(1) xem phụ lục 3
2.3.1.Những yêu cầu khi lựa chọn biện pháp sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam (giai đoạn 1919 – 2000) ở trường THPT tỉnh Thái Bình.
Thứ nhất sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam phải góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục bộ môn về kiến thức kỹ năng, thái độ và mục tiêu bài học.
Quá trình dạy học bao gồm các nhân tố cơ bản là: Mục tiêu, nội dung dạy học, thầy và hoạt động dạy, trò và hoạt động học, các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học. Tất cả các nhân tố của cấu trúc quá trình dạy học tồn tại trong mối liên hệ thống nhất và biện chứng với nhau. Do đó trong dạy học, việc xác định mục đích, yêu cầu bài học là nhân tố đảm bảo cho sự thành công của một giờ học. Trên cơ sở đó để giáo viên khai thác nội dung, sử dụng biện pháp và cách thức tổ chức giờ học cho hiệu quả nhất.
Để việc sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc đạt hiệu quả, giáo viên phải nỗ lực lao động sư phạm. Trước hết, phải xác định mục tiêu từng bài học, trên cơ sở mục tiêu đã xác định giáo viên tiến hành lựa chọn những nội dung cơ bản, lựa chọn biện pháp sư phạm thích hợp cho từng nội dung, từng bài cụ thể. Trong việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay học sinh được xác định ở vị trí trung tâm của quá trình dạy học, giáo viên đóng vai trò là người dẫn dắt, hướng dẫn cho học sinh từng bước chiếm lĩnh tri thức. Sự sáng tạo trong tư duy học sinh thể hiện qua năng lực tự làm việc, tự giải quyết vấn đề. Muốn vậy giáo viên phải đa dạng hóa về phương pháp sử dụng tài liệu đồ dùng trực quan, tổ chức trao đổi trên lớp, làm được điều đó, sẽ góp phần khắc phục lối dạy học nhồi nhét, thầy đọc, trò chép. Từ chỗ hiểu sử các em sẽ dần dần yêu thích lịch sử góp phần thực hiện mục đích bài học.
Sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc nhằm giúp các em hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương. Trên cơ sở đó giáo dục cho các em những quan điểm, thái độ, niềm tin, tình cảm, đạo đức, phẩm chất, trách nhiệm đối với quê hương mình. Đặc biệt khi sử dụng tài liệu lịch sử địa phương còn phải góp phần phát triển tư duy cho học sinh như phân tích, tổng hợp, khái quát, so sánh đánh giá và phát triển các năng lực khác như: tri giác, quan sát, miêu tả, hình dung, tưởng tượng, năng lực hành động vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống tập dượt cho học sinh phương pháp nghiên cứu khoa học.Vì vậy, khi lựa chọn biện pháp sử dụng giáo viên phải căn cứ vào mục tiêu bài học.
Thứ hai, biện pháp sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc phải phù hợp với từng nội dung tài liệu. Loại tài liệu này có thể sử dụng trong nhiều hình thức khác nhau, trong giờ nội khóa và trong hoạt động ngoại khóa.
Ở giờ học nội khóa khi sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử dân tộc với những sự kiện lịch sử địa phương trở thành sự kiện lịch sử dân tộc cần có biện pháp cụ thể hóa sự kiện này, giúp các em vừa hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc, đồng thời có thêm tri thức về lịch sử địa phương.
Đối với sự kiện lịch sử địa phương không được ghi trong chương trình sách giáo khoa, giáo viên liên hệ làm phong phú thêm nội dung bài học và mở rộng vốn hiểu biết lịch sử của học sinh. Còn đối với bài học lịch sử địa phương trên lớp, cần tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp, đối với bài học lịch sử dân tộc, đặc biệt chú ý biên soạn bố cục của bài. Ở hoạt động ngoại khóa, cần sử dụng đa dạng các biện pháp. Lựa chọn các biện pháp không chỉ chú ý đến hình thức sử dụng mà còn phải chú ý đến cả nội dung, đối tượng học sinh, thời gian.
Thứ ba, biện pháp sử dụng phải bảo đảm yêu cầu phát huy tính tích cực, chủ động nhận thức của học sinh. Tính tích cực học tập của học sinh thể hiện ở khát vọng hiểu biết, cố gắng và nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh
tri thức. Nó được biểu hiện ở chỗ học sinh “ hăng hái trả lời câu hỏi của giáo viên, bổ sung các câu trả lời của bạn, thích phát biểu ý kiến của mình trước vấn đề nêu ra hay nêu thắc mắc, đòi hỏi giải thích cặn kẽ những vấn đề chưa rõ, chủ động vận dụng kiến thức kỹ năng đã học để nhận thức vấn đề mới , tập trung vào vấn đề đang học, kiên trì hoàn thành các bài tập, không nản trước tình huống khó khăn “… [14;4] Để phát huy các hoạt động nhận thức, tích cực độc lập cho học sinh, giáo viên cần dựa vào tài liệu để đưa ra bài tập nhận thức, các câu hỏi tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận, khi tiến hành bài học, ra bài tập về nhà, yêu cầu học sinh chuẩn bị bài trước khi lên lớp.
Thứ tư, sử dụng tài liệu lịch sử địa phương vào trong dạy học lịch sử dân tộc phải kết hợp với các phương pháp, biện pháp dạy học khác nhau như: sử dụng các loại đồ dùng trực quan, hiện vật, đồ phục chế, các loại bản đồ, tranh ảnh, các phương tiện dạy học, tài liệu học tập khác…
Như vậy, việc sử dụng tài liệu lịch sử địa phương vào trong dạy học lịch sử dân tộc cần phải lựa chọn biện pháp phù hợp, không tuyệt đối hóa khả năng của một phương pháp, biện pháp nào, song cần chú ý đến việc sử dụng các biện pháp phát huy tính tích cực độc lập sáng tạo của học sinh với những vấn đề phức tạp nên sử dụng biện pháp trực quan nhằm gây hứng thú học tập và nâng cao hiệu quả bài học.