cơ thể được xác định bằng cân trực tiếp. Đơn vị tính là g/con hay kg/con. Khối lượng cơ thể theo dõi qua từng tuần tuổi kể từ lúc gia cầm mới nở cho đến khi kết thúc quá trình nghiên cứu. Dựa vào các số liệu thu thập được, người ta lập đồ thị khối lượng cơ thể còn gọi là đồ thị sinh trưởng tích lũy.

Khối lượng cơ thể là một tính trạng số lượng và được quy định qua các yếu tố di truyền. Jull và Quinn (1931), Maw (1935), Kaufman (1948), Godfrey (1953) cho rằng trong sự di truyền khối lượng phải có sự tham gia của ít nhất một gen liên kết với giới tính, trong đó Godfrey (1953), cho rằng tính trạng này được quy định ít nhất bởi 15 cặp gen (Dẫn theo tác giả Nguyễn Văn Thiện và CS (1995) [42]). Sự tăng khối lượng cơ thể là kết quả của sinh trưởng và phát dục, đây là hai quá trình thống nhất không tách rời nhau, chúng ảnh hưởng hỗ trợ nhau cùng phát triển (Chamber J.R - 1990) [58].

Khối lượng cơ thể cho biết hiệu quả sử dụng thức ăn là căn cứ cần thiết để quy định thời gian nuôi dưỡng tương ứng với khối lượng xuất chuồng, giết mổ.

Đối với gà nuôi hướng thịt, điều quan tâm trước tiên là khối lượng gà đạt được từ khi nở tới thời điểm mổ thịt. Khối lượng cơ thể gà tương ứng theo tuần tuổi bao hàm các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật quan trọng trong sản xuất sản phẩm thịt hàng hóa.

* Tốc độ mọc lông

Tốc độ mọc lông là một trong những đặc tính di truyền liên quan tới sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Gia cầm non mọc lông nhanh thì sinh trưởng phát dục tốt trong các điều kiện khác nhau. Tốc độ mọc lông là sự biểu hiện khả năng mọc lông sớm hay muộn, có thể có quan hệ mật thiết với cường độ sinh trưởng của gia cầm (Theo Cao Bá Cường, (2010) [3]). Tác giả Hayer và cộng sự (1970) [65], cho biết gà mái mọc lông đều hơn gà trống trong cùng một dòng và ảnh hưởng của hooc mon có tác dụng ngược với gen liên kết quy định tốc độ mọc lông. Mọc lông là do một số gen quy định phụ thuộc vào sắc tố chứa trong bào tương của tế bào. Lông gia cầm có màu sắc khác nhau là do mức độ oxy hóa các chất tiền sắc tố melanin (melanogene) trong các tế bào lông. Nếu các chất sắc tố là lipocrom (carotioit) thì lông có màu vàng, xanh tươi hoặc màu đỏ, nếu không có chất sắc tố thì lông có màu trắng.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA BỘT LÔNG VŨ THỦY PHÂN TRONG KHẨU PHẦN TỚI SỨC SẢN XUẤT THỊT CỦA GÀ LƯƠNG PHƯỢNG NUÔI TẠI VIỆN CHĂN NUÔI (Trang 25 - 27)