Việc hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính khác là một quá trình phức tạp, không thể cứ đề ra là có thể thực hiện ngay, đòi hỏi phải giải quyết rất nhiều vấn đề về lí luận cũng như thực tiễn. Việc xác định rõ phương hướng, nắm vững quan điểm trong việc hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính là điều quan trọng, mang tính nguyên tắc nhằm tránh lệch hướng, và đảm bảo việc hoàn thiện tiến hành có hiệu quả, phù hợp.
Từ nhận thức trên, việc nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật và tổ chức thực hiện trên thực tế về các biện pháp xử lí hành chính khác cần quán triệt các phương hướng và quan điểm chỉ đạo cụ thể sau:
Một là, hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính trước hết phải bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp, quan điểm của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các biện pháp xử lí hành chính khác phải cần giải quyết được những tồn tại, hạn chế bất cập các quy định hiện hành, kế thừa những quy định hợp lí từ trước đến nay quy định trong pháp lệnh, đồng thời bổ sung những quy định còn thiếu, đảm bảo phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của Đất nước; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật xử lí vi phạm hành chính và tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung [17, tr. 5].
Hai là, việc hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính nhằm góp phần nâng cao hơn nữa công tác quản lí, giáo dục cảm hóa các đối tượng vi phạm thành công dân có ích, đấu tranh phòng chống có hiệu quả vi phạm pháp luật và xử lí nghiêm minh, triệt để, kịp thời, đúng pháp luật các đối tượng vi phạm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lí hành chính Nhà nước.
Ba là, hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính nhằm định hướng tăng cường bảo đảm quyền cơ bản của công dân, quyền con người, đề cao tính dân chủ, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân có liên quan trong quá trình áp dụng các biện pháp xử lí hành chính. Đồng thời đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, xử lý nghiêm minh, triệt để nhanh chóng, đúng pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế, xã hội.
Bốn là, hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính theo hướng áp dụng các nội dung cải cách tư pháp, nghiên cứu chuyển sang tòa án xem
xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lí hành chính theo lộ trình từng bước thực hiện trình tự, thủ tục tư pháp trong xử lí hành chính bảo đảm tính minh bạch, công khai, công bằng và bảo đảm quyền cơ bản của công dân [17, tr. 25].
Phương hướng hoàn thiện cuối cùng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính cần tương thích các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phù hợp với bối cảnh và lộ trình hội nhập quốc tế. Nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính song song với việc đối chiếu với các cam kết quốc tế về quyền con người.