Giao dịch ngoại hối quyền chọn được NHNN cho phép EXIMBANK thực hiện thí điểm theo công văn số 134/NHNN – QLNH do Phó Thống đốc NHNN ký ngày 12/02/2003 sau khi thấy EXIMBANK đã hội đủ các điều kiện về vốn và khả năng
kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên trong giai đoạn này chỉ cho giao dịch quyền chọn giữa ngoại tệ với ngoại tệ. EXIMBANK đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp lớn, 11 hợp đồng quyền chọn ngoại tệ đã được ký, trong đó có 5 quyền chọn bán với tổng trị giá 150.000 EUR và 6 quyền chọn mua với tổng trị giá 558.00 EUR và 5.000.000 JPY. Sau đó NHNN cũng cho phép các ngân hàng khác thực hiện nghiệp vụ này như: ACB, BIDV, VCB, Sacombank…. Tuy số lượng ngân hàng thực hiện nghiệp vụ này đã tăng lên nhưng cho đến năm 2004 tổng số hợp đồng quyền chọn cũng chỉ dừng lại ở con số 50 với doanh số thực hiện trên 5 triệu USD trong đó doanh số mua chiếm 68%.
Trước tình hình đó, NHNN đã ra quyết định số 1452/2004/NHNN với hàng loạt những điểm đổi mới về tư duy và quản lý của NHNN trong việc kiểm soát và thực hiện giao dịch hối đoái trong đó có giao dịch quyền chọn ngoại tệ như nới rộng phạm vi, thời hạn và đối tượng trong giao dịch quyền chọn tiền tệ. Theo đó, tất cả các TCTD được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối đều được quyền thực hiện nghiệp vụ quyền chọn ngoại tệ mà không cần xin phép NHNN và được giao dịch với các TCTD được phép khác trên thị trường liên ngân hàng. Điều này đã giúp cho các TCTD giảm được rủi ro cho mình bằng việc thực hiện các giao dịch đối ứng trên thị trường liên ngân hàng, bởi theo quy định của NHNN thì các NHTM chỉ được phép bán quyền chọn cho khách hàng mà không được phép mua quyền chọn từ khách hàng. Bên cạnh đó, kỳ hạn giao dịch cũng cho phép NHTM và khách hàng thỏa thuận thay vì trước đây thời hạn tối đa là 90 ngày. Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân cũng được tham gia vào giao dịch này.
Với những sự đổi mới theo hướng thuận lợi như thế hứa hẹn một sự phát triển nhanh chóng của giao dịch này nhưng thực tế không phải vậy. Tổng số giao dịch vẫn thấp, ví dụ như EXIMBANK trong hai năm 2004 – 2005 trung bình mỗi năm EXIMBANK chỉ thực hiện được 10 – 12 hợp đồng quyền chọn.
Năm 2005 là năm đánh dấu sự phát triển của nghiệp vụ này khi lần đầu tiên trên thị trường, giao dịch quyền chọn giữa VND với các loại ngoại tệ mạnh khác được thí điểm. Tuy nhiên ngày 18/3/2009, Thống đốc NHNN có công văn số 1820/NHNN- QLNH gửi tới các NHTM mà trước đây NHNN đã cho phép thực hiện thí điểm nghiệp vụ quyền chọn giữa VNĐ và ngoại tệ yêu cầu chấm dứt nghiệp vụ này kể từ
ngày 23/03/2009. Do thông tư về giao dịch hối đoái của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối hướng dẫn nghị định 160/2006/NĐ-CP sắp được ban hành thay thế cho quyết định 1452/2004/QĐ – NHNN về giao dịch hối đoái.
Trong những năm gần đây, thị trường tài chính Việt Nam có rất nhiều biến động do Việt Nam đã và đang mở cửa hội nhập, thị trường trong nước liên thông với thị trường thế giới nên một điều tất yếu là sẽ chịu tác động bởi những biến động của thị trường tài chính thế giới như đồng USD giảm giá mạnh so với các ngoại tệ khác và có những diễn biến phức tạp, khó lường do cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và FED liên tục cắt giảm lãi suất; giá dầu, giá vàng tăng liên tục và đạt các mức kỷ lục mới… Điều này làm cho tỷ giá giữa các loại ngoại tệ với VNĐ, đặc biệt là tỷ giá VND/USD biến động mạnh mẽ, kèm theo đó là rủi ro cho các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến ngoại tệ. Có thể đưa ra một vài ví dụ về sự biến động tỷ giá gây thiệt hại cho các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến ngoại tệ năm 2007 – 2008:
Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC) là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này vay nợ bằng JPY, khi đồng tiền này tăng lên so với USD, trong khi VND lại mất giá so với USD khiến cho khoản nợ của PPC tăng lên đáng kể. Tính đến ngày 31/12//2008, dư nợ vay là 36,2 tỷ JPY. Khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của PPC gần 1,600 tỷ đồng cho khoản vay nợ ngoại tệ trên và khoản lỗ 10 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đã thực hiện do thanh toán 1,8 tỷ JPY tiền gốc vay trong năm nay.
Theo Ông Trịnh Văn Huân, đại diện Công ty Cổ phần Thương mại và Kỹ thuật ứng dụng cho hay Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh mỗi tháng nhập khẩu từ 2.500 – 3.000 tấn nguyên liệu cũng đã mất 5 tỷ đồng trong tháng 5 và 6/2008 do biến động tỷ giá VND/USD và cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong cùng thời điểm đó, Tập đoàn thiệt hại tới khoảng 50 tỷ đồng do chênh lệch giữa giá USD thu từ xuất khẩu bán cho các ngân hàng thương mại và giá USD mua phục vụ cho nhập khẩu nguyên liệu còn Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Hàng không lỗ 8 tỷ đồng.
Ngoài ra, trước sự biến động tỷ giá bất lợi cho mình, các doanh nghiệp nhập khẩu không muốn nhận hàng về gây ra hiện tượng ứ đọng hàng của các doanh nghiệp tại cảng. Hàng hóa được nhập về nhiều nhưng doanh nghiệp không làm thủ tục thông
quan; nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bị phạt hợp đồng trong nước, hợp đồng nước ngoài và chi phí cho việc tái xuất hàng hóa trả lại người bán.
Đứng trước tình hình đó buộc các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến vấn đề bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Điều này được thể hiện qua doanh số giao dịch quyền chọn tiền tệ tại ngân hàng TMCP Á Châu trong quý I/2008 đạt 120 triệu USD trong khi con số này ở năm 2007 chỉ là 50 triệu USD. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đi xuống, không còn sức hút mạnh như thời gian trước đây nên các nhà đầu tư dần chuyển sang đầu tư vàng và ngoại tệ, họ chủ yếu đầu cơ bằng công cụ quyền chọn. Do đó, khách hàng tham gia giao dịch quyền chọn với mục đích đầu cơ là chủ yếu. Nói như vậy không có nghĩa là mục đích bảo hiểm rủi ro tỷ giá không được chú trọng mà bên cạnh đó số lượng hợp đồng quyền chọn được ký kết với mục đích đầu cơ cũng tăng lên đáng kể.
Như vậy so với hai công cụ kỳ hạn và hoán đổi, công cụ quyền chọn tại các NHTM Việt Nam có sự tiến bộ hơn trong việc vận dụng linh hoạt những ứng dụng của công cụ ngoại hối phái sinh này.
Hầu hết các doanh nghiệp mua quyền chọn kiểu Mỹ, giao dịch quyền chọn kiểu châu Âu được thực hiện rất ít vì ngoài phòng ngừa rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp còn có thể khai thác chiều hướng biến động có lợi của tỷ giá để thực hiện quyền chọn thu lợi nhuận. Điều này trái ngược với thị trường thế giới, có đến 95% các giao dịch quyền chọn được thực hiện theo kiểu châu Âu và chỉ 5% được thực hiện theo kiểu Mỹ vì phí quyền chọn kiểu châu Âu rẻ hơn so với quyền chọn kiểu Mỹ.
Có thể khẳng định rằng, giao dịch ngoại hối quyền chọn đã có sự phát triển khả quan trong thời gian vừa qua và hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Mặc dù vậy doanh số vẫn còn ít, số lượng khách hàng giao dịch cũng chưa nhiều và đa dạng.
2.4. Đánh giá hoạt động của thị trường ngoại hối Việt Nam 2.4.1. Thành tựu
Việt Nam có sự nhìn nhận và thay đổi trong cơ chế điều hành tỷ giá. Từ cơ chế điều hành tỷ giá cố định một cách cứng nhắc suốt thời gian dài từ 1992 -1997 đã thay đổi sang cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn, tỷ giá được đánh giá khách quan hơn. Việc tỷ giá được đánh giá khách quan hơn đã phần nào phản ánh đúng giá trị thật của đồng tiền,
kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, làm thay đổi tâm lý của thị trường. Lòng tin của công chúng vào chính sách kinh tế nói chung, chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá nói riêng ngày càng gia tăng. Tác động này thể hiện rõ nét mức gia tăng tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư từ nội bộ kinh tế tăng dần, nguồn ngoại tệ tập trung vào ngân hàng ngày càng tăng.
Tỷ giá phù hợp hơn với cung cầu ngoại tệ trên thị trường, cùng với sự can thiệp của nhà nước đã tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu ngày càng phát triển, tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập quốc doanh tăng nhanh, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện công ăn việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Thành công của chính sách tỷ giá trong thời gian qua là xoá bỏ sự áp đặt chủ quan, duy ý chí trong việc thiết lập tỷ giá. Khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường chợ đen dần được thu hẹp.
Việc ổn định hơn giá trị đồng tiền, cùng với sự cởi mở hơn trong điều kiện quản lý ngoại hối và trong luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài khá nhanh hơn trong thời gian qua. Với chính sách tỷ giá phù hợp hơn với quy luật cung cầu của thị trường ngoại tệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong cân đối nhu cầu ngoại tệ.
Bên cạnh đó, nhà nước kiểm soát được các nguồn thu ngoại tệ chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng. Do đó, nhà nước đảm bảo kiểm soát có hiệu quả tỷ giá hối đoái, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế.
Đồng thời, chế độ tỷ giá linh hoạt, ít mang tính áp đặt hơn, dựa vào công cụ kinh tế tài chính nhưng không buôn lỏng, thả nổi tỷ giá một cách tùy tiện, phù hợp với thông lệ quốc tế đã dần đưa nền kinh tế, tài chính tiền tệ nước ta hội nhập vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có sự điều tiết của Chính phủ để điều hành chính sách tiền tệ. Với cơ chế tỷ giá này, Ngân hàng Nhà nước khống chế được sự biến động bất thường của tỷ giá.
Với hàng loạt các thông tư, quyết định về quản lý ngoại hối đã góp phần không nhỏ trong hoạt động ngoại tệ.
Kể từ ngày 8/12/2004, Quyết định số 1452/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN điều chỉnh giao dịch hối đoái của các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép
hoạt động ngoại hối đã chính thức có hiệu lực thi hành và thay thế Quyết định số 17/1998/QĐ-NHNN7 về Quy chế giao dịch hối đoái năm 1998. Việc đưa vào thực thi Quyết định mới này chắc chắn sẽ làm cho thị trường ngoại hối Việt Nam có bước phát triển vượt bậc cả về chất lượng và quy mô. Thị trường ngoại hối sẽ đông đảo, sôi động hơn; linh hoạt, thông thoáng hơn, tự chủ hơn và cũng an toàn hơn. Việc Thống đốc NHNN ban hành Quyết định 1452/2004/QĐ-NHNN sẽ mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển vượt bậc và uyển chuyển của thị trường ngoại hối Việt Nam trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế, là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư.
Ngày 1/6/2006, Pháp lệnh Ngoại hối, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 13/12/2005, có hiệu lực, với tinh thần phát triển thị trường ngoại hối theo hướng mở cửa, chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế...Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực từ ngày 1/6/2006 được đánh giá là một bước tiến mới trong cải cách cơ chế quản lý ngoại hối trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự mở cửa và hội nhập ngày càng lớn của nền kinh tế. Đưa ra một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản so với quy định hiện hành, như thể hiện việc tự do hóa các giao dịch vãng lai theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối; nới lỏng từng bước đối với giao dịch vốn, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung mà trước đây chưa có hoặc là chưa cụ thể như quản lý ngoại hối đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, đầu tư gián tiếp, việc phát hành chứng khoán trong và ngoài nước...
Dự thảo cũng tăng cường cơ chế xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối. Về tinh thần chung, Ngân hàng Nhà nước cho biết là hướng tới phát triển thị trường ngoại hối theo hướng mở cửa, chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, đơn giản hoá thủ tục cấp phép, đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối.
Từ ngày 30/11/2009, Ngân hàng nhà nước cũng đã tiến hành việc bán ngoại tệ can thiệp ra thị trường như đã thông báo tại Công văn số 9430/NHNN-QLNH: Bán cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm 5% trở xuống, ưu tiên các mặt hàng phục vụ sản xuất như: thuốc chữa bệnh, xăng dầu, thuốc trừ sâu, phân bón. Bên cạnh việc tăng cung ngoại tệ trên thị trường, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối phải thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN về biên độ tỷ giá khi mua bán ngoại tệ. NHNN sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra
đột xuất và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp vi phạm. NHNN đã lập các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân cũng như doanh nghiệp về các hiện tượng mua bán vượt trần của cả tổ chức tín dụng lẫn doanh nghiệp.
Ngày 23/12/2009 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu 7 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước bán ngay số ngoại tệ dưới dạng tiền gửi và các nguồn thu vãng lai cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, để hỗ trợ nguồn cung đáng kể cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng, bao gồm cả tổ chức tín dụng đã mua ngoại tệ của 7 Tập đoàn, Tổng công ty có trách nhiệm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước khi các đơn vị này có nhu cầu thanh toán.
Ngày 10/02/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 03/2010/TT-NHNN quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng đô la Mỹ của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng và Quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Cụ thể như sau:
+ Kể từ ngày 11/02/2010, mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng đô la Mỹ của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng tối đa là 1,0%/năm. Quy định về lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng theo Quyết định số 07/2007/QĐ-NHNN ngày 06/02/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tiền gửi của pháp nhân tại tổ chức tín dụng hết hiệu lực thi hành; đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn bằng đô la Mỹ của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn đã thoả thuận giữa tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế.
+ Tỷ giá bình quân liên Ngân hàng giữa USD và VND áp dụng cho ngày 11/02/2010 là 18.544 VND/USD.