Hệ thống các biện pháp xử lí hành chính khác

Một phần của tài liệu Các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 35)

Hiện nay, hệ thống các biện pháp xử lí hành chính khác được quy định trong chương III Pháp lệnh Xử lí vi phạm hành chính 2002 (Sửa đổi, bổ sung 2008) (sau đây gọi là Pháp lệnh Xử lí vi phạm hành chính 2002) gồm có 4 biện pháp bao gồm: Giáo dục tại xã, phường thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng; Đưa vào cơ sở giáo dục; Đưa vào cơ sở chữa bệnh. Các biện pháp xử lí hành chính khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và do hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thực hiện.

Hệ thống các biện pháp xử lí hành chính khác là kết quả tổng kết kinh nghiệm của cả quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của quản lí nhà nước về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hệ thống các biện pháp xử lí hành chính khác, so với giai đoạn trước đây đã được quy định một cách thống nhất, chặt chẽ và khoa học hơn, đồng thời loại bỏ biện pháp không phù hợp như biện pháp quản chế hành chính áp dụng đối với người có hành vi phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống các biện pháp xử lí hành chính qua một thời gian thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn. Các biện pháp xử lí hành chính được quy định trong hệ thống văn bản khá đồ sộ từ Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các nghị định của Chính phủ, các thông tư hướng

dẫn nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa rõ ràng, minh bạch, phức tạp và khó khăn cho việc hiểu và vận dụng các quy định trong thực tiễn. Một trong những hạn chế, bất cập chủ yếu trong các quy định hiện hành về các biện pháp xử lí hành chính khác là sự chưa phù hợp giữa một số quy định của văn bản hướng dẫn Pháp lệnh với các quy định của bản thân Pháp lệnh. Đây là một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản pháp luật về các biện pháp xử lí hành chính khác. Và cũng là nguyên nhân của hiệu quả thấp trong việc áp dụng, tổ chức thực hiện các biện pháp xử lí hành chính khác trên thực tế. Một câu hỏi đặt ra là tại sao vấn đề tội phạm và hình phạt cho mỗi tội danh phải được quy định trong một bộ luật do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành. Còn nhóm các biện pháp xử lí hành chính khác, tại sao lại phải có quá nhiều các cơ quan nhà nước cùng tham gia ban hành các văn bản với nhiều tên gọi khác nhau [27, tr. 153].

Vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; số đối tượng chưa thành niên thực hiện những hành vi nguy hiểm, phạm tội đang là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Muốn ngăn chặn, giáo dục, phòng ngừa và xử lí kịp thời, triệt để cần có một hệ thống các biện pháp xử lí hành chính đầy đủ và hoàn thiện. Đồng thời, Việt Nam chúng ta đang trong quá trình hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, pháp luật phải được xây dựng trên chuẩn mực quốc tế, đặc biệt hệ thống các biện pháp xử lí hành chính khác phải được xây dựng trong mối tương quan các cam kết quốc tế về quyền con người, đảm bảo dân chủ.

Thực tiễn xử lí hành chính cho thấy, hệ thống các biện pháp xử lí hành chính khác được quy định ở pháp luật nước ta "vừa thừa, vừa thiếu", một mặt chưa đáp ứng và xử lí có hiệu quả, triệt để các hành vi và đối tượng vi phạm pháp luật, mặt khác có biện pháp tỏ ra không thích hợp trong điều kiện hiện nay như biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh áp dụng đối với những đối tượng đơn thuần là người nghiện ma túy và người bán dâm bao gồm từ 14 đến dưới

18 tuổi, có phải chăng họ là những người vi phạm pháp luật và bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính nghiêm khắc. Vì vậy, đối với biện pháp này cần nghiên cứu và quy định rõ hơn. Ngoài ra, cần xem xét, bổ sung một số biện pháp có tính chất răn đe và hiệu quả xử lí các đối tượng có hành vi vi phạm nguy hiểm, thường xuyên, xem thường luật pháp.

Hệ thống các biện pháp xử lí hành chính khác quy định trong Pháp lệnh Xử lí vi phạm hành chính 2002 quy định khá cụ thể về đối tượng áp dụng, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lí hành chính khác. Tuy nhiên, một số quy định vẫn chưa phù hợp, vi phạm quyền công dân, quyền con người và chưa đảm bảo tính dân chủ, đòi hỏi phải được sửa đổi theo hướng hoàn thiện hơn và đảm bảo các chuẩn mực quốc tế về các vấn đề có liên quan, điều này sẽ được nghiên cứu kĩ hơn ở các phần sau.

Một phần của tài liệu Các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 35)