Các cơ quan nhân quyền quốc gia hiện hành ở ASEAN có những điểm giống, khác nhau như sau:
2.4.2.1. Đều được thành lập theo hiến pháp và pháp luật
Bốn nước trong ASEAN đều dựa vào khuôn khổ hiến pháp và xây dựng nội luật riêng, quy định quyền hạn trách nhiệm của thể chế quốc gia. Tuy nhiên, nhìn chung, khuôn khổ pháp luật về cơ quan nhân quyền quốc gia của các nước này vẫn còn nhiều hạn chế về chức năng báo cáo, trách nhiệm giải trình,
chức năng đưa ra các khuyến nghị sửa đổi có thể dẫn đến xử
phạt nếu không sửa đổi của thể chế nhân quyền quốc gia.
2.4.2.2. Đều có chức năng bán tư pháp (có quyền tài phán, giải quyết khiếu kiện)
Các Cơ quan nhân quyền quốc gia hiện hành ở ASEAN đều có thểđưa các vụ việc sang Cơ quan Tư pháp của nhà nước để xử lý.
Đặc biệt, ở Indonesia quyền hạn của Cơ quan nhân quyền quốc gia còn cho phép can thiệp hay hỗ trợ các quá trình thụ lý ở tòa liên quan đến những vụ việc về nhân quyền khi được Tòa án cho phép (Điều 89 (3) luật về Cơ quan nhân quyền quốc gia). Tuy nhiên, ở Thái Lan, cơ quan nhân quyền quốc gia không được phép đề xuất các biện pháp chỉnh sửa khi đã có phán quyết của Tòa án (Điều 22 Luật về Cơ quan nhân quyền quốc gia). Ở tất cả
các nước liên quan, nếu các khuyến nghị của Cơ quan nhân quyền quốc gia không được các chủ thể liên quan thực hiện thì sẽ
có các hình thức xử lý, tuy nhiên, chỉ có hai nước là Thái Lan và Indonesia Cơ quan nhân quyền quốc gia có quyền trực tiếp xử lý khiếu nại và điều tra vi phạm. Việc xử lý cụ thể như sau:
1. Thái Lan: Có thể xử phạt (phạt tiền hoặc bỏ tù) nếu từ
chối không hiện diện hoặc cung cấp thông tin, tài liệu về
vụ việc. Thêm vào đó, Ủy ban nhân quyền quốc gia có quyền gửi báo cáo đề xuất việc bồi thường cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý việc bồi thường (Điều 28 của Luật Cơ quan nhân quyền quốc gia).
2. Indonesia: Có quyền khuyến nghị hay đề nghị Tòa án xử
phạt nếu từ chối không hiện diện hoặc cung cấp thông tin tài liệu về vụ việc.
3. Philippin (Điều 3 Hiến pháp 1987): Có quyền yêu cầu Tòa án xử lý các vi phạm theo quy định và thủ tục của tòa, có quyền đi thăm các cơ sở giam giữ, yêu cầu thả những người vô tội và khuyến nghị bồi thường thông qua Tòa án. Tuy nhiên, ngoài cách thức pháp lý, xử lý các khiếu kiện cũng được thực hiện theo hướng hòa giải và thỏa thuận.
2.4.2.3. Về mối liên hệ với các tổ chức xã hội dân sự
Các Cơ quan nhân quyền quốc gia rất cần giữ mối liên hệ và huy động sự tham gia của xã hội dân sự vào hoạt động của mình. Mặc dù những Cơ quan nhân quyền quốc gia của các nước ASEAN đều có mối liên hệ với các tổ chức xã hội dân sự, song chỉ có ở Thái Lan và Indonesia những cơ quan này mới có thể huy động các tổ chức xã hội dân sự vào các hoạt động thường xuyên của mình.