Khả năngsinh trưởng

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA BỘT LÔNG VŨ THỦY PHÂN TRONG KHẨU PHẦN TỚI SỨC SẢN XUẤT THỊT CỦA GÀ LƯƠNG PHƯỢNG NUÔI TẠI VIỆN CHĂN NUÔI (Trang 27 - 35)

* Khái niệm sinh trưởng và các giai đoạn sinh trưởng của gà

Sinh trưởng là sự tích lũy chất hữu cơ do quá trình trao đổi chất (đồng hóa và dị hóa) làm cho cơ thể tăng lên về khối lượng, thể tích và kích thước của từng bộ phận và toàn bộ cơ thể (theo TS. Văn Lệ Hằng, 2007) [8].

Cơ sở của sinh trưởng gồm hai quá trình: tế bào sinh sản và tế bào phát triển. Hai dấu hiệu nhận biết và phát triển: biểu hiện bên ngoài là sự tăng kích thước, khối lượng của các cơ quan, bộ phận và toàn bộ cơ thể, thực chất bên trong tế bào là quá trình đồng hóa tích lũy vật chất để tăng kích thước, khối lượng tế bào, mặt khác lại phân chia làm tăng số lượng tế bào. Quá trình sinh trưởng làm cho cơ thể lớn lên và phát triển.

Theo tác giả Hammod (1959) (dẫn theo F.B.Hutt, 1978) [5] thì sự sinh trưởng diễn ra theo trình tự: hệ thống chức năng tiêu hóa, nội tiết, hệ thống xương, hệ thống cơ bắp và mỡ. Do vậy trong chăn nuôi gia cầm lấy thịt cần chú ý cung cấp thức ăn đầy đủ protein, năng lượng, khoáng, vitamin ngay từ đầu để phát triển hệ thống cơ quan chức năng tạo bộ khung cho giai đoạn sau tăng khối lượng cơ thể nhanh.

Theo tác giả F.S Lee, Gatner (1898) cho biết: Sự sinh trưởng, trước hết là kết quả của sự phân chia tế bào, tăng thể tích, tăng các chất ở mô tế bào để tạo nên sự sống, trong đó tăng số lượng và tăng thể tích tế bào là quá trình quan trọng nhất (Dẫn theo tác giả Trần Đình Miên và CS(1975) [28]).

Theo tác giả Mozan (1977) (dẫn theo Chamber J.R (1990) [58] ) định nghĩa: “Sinh trưởng là sự tổng hợp sự sinh trưởng của các bộ phận như thịt, xương, da. Những bộ phận này không những khác nhau về tốc độ sinh trưởng mà còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng”. Khái quát hơn, tác giả Trần Đình Miên và CS (1975) [28] đã định nghĩa đầy đủ như sau: “Sinh trưởng là một quá trình tích lũy các chất hữu cơ do đồng hóa và dị hóa, là sự tăng chiều cao,

chiều dài, bề ngang, khối lượng của các bộ phận và toàn cơ thể của con vật trên cơ sở tính chất di truyền từ đời trước”. Cùng với quá trình sinh trưởng, các tổ chức và cơ quan của cơ thể luôn luôn phát triển hoàn thiện chức năng sinh lý của mình dẫn đến phát dục.

Trong chăn nuôi gia cầm lấy thịt cần chú ý cung cấp thức ăn đầy đủ protein, năng lượng, khoáng, vitamin ngay từ đầu để phát triển hệ thống cơ quan chức năng tạo bộ khung cho giai đoạn sau tăng khối lượng cơ thể nhanh.

Ở gà, sinh trưởng có thể chia thành các giai đoạn: Giai đoạn gà con, giai đoạn gà hậu bị, giai đoạn gà đẻ (đối với gà nuôi hướng trứng). Giai đoạn gà con, giai đoan gà dò, giai đoạn gà thịt (đối với gà nuôi hướng thịt) trong từng giai đoạn có những đặc điểm sinh trưởng khác nhau và đòi hỏi những điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng nhất định. Ở gà có hai giai đoạn sinh trưởng quan trọng:

+ Thời kì gà con (1 – 8 tuần tuổi): trong thời kì này quá trình sinh trưởng rất mạnh do sự phát triển của các tế bào trong giai đoạn này rất lớn, chúng tăng nhanh cả về số lượng, kích thước và khối lượng tế bào. Trong khi đó các cơ quan nội tạng nhất là bộ máy tiêu hóa chưa hoàn chỉnh về chức năng như dạ dày vẫn chưa tiêu hóa được thức ăn cứng, các men tiêu hóa chưa đầy đủ vì vậy chất lượng thức ăn có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ sinh trưởng, thức ăn trong giai đoạn này cần đầy đủ chất dinh dưỡng, kích thước vừa phải để gà dễ tiêu hóa và hấp thu. Ở gà con còn diễn ra quá trình sinh lý quan trọng là quá trình thay lông. Giai đoạn này cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết nhất là các axit amin không thay thế. Ngoài ra, gà con rất nhạy cảm với sự thay đổi của điều kiện môi trường, nhiêt độ, sức đề kháng kém gà dễ mắc bệnh. Do vậy cần phải nuôi úm trong những tuần đầu, che chắn gió vào ban đêm và những ngày trời lạnh, thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho gà.

+ Thời kỳ gà trưởng thành: Trong giai đoạn này tất cả các cơ quan, tổ chức trong cơ thể gà đã hoàn thiện, tốc độ sinh trưởng chậm lại do số lượng tế bào tăng chậm, chủ yếu tăng về kích thước và khối lượng. Trong thời kỳ này gà đã có khả năng thích nghi tốt với môi trường, quá trình trao đổi chất, hấp thu, tiêu hóa tốt hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn (theo tác giả Lê Thị Nga, 1997) [29].

* Các nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của gà:

- Yếu tố di truyền

Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định sự sinh trưởng của từng cá thể giữa các giống có sự khác nhau, gà thịt có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn gà chuyên dụng hướng trứng. Giữa các dòng của một giống cũng có sự khác nhau về sinh trưởng.

Theo tài liệu của Nguyễn Mạnh Hùng và CS (1994) [13], sự khác nhau về khối lượng giữa các giống gia cầm là rất lớn, giống gà kiêm dụng nặng hơn gà hướng trứng khoảng 500 - 700g (13- 30%). Jaap và Monis (1937) [66] đã phát hiện những sai khác trong cùng một giống và cường độ sinh trưởng trước 8 TT ở gà con của các bố mẹ khác nhau.

Theo tác giả Trần Long (1994) [21], nghiên cứu tốc độ sinh trưởng trên ba dòng thuần (dòng V1, V3 và V5) của giống gà Hybro HV85 cho thấy tốc độ sinh trưởng ba dòng hoàn toàn khác nhau ở 42 ngày tuổi. Theo tài liệu của của Chamber J.R (1990) [58], cho biết có nhiều gen ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của gà, có gen ảnh hưởng tới một nhóm tính trạng và có gen ảnh hưởng tới sự phát triển chung.

Tác giả Siegel (1962) và Kiney (1969) đã tổng kết hệ số di truyền về tốc độ sinh trưởng. Dựa trên thành phần con bố là từ 0,4 - 0,6 (dẫn theo tài liệu của Chamber J.R (1990) [58]). Theo tài liệu của Nguyễn Ân và CS (1983) [1] hệ số di truyền khối lượng cơ thể 3 tháng tuổi là 0,26 - 0,50. Theo

Kusner, K.H.F (1969) [16] hệ số di truyền khối lượng của gà tại các độ tuổi 1, 2, 3, 6 tháng tuổi và gà trưởng thành là 0,33; 0,46; 0,44; 0,55 và 0,43.

Nhìn chung hệ số di truyền tốc độ sinh trưởng và khối lượng biến động trong khoảng 0,26 - 0,7.

- Ảnh hưởng của tính biệt

Sự khác nhau về tốc độ sinh trưởng và KL cơ thể còn do giới tính, trong đó gà trống có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn gà mái. Theo Jull M.A (1923) [67], cho biết gà trống có tốc độ sinh trưởng lớn hơn gà mái từ 24 - 32%. Các tác giả cho biết sự sai khác này do gen liên kết giới tính, những gen này ở gà trống (2 nhiễm sắc thể giới tính) hoạt động mạnh hơn gà mái (1 nhiễm sắc thể giới tính), Phạm Quang Hoán (1994) [12], Bùi Đức Lũng (1992) [22], cho biết KL cơ thể gà trống mái Boiler V135 có sự sai khác từ 1 tuần tuổi.

- Tốc độ mọc lông

Kết quả nghiên cứu đã xác định trong cùng một giống, cùng giới tính ở gà tốc độ mọc lông nhanh có tốc độ sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Theo Seigel và Duningtan (1987) [73], những alen quy định mọc lông nhanh phù hợp với tăng KL cơ thể cao. Theo Hayer J.F và CS (1970) [65], đã xác định trong cùng một dòng thì gà mái mọc lông đều hơn gà trống, và tác giả cho rằng ảnh hưởng của hormon có tác dụng ngược chiều với gen liên kết với giới tính quy định tốc độ mọc lông. Theo Kusner K.F (1969) [16], tốc độ mọc lông có quan hệ chặt chẽ với tốc độ sinh trưởng, thường gà lớn nhanh thì mọc lông nhanh và đều hơn gà chậm lớn.

- Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sinh trưởng của gia cầm. Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và cân đối giữa các chất sẽ giúp cho gia cầm phát huy cao tiềm năng di truyền về sinh trưởng.

Dinh dưỡng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến khả năng sinh trưởng của gia cầm, khi đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng thì thời gian đạt khối lượng tiêu chuẩn sẽ giảm xuống.

Theo Chambers J.R (1990) [58] cho thấy sinh trưởng chịu ảnh hưởng của dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển của từng mô khác nhau và gây nên sự biến đổi trong quá trình phát triển của mô này đối với mô khác. Dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến biến động di truyền về sinh trưởng.

Theo tác giả Bùi Đức Lũng (1992) [22], để phát huy được sinh trưởng cần phải cung cấp thức ăn tối ưu với đầy đủ chất dinh dưỡng được cân bằng nghiêm ngặt giữa protein các axit amin với năng lượng, giữa protein với năng lượng. Ngoài ra trong thức ăn hỗn hợp cho chúng còn bổ sung hàng loạt các chế phẩm chứa VTM, khoáng đa lượng, vi lượng kích thích sinh trưởng làm tăng chất lượng thịt.

Theo Lê Hồng Mận, Bùi Đức Lũng, Phạm Quang Hoán (1993) [27] đã xác định nhu cầu protein thích hợp nuôi gà Broiler cho năng suất cao.

Theo tác giả Nguyễn Thị Mai (2001) [26] thì hiệu quả sử dụng thức ăn có liên quan chặt chẽ tới tốc độ sinh trưởng của gà; trong cùng một chế độ dinh dưỡng, cùng một giống, tại một thời điểm, những lô gà có tốc độ sinh trưởng cao hơn thì hiệu quả sử dụng thức ăn cũng tốt hơn.

- Ảnh hưởng của môi trường

Điều kiện môi trường có ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng của gia cầm. Nếu điều kiện môi trường là tối ưu cho sự sinh trưởng của gia cầm thì gia cầm khỏe mạnh, lớn nhanh, nếu điều kiện môi trường không thuận lợi thì tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển gây bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của gia cầm.

Nhiệt độ cao làm cho gà sinh trưởng chậm, tăng tỷ lệ chết, gây thiệt hại kinh tế lớn khi chăn nuôi gà broiler theo hướng công nghiệp ở vùng khí hậu nhiệt đới (Wesh Bunr K.W.ET - AT, 1992) [78].

Chế độ chiếu sáng cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng vì gà rất nhạy cảm với ánh sáng, do vậy chế độ chiếu sáng là một vấn đề cần quan tâm. Ngoài ra trong chăn nuôi cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như: ẩm độ, độ thông thoáng, tốc độ gió lùa và ảnh hưởng của mật độ nuôi nhốt đến khả năng sinh trưởng của gia cầm.

* Các chỉ tiêu đánh giá sự sinh trưởng

- Tốc độ sinh trưởng

Tốc độ sinh trưởng phản ánh tốc độ tăng lên về kích thước, khối lượng của cơ thể trong một đơn vị thời gian. Tốc độ sinh trưởng là tính trạng số lượng thuộc về sức sản xuất thịt, nó mang tính di truyền cao và có liên quan đến trao đổi chất, kiểu hình của dòng, giống (theo tác giả Nguyễn Duy Hoan & cs, 1999) [10].

Tốc độ sinh trưởng đặc trưng bởi hai chỉ tiêu:

+ Sinh trưởng tuyệt đối (A): Là sự tăng lên về khối lượng, kích thước của cơ thể trong một đơn vị thời gian. Đơn vị tính là g/con/ngày hoặc kg/con/tháng. Đồ thị sinh trưởng tuyệt đối có dạng parabol. Lúc còn nhỏ gia cầm có tốc độ sinh trưởng tương đối thấp sau đó tăng dần, đến thời kỳ thưởng thành phát triển chậm lại, ổn định rồi giảm dần. Ví dụ: Gà Đông Tảo đạt tốc độ sinh trưởng tuyệt đối cao nhất lúc 11 tuần tuổi, từ 11 tuần tuổi trở đi bắt đầu giảm dần (Theo tác giả Lê Thị Nga, 1997) [29]. Giá trị sinh trưởng tuyệt đối càng cao thì hiệu quả kinh tế càng lớn.

+ Sinh trưởng tương đối (R): là tỉ lệ phần trăm về khối lượng, kích thước các chiều đo của cơ thể con vật ở lần khảo sát sau tăng lên so với lần khảo sát trước tính theo tỷ lệ %. Đồ thị sinh trưởng tương đối có dạng

hypebol. Khác với sinh trưởng tuyệt đối, sinh trưởng tương đối của gia cầm cao nhất lúc mới nở, sau đó giảm dần theo tuổi.

+ Đường cong sinh trưởng: biểu thị tốc độ sinh trưởng của gà. Theo tài liệu của Chamber J.R, 1990 [58], đường cong sinh trưởng của gà thịt gồm 4 pha:

Pha sinh trưởng tích lũy: tăng tốc độ nhanh sau khi nở

Điểm uốn của đường cong là thời điểm gà có tốc độ sinh trưởng cao nhất Pha sinh trưởng có tốc độ giảm dần sau điểm uốn

Pha sinh trưởng tiệm cận với giá trị khi gà trưởng thành - Tiêu tốn thức ăn

Tiêu tốn thức ăn cho 1 kilogam khối lượng cơ thể (TTTĂ/kg khối lượng cơ thể) là chỉ tiêu thường được dùng để đánh giá tỷ lệ chuyển hóa thức ăn để đạt được một đơn vị sản phẩm thịt. Vì tăng khối lượng cơ thể là một chức năng chính của quá trình chuyển hóa thức ăn hay nói cách khác TTTĂ là hiệu suất giữa thức ăn/1 kg tăng khối lượng.

Chi phí thức ăn chiếm tới 70% giá thành sản phẩm. TTTĂ/kg tăng khối lượng cơ thể càng thấp thì hiệu quả kinh tế càng cao và ngược lại. Đối với gà thịt thức ăn ăn vào một phần để duy trì và một phần dùng để tăng khối lượng. Khi hai cơ thể có cùng một khối lượng xuất phát để đạt được một khối lượng nhất định nào đó thì cơ thể sinh trưởng chậm mất thời gian dài hơn, TTTĂ cao và ngược lại. Hiệu quả sử dụng thức ăn tốt gà lớn nhanh, mức độ tích lũy mỡ bụng thấp, tăng chất lượng cho thịt.

Đối với gia cầm nuôi thịt TTTĂ phụ thuộc vào tốc độ sinh trưởng, độ tuổi. Giai đoạn đầu TTTĂ thấp, giai đoạn sau cao hơn.

Tác giả Nguyễn Duy Nhị, Ngô Giản Luyện (1992) [31], nghiên cứu lai ba máu V1, V135 nuôi đến 8TT cả trống mái tiêu tốn 2,2 - 2,4kg thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể.

Theo tài liệu của Hãng AA (1993) [54], gà Broiler AA 9 tuần tuổi nuôi chung trống, mái tiêu tốn 2,28kg thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể. Nuôi tách

riêng trống, mái thì gà trống tiêu tốn 2,24kg và gà mái tiêu tốn 2,33kg thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể.

Theo tác giả Lê Hồng Mận, Bùi Đức Lũng(1993) [27] cho biết nuôi đến 9 tuần tuổi gà Broiler tiêu tốn 2,39 - 2,41kg thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể. Theo tác giả Đoàn Xuân Trúc, Lê Hồng Mận (1993) [49] nghiên cứu các công thức lai gà Hybro AV35, AV53, AV135 cho biết TTTĂ/kg tăng khối lượng cơ thể ở 56 ngày tuổi là 2,34kg; 2,23kg; 2,26kg.

TTTĂ là một chỉ tiêu có ý nghĩa khi đánh giá hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gà thịt. Nhiều công trình nghiên cứu nhằm xác định chế độ dinh dưỡng phù hợp cho các dòng, giống, tổ hợp lai, từ đó phát huy được tiềm năng di truyền và đem lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Theo tác giả Phùng Đức Tiến và CS (2006) [45], ở gà Ross 308 bố mẹ nhập nội giai đoạn 0 - 20 tuần tuổi lượng thức ăn con trống cao hơn chuẩn 4,98%, con mái là 5,97% . Lượng thức ăn thực tế trong quá trình chăn nuôi luôn cao hơn so với lượng thức ăn chuẩn.

Lượng thức ăn của gà thí nghiệm tiêu thụ tăng dần qua các tuần tuổi, phù hợp với quy luật sinh trưởng và phát dục của gia cầm. Gà mái ở tuần tuổi đầu tiên tiêu thụ bình quân 26,80g/con/ngày, đến tuần tuổi thứ 6 tiêu thụ 50g/con/ngày. Gà trống tuần tuổi đầu tiên tiêu thụ 37,50g/con/ngày, tuần tuổi thứ 6 tiêu thụ 70g/con/ngày. So với chuẩn của Hãng thì TTTĂ ở thí nghiệm trong toàn bộ quá trình nuôi giai đoạn hậu bị thấp hơn. Đối với gà trống tiêu tốn 13969,9g/con, con mái 11186,98g/con, so với chỉ tiêu của Hãng là: 1098,02g/con; 768,10g/con thì tiêu tốn thấp hơn.

Như vậy, gà ăn ít hơn so với chỉ tiêu của Hãng đưa ra, nhưng sinh trưởng của gà khảo nghiệm vẫn bình thường.

TTTĂ/đơn vị sản phẩm còn phụ thuộc vào giới tính, khí hậu, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như tình hình sức khỏe của đàn gia cầm.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA BỘT LÔNG VŨ THỦY PHÂN TRONG KHẨU PHẦN TỚI SỨC SẢN XUẤT THỊT CỦA GÀ LƯƠNG PHƯỢNG NUÔI TẠI VIỆN CHĂN NUÔI (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w