Về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác

Một phần của tài liệu Các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 66 - 68)

Thủ tục áp dụng các biện pháp xử lí hành chính khác cần được quy định chặt chẽ để đảm bảo vừa xử lí nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo được quyền tự do dân chủ của công dân, đảm bảo tính công khai, khách quan, chính xác trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng.

Giải pháp hoàn thiện về quy trình xem xét ra quyết định áp dụng, tiến hành theo hướng " bán tư pháp" để tăng cường đảm bảo quyền công dân, dân chủ, hạn chế oan sai khi áp dụng các biện pháp xử lí hành chính ảnh hưởng quyền tự do cá nhân. Kiến nghị cần quy định về cuộc họp của hội đồng tư vấn theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, người bị xem xét áp dụng, cha mẹ người đó hoặc người giám hộ hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi của đối tượng tham gia có quyền phát biểu trình bày ý kiến cá nhân, họ cũng có quyền mời luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lí tham dự cuộc họp của Hội đồng tư vấn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ý kiến của họ phải được ghi vào biên bản cuộc họp kèm theo báo cáo trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết

định. Có như thế mới đảm bảo khách quan và dân chủ. Quy định này sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tương thích pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, khi chuyển các biện pháp xử lý hành chính khác sang cho Tòa án áp dụng cần phải tính đến một số yếu tố đó là: không thể áp dụng các thể tục xét xử hình sự, dân sự, hành chính để giải quyết mà cần phải ban hành các thủ tục mới. Điều này đặt ra là phải ban hành một văn bản pháp Luật (văn bản pháp luật về thủ tục giải quyết tại Tòa án) quy định về vấn đề này; trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Pháp lệnh để quy định trình tự, thủ tục xem xét quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác tại Tòa án, gắn liền với việc đó là việc chỉnh sửa một loạt văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân về vấn đề này. Cần phải đảm bảo pháp lệnh này phải thể chế hóa các yếu tố bảo vệ công dân trong thủ tục tố tụng, nhằm đảm bảo quá trình tố tụng công bằng, bảo đảm quyền đại diện, quyền kháng cáo... như quyền tiếp cận tư vấn pháp lý và đại diện pháp lý, quyền được nhận hồ sơ trước khi mở phiên tòa, quyền xuất trình chứng cứ bào chữa v.v... Có như vậy mới đảm bảo mục tiêu đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, vừa đảm bảo quyền của trẻ em. Đây là xu thế tất yếu trong điều kiện cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, đồng thời phù hợp với các Công ước quốc tế. Việc phán quyết và áp dụng các biện pháp trách nhiệm pháp lí hạn chế hoặc tước đoạt tự do phải theo trình tự, thủ tục phán quyết của tòa án với một bản án minh bạch, công khai - kết quả của một trình tự, thủ tục tố tụng công bằng, minh bạch với sự tham gia biện hộ của luật sư.

Một giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo tính khách quan, chính xác và đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền là phải có sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định áp dụng biện pháp và trong cả quá trình chấp hành các biện pháp xử lí hành chính khác.

Đối với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định thủ tục theo hướng đơn giản hơn, bỏ hình thức đọc bản kiểm điểm trước hội nghị quy định tại Điều 13 Nghị định 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn vì nó xâm phạm đến nhân phẩm, lòng tự trọng và tạo ra áp lực tâm lí lớn của đối tượng bị áp dụng biện pháp này, đặc biệt họ là người chưa thành niên. Chúng ta cũng cần lưu ý thủ tục đặc biệt hơn đối với người chưa thành niên. Đối với các vi phạm của người chưa thành niên dưới 18 tuổi cần có một cơ chế xử lí đặc biệt hơn phù hợp đặc điểm tâm sinh lí của đối tượng này đồng thời đảm bảo tính thống nhất.

Ngoài ra, vấn đề thời hạn áp dụng các biện pháp xử lí hành chính khác, kiến nghị cần nâng lên đủ thời gian giáo dục, răn đe. Cụ thể, đối với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nâng lên 1 năm; đưa vào trường giáo dưỡng 12 tháng đến 24 tháng; đưa vào cơ sở giáo dục là 12 đến 36 tháng. Vì những đối tượng này phần lớn là rất nguy hiểm, có nhiều tiền án tiền sự cần có đủ thời gian cần thiết để răn đe, giáo dục làm thay đổi nhận thức, tính cách, đạo đức để họ trở thành những công dân lương thiện. Cũng nên sửa đổi quy định "Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hết thời hiệu sau 1 năm (thay vì quy định sau 6 tháng như hiện nay) kể từ ngày ra quyết định. Bởi lẽ, mục đích chính của việc áp dụng biện pháp này là giáo dục, cảm hóa những đối tượng có hành vi lệnh chuẩn không khi nào là muộn, hơn nữa họ thường tìm cách lẩn trốn, được che giấu nên cần quy định thời hiệu 1 năm để có thể đưa được họ vào điều kiện giáo dục thành công dân tốt [27, tr. 157].

Một phần của tài liệu Các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 66 - 68)