Những giải pháp về kinh tế

Một phần của tài liệu Nghèo đói và các nhân tố tác động tới nghèo đói tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007 đến 2011 (Trang 104 - 108)

3.2.1.1 Giải pháp về vốn

Vốn là một vấn đề quan trọng đối với các hộ nông dân, đặc biệt đối với Định Hoá, thu nhập của người dân còn thấp, tích luỹ không nhiều. Mặc dù trong thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác cho vay đối với hộ nông dân và các hộ nghèo. Tuy nhiên, trong thời gian tới, huyện cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực hơn nữa trong việc cho hộ nông dân vay vốn xoá đói giảm nghèo, đặc biệt chú trọng hướng dẫn người dân sử dụng vốn sao cho đúng mục đích và đạt hiệu quả cao. Tăng

cường vai trò giám sát thực hiện vốn vay của các ngân hàng đối với hộ. Có như vậy mới thực sự giúp người dân sử dụng hiệu quả đồng vốn, qua đó nâng cao thu nhập và xoá đói giảm nghèo.

3.2.1.2 Phát triển trồng trọt

Như đã nghiên cứu ở trên, sản xuất trồng trọt đóng góp một phần rất quan trọng vào kết quả sản xuất của các hộ gia đình. Để trồng trọt phát triển được, huyện cần có những chính sách nhằm khuyến khích phát triển lúa, ngô và chè có năng suất cao, chất lượng tốt, sản xuất hướng vào thị trường là chính.

- Đối với lúa: cần tập trung thâm canh, tăng vụ, sử dụng những giống lúa mới, chất lượng cao, có khả năng chống trọi với sâu bệnh vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Đối với Ngô: các hộ gia đình cần tận dụng những diện tích đất 1 vụ không thuận tiện về thuỷ lợi để trồng lúa phục vụ cho trồng ngô, tận dụng những chân ruộng cao, đất nương rãy thấp để phát triển ngô, một mặt làm thức ăn gia súc, một mặt bán ra thị trường hoặc làm lương thực

- Đối với chè: Cây chè là cây thế mạnh của các xã miền tây của huyện. Để cây chè thực sự phát triển được, người dân cần chuyển đổi sang sử dụng một số giống chè mới có năng suất và chất lượng… gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để vừa nâng cao giá trị và giá trị sử dụng cho sản phẩm.

3.2.1.3. Phát triển chăn nuôi

Tình hình phát triển chăn nuôi của người dân hiện nay chưa đúng tầm với tiềm năng của địa phương. Định Hoá, đặc biệt là khu vực núi cao phía Bắc, có điều kiện về diện tích chăn thả, do đó nên phát triển chăn nuôi đại gia súc như: trâu, bò, dê… để vừa tận dụng lao động gia đình, vừa tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho hộ.

Đối với khu vực trung tâm và khu vực phía nam nên phát triển mạnh đàn gia cầm và chăn nuôi lợn, vừa để phục vụ nhu cầu nội tiêu của huyện vừa để cung cấp cho thị trường Thái Nguyên. Những sản phẩm chăn nuôi của

Định Hoá vẫn được đánh giá cao về chất lượng, do vậy phát triển chăn nuôi chính là phát huy lợi thế vùng của huyện Định Hoá

Tuy nhiên, để chăn nuôi phát triển được thì các ngành chức năng, chuyên môn của tỉnh, huyện cần giúp đỡ người dân về việc phòng, chữa dịch bệnh, đặc biệt như hiện nay đang xuất hiện dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm, long móng… gây nhiều thiệt hại cho người nông dân.

3.2.1.4. Phát triển nghề rừng

+ Về thể chế, chính sách: Phát triển hệ thống chính sách và hành chính phù hợp với bối cảnh giao đất, giao rừng cho người dân địa phương quản lý.

Hiện nay chính sách lâm nghiệp chưa rõ ràng với người dân, đặc biệt trong bối cảnh rừng được giao cho người dân quản lý, nhưng lại thiếu các văn bản hướng dẫn hay qui định cụ thể về quyền lợi của người dân trong việc chăm sóc bảo vệ rừng. Đặc biệt đối với việc khai thác LSNG, nhà nước cần xem xét chỉnh sửa bổ sung các quy định về khai cũng như kiểm tra, kiểm soát trong lưu thông lâm sản vừa phục vụ lợi ích hợp pháp của người dân trồng rừng cũng như công tác quản lý lâm sản của của các cơ quan chức năng trên địa bàn.

+ Chuyển từ kinh tế rừng tự nhiên và quảng canh sang kinh tế rừng trồng thâm canh gắn với chế biến. Có thể phát triển chế biến ở cấp nông hộ, cộng đồng sử dụng nguyên liệu từ rừng được giao.

Giải pháp này làm tăng nguồn thu lâu dài cho người dân, tăng năng lực sản xuất, tiến hành công nghiệp hóa dựa vào rừng bởi vì người dân có nguyên liệu từ rừng, có lao động tại chỗ, giao đất giao rừng và gắn với chế biến là thích hợp. Để thực hiện được biện pháp này nhà nước giao đất giao rừng cho người dân, cần tiến hành các biện pháp để nâng cao tay nghề cho người dân như mở các lớp đào tạo nghề, cho vay ưu đãi để phát triển chế biến, kèm theo đó các các dịch vụ về thị trường.

+ Phát triển kinh tế hàng hóa gắn với phát triển thị trường về lâm sản ngoài gỗ: Từ nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm từ rừng, trong đó lâm sản ngoài gỗ có tiềm năng phát triển và đóng góp vào thu nhập của người dân. Để thực hiện được giải pháp này, trong giao đất, giao rừng cho người dân nhà nước cần tiến hành quy hoạch diện tích trồng khai thác chế biến cho phù hợp đảm bảo mục tiêu bảo tồn rừng, lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển kinh tế và bền vững về xã hội và môi trường.

+ Phát triển khuyến lâm có sự tham gia của người dân: Cần phát triển lâm nghiệp cho người dân gần rừng, cần khuyến lâm để phát triển lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ, thị trường cho người dân. Công tác khuyến nông, khuyến lâm cần cải tiến cách tiếp cận theo hướng người dân phải là chủ thể trong mọi hoạt động, công nghệ và kỹ thuật chuyển giao phải xuất phát từ nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân.

3.2.1.5. Phát triển các ngành nghề phụ trong nông thôn

Chúng ta thấy rằng các hộ gia đình Định Hoá có điều kiện thuận lợi về lực lượng lao động, nhưng lại không có nhiều ngành nghề phụ để giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, Định Hoá cũng có nhiều những nguồn nguyên liệu thuận lợi cho việc phát triển ngành nghề như: cọ, tre, lứa, lá, khai thác đá, đất sét… chính vì vậy, nhân rộng các ngành nghề hiện có trong huyện tới các địa phương có điều kiện thuận lợi về phát triển nghề là giải pháp hữu hiệu để tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho hộ nông dân. Các ngành nghề phụ trong nông thôn có thể mở rộng như: Ngành nghề làm mành, làm cót, làm gạch, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến chè và các nông sản hàng hoá khác…

Huyện cần có chính sách hỗ trợ trong việc cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật ngành nghề cho các hộ nông dân, đặc biệt là những hộ nghèo.

3.2.1.6 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn hợp lý chính là giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo. Đối với huyện Định Hoá, cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn chuyển dịch vẫn phải theo xu hướng chung là giảm dần tính chất thuần nông, cụ thể giảm tỷ trọng của ngành sản xuất nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng của ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Đối với nông nghiệp, phải tăng dần tỷ trọng của ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Đối với trồng trọt, giữ vững phát triển lúa hiện nay, phát triển ngô nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn gia súc, đồng thời tăng tỷ trọng của ngành chè và cây ăn quả.

Đối với kinh tế nông thôn, phải tăng nhanh tỷ trọng của các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp để vừa tận dụng được nguyên liệu sẵn có của địa phương, vừa giải quyết được việc làm tại chỗ cho người dân.

Một phần của tài liệu Nghèo đói và các nhân tố tác động tới nghèo đói tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007 đến 2011 (Trang 104 - 108)