hướng bền vững
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mà sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với môi trường. Sự suy giảm của môi trường đồng nghĩa với sự đi xuống của hoạt động du lịch. Ở đây môi trường được hiểu bao gồm môi trường kinh doanh, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, trong đó, môi trường tự nhiên đối với việc phát triển du lịch là vấn đề sống còn. Vì vậy, bảo vệ môi trường tự nhiên trong kinh doanh du lịch là điều kiện quyết định sự phát triển của doanh nghiệp và cần sự chung tay của mọi người bằng nhiều giải pháp cụ thể, hữu hiệu chứ không thể phó mặc cho thiên nhiên. Do vậy, để phát triển du lịch bền vững phải gắn chặt với việc bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ các tài sản văn hóa lịch sử và góp phần xây dựng cộng đồng địa phương.
Trong những năm gần đây, ngành du dịch Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển nhanh chóng, là ngành có tiềm năng lớn tại các nước đang phát triển. Nó mang lại nguồn ngoại tệ và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, trong đó có những công việc không đòi hỏi trình độ học vấn hay trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, với năng lực quản lý yếu kém không bắt kịp tốc độ phát triển của ngành đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng mà trong đó không thể không kể đến tác động ô nhiễm môi trường.
Với du lịch Nghệ An, du lịch biển và du lịch tâm linh đóng vai trò then chốt, vì vậy những rủi ro từ ô nhiễm môi trường sẽ tác động trực tiếp tới môi trường du lịch. Không chỉ nguy cơ từ rác thải, nước thải mà sự dễ dãi trong thu hút đầu tư bằng mọi giá không theo định hướng phát triển bền vững cũng là nguyên nhân không nhỏ tác động đến môi trường du lịch, và hậu quả của nó là sự mất dần các cảnh quan thiên nhiên đẹp, hiện nay các điểm du lịch tâm linh, du lịch biển đang có chủ trương bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy đã đến lúc cần có các giải pháp phát triển du lịch bền vững, việc bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường cần được đặt ra trên bàn cân thu hút đầu tư với những giải pháp đồng bộ như sau:
- Trên cơ sở qui hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 đã được Chính Phủ phê duyệt và các qui hoạch chi tiết cho từng vùng trong tỉnh, sở Thương mại - Du lịch cần xây dựng các dự án để mời gọi đầu tư. Các dự án này cần giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch đến môi trường biển, môi trường tự nhiên, mang lại các hiệu quả trực tiếp cho cộng đồng và lâu dài cho toàn xã hội ở vùng ven biển và hải
đảo, vùng núi, vùng đền chùa, các nơi khai thác dịch vụ du lịch tâm linh, trên cơ sở ứng dựng công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, ít tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tăng cường tái sử dụng chất thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch, đặc biệt trên các đảo, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Để thu hút đầu tư được các dự án này, tỉnh cần có chính sách ưu tiên miễn giảm hoặc không thu thuế trong thời gian nhất định. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái biển.
- Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch:
Trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu kinh doanh dựa trên những nguồn lợi có sẵn từ thiên nhiên, vì vậy việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường là việc làm có tính “sống còn” đối với các doanh nghiệp. Do đó, các cơ sở kinh doanh du lịch cũng phải có những hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoà vào thiên nhiên, cam kết xử lý nước thải trước khi đưa vào môi trường, có thể đầu tư hệ thống xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải để tưới cây, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường; tại các khu du lịch cần chủ động làm sạch môi sinh, môi trường và tổ chức trồng cây xanh trong khuôn viên khu du lịch; các khách sạn ven biển thường xuyên cử công nhân viên vệ sinh bờ biển, thu gom và vớt váng rác thải…
- Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường:
Tích cực triển khai "Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch" do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2003; lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các hoạt động phát triển du lịch biển, đặc biệt trong công tác quy hoạch phát triển du lịch với việc thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch là rất quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển bền vững của du lịch. Bảo vệ tốt môi trường trong kinh doanh du lịch góp phần cải thiện sự xuống cấp của môi trường nói chung, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường.