Là cơ quan trong hệ thống cơ quan tư pháp, Toà án có những đặc thù khác so với các cơ quan khác trong hệ thống này.
- Toà án khác với cơ quan lập pháp và hành pháp ở chỗ không hoạch định chính sách kinh tế - xã hội mà có chức năng giải quyết các vấn đề rất cụ thể, những sự kiện cụ thể trong đời sống xã hội. Vì vậy, cách thức tổ chức và hoạt động của Tòa án khác với cơ quan lập pháp và hành pháp. Toà án thực hiện việc áp dụng pháp luật, đưa việc thực hiện quyền lực tư pháp vào cuộc sống. Bởi vì thông qua quyền lực tư pháp mà pháp luật tác động đến những quan hệ xã hội. Những người làm công tác xét xử phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý rất cao, đủ khả năng để giải quyết các vấn đề phức tạp như xác định tội phạm và người phạm tội, áp dụng hình phạt, phán quyết các tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức.
- Lao động xét xử là lao động sáng tạo trong áp dụng pháp luật, đòi hỏi tư duy ở trình độ cao của người Thẩm phán. Họ phải tiếp cận với một hệ thống đồ sộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kể cả pháp luật của các quốc gia khác khi có liên quan và cả pháp luật quốc tế.
- Lao động xét xử luôn luôn bị giới hạn bởi những quy định khắt khe của pháp luật tố tụng về chứng cứ, về thời hạn, về độ chính xác của bản án, quyết định.
- Việc xét xử phải tuân theo những nguyên tắc Hiến định cũng như nguyên tắc tố tụng. Các Toà án về nguyên lý không tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất mà tổ chức thành từng cấp, độc lập với nhau khi xét xử. Trong số các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Toà án thì nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật chiếm vị trí đặc biệt và là nguyên tắc rất đặc trưng.
Hệ thống tư pháp ở Việt Nam không chỉ có Toà án mà còn bao gồm các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thi hành án và các cơ quan tổ chức bổ trợ tư pháp. Trong đó, Toà án có vị trí trung tâm trọng hoạt động tư pháp và xét xử là hoạt động trọng tâm.
- Trong quá trình xét xử, Toà án cần phải sử dụng toàn bộ kết quả của các giai đoạn tố tụng trước. Nói cách khác, hoạt động của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đều nhằm mục đích cuối cùng phục vụ cho công tác xét xử của Toà án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nếu kết quả các giai đoạn tố tụng trước không tốt sẽ ảnh hưởng tới phán quyết của Thẩm phán.
- Toà án là cơ quan duy nhất có quyền nhân danh Nhà nước ra phán quyết về một vụ án cụ thể. Đây không phải là phán quyết của một cá nhân nào đó cũng không phải là phán quyết của bản thân Toà án mà là phán quyết thể hiện trực tiếp thái độ của Nhà nước đối với các vụ án cụ thể. Thái độ ấy chỉ căn cứ vào pháp luật, áp dụng phù hợp với từng vụ án cụ thể để xác định trách nhiệm pháp lý đưa ra chế tài thích hợp cho từng trường hợp. Như vậy hoạt động xét xử phản ánh trực tiếp và sâu sắc bản chất của Nhà nước. Vì thế đòi hỏi xét xử phải chính xác, công minh trong việc vận dụng và áp dụng pháp luật, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Các bản án, quyết định xét xử của Toà án là nhân danh Nhà nước, thể hiện hiệu lực của Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước phải gánh chịu trách nhiệm về sự không chính xác hoặc sai lầm của những bản án hay quyết định đó gây ra.
- Hoạt động xét xử của Toà án là nhằm đưa ra phán quyết cuối cùng dứt khoát đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực quan trọng nhất như tự do, danh dự, tài sản, nhân thân và cả tính mạng của con người. Có thể nói sau bản án và quyết định có hiệu lực của Toà án không còn một hình thức pháp lý nào để người dân thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì thế, bản án là kết quả của hoạt động xét xử không được để lại sự nghi ngờ nào cho cá nhân và xã hội về việc thiếu công bằng của pháp luật.
- Xét xử có vai trò rất lớn trong việc giáo dục công dân. Bằng việc xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội, đúng pháp luật chẳng những có tác dụng trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội mà còn góp phần phòng ngừa tội phạm. Quá trình xét xử đồng thời cũng là quá trình giáo dục. Hoạt động
xét xử là hoạt động bảo vệ pháp luật, chủ yếu làm sáng tỏ hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.
Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, vai trò của Toà án lại càng được khẳng định. Vì Toà án chính là cơ quan thực thi quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước và việc thực thi quyền này lại ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu và các giá trị của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Toà án là nơi thể hiện nền công lý của chế độ, đồng thời thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của cả hệ thống tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Do đó, cải cách Toà án còn được coi là khâu đột phá trong cải cách tư pháp ở giai đoạn hiện nay.