0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (107 trang)

Thời kỳ từ năm 1945 đến năm

Một phần của tài liệu ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA THẨM PHÁN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRƯỚC YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP LUẬN VĂN THS LUẬT (Trang 39 -43 )

Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy chế độ thực dân phong kiến bị xoá bỏ, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Đó là các Sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945 và Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946 về thành lập các Toà án quân sự; Sắc lệnh ngày 10/10/1945 về tổ chức các đoàn luật sư; Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức các Toà án và ngạch thẩm phán,...

Trong các văn bản pháp luật nêu trên, lần đầu tiên ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nước ta, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng; địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, của người bào chữa và các chủ thể tham gia tố tụng khác; trình tự và thủ tục tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Đặc biệt là Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/1/1946 là văn bản pháp lý đầu tiên quy định một cách đầy đủ và tương đối hoàn chỉnh về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong xét xử các vụ án hình sự. Các văn bản pháp luật này là một bước ngoặt lớn trong lịch sử lập pháp của nước ta với một nền tư pháp nhân dân của chế độ mới.

Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 đã thiết lập hệ thống Toà án gồm: Toà án sơ cấp, Toà án đệ nhị cấp và Toà thượng thẩm. Thẩm phán được chia làm hai ngạch: Thẩm phán sơ cấp làm việc ở Toà sơ cấp, Thẩm phán đệ nhị cấp làm việc ở Toà đệ nhị cấp và Toà thượng thẩm. Các Thẩm phán đệ nhị

cấp lại chia thành hai loại: Thẩm phán xét xử và Thẩm phán buộc tội. Thẩm phán xét xử có thể được chuyển sang làm Thẩm phán buộc tội và ngược lại.

Theo Sắc lệnh này, Thẩm phán có quyền hạn rất lớn trong xét xử. Mặc dù quy định về sự tham gia của Phụ thẩm "khi xét xử ngoài Chánh án chủ toạ phiên toà còn có hai phụ thẩm" nhưng quyền hạn của Phụ thẩm còn hạn chế "ông Chánh án hỏi ý kiến của Phụ thẩm về tội trạng các phạm nhân và về hình phạt rồi tự mình quyết định"(điều 27 sắc lệnh 13).Thẩm phán là người

quyết định sau khi hỏi ý kiến của Phụ thẩm. Ngoài ra, Chánh án còn có quyền tuyên phạt đối với hai Phụ thẩm. Trong thời kỳ này, nguyên tắc Toà án xét xử tập thể và biểu quyết mới chỉ manh nha xuất hiện thông qua phiên toà đại hình. Điều 31 Sắc lệnh quy định:"sau khi nghe các bị can, người làm chứng,

cáo trạng của ông biện lý và sau cùng nghe lời bàn cãi của các bị can, ông Chánh án, hai Thẩm phán và hai Phụ thẩm nhân dân lui vào phòng nghị án để cùng xét xử về tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng, hình phạt, trường hợp tăng tội, giảm tội".

Ngoài ra, Sắc lệnh 51/SL ngày 17/4/1946 còn quy định về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán như: "ông Chánh án chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ điều khiển cuộc thẩm vấn và bảo vệ trật tự phiên toà", "ông Chánh án nếu cần có thể mở phiên toà ngoài trụ sở của Toà án, nơi cách xa toà", "mỗi khi tuyên án tử hình, Chánh án bắt buộc phải báo cho tội nhân biết rằng hắn có quyền xin ân giảm và hỏi hắn có muốn đệ đơn xin không".

Những quy định về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong thời kỳ đầu của Nhà nước ta là cơ sở ban đầu cho việc hoàn thiện hoạt động xét xử sau này. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946) đã ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước ta, trong đó bao gồm cả các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Đó là các nguyên tắc: các phiên toà đều phải công khai, trừ những trường hợp

đặc biệt; trong khi xét xử các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp,. Sắc lệnh 13 và Hiến pháp 1946 đã xác định Toà án là cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, giữ một vị trí độc lập trong tổ chức bộ máy nhà nước.

Đến tháng 5 năm 1950, Nhà nước ta thực hiện cuộc cải cách tư pháp đầu tiên. Sắc lệnh 85/SL được ban hành Toà án có sự thay đổi, Phụ thẩm nhân dân đổi thành Hội thẩm nhân dân. Trong xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

Sau khi giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1954, nước ta bước vào một giai đoạn mới cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miềm Nam tiến tới thống nhất đất nước. Những thay đổi cơ bản của đất nước và xã hội đòi hỏi cần phải có các văn bản pháp luật mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh. Hiến pháp năm 1959 và các văn bản pháp luật khác của Nhà nước ta nói chung và văn bản pháp luật tố tụng hình sự nói riêng được ban hành trong thời gian này đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội theo hướng dân chủ hoá các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 14/7/1960. Theo Luật này thì hệ thống Toà án gồm có: Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân địa phương, các TAQS. Trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội thành lập các Toà án đặc biệt. Nhiệm vụ của công tác xét xử trong thời kỳ này là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, bảo vệ trật tự xã hội, tài sản công cộng và quyền lợi hợp pháp của nhân dân góp phần đảm bảo sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Tuy nhiên, thời kỳ này chưa có văn bản tố tụng nào quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán. Song qua các văn bản pháp luật đó chúng ta cũng

xác định được địa vị của Thẩm phán trong tố tụng. Điều này được thể hiện ở các nguyên tắc tố tụng như: sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Toà án trong đó có Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân. Hội thẩm khi tham gia xét xử ngang quyền với Thẩm phán; Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, Thẩm phán theo chế độ bầu. Đặc biệt thông qua trình tự xét xử hình sự tại Bản hướng dẫn về trình tự xét xử sơ thẩm về hình sự được ban hành kèm theo thông tư 16 - TATC ngày 27/9/1974 của TANDTC, có thể thấy rõ về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong phiên toà. Tại phiên toà sơ thẩm, chủ toạ phải kiểm tra căn cước của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có trách nhiệm bồi thường và những người có tài sản, quyền lợi liên quan đến việc phạm pháp; giải thích quyền và nghĩa vụ để những người tham gia tố tụng biết; giới thiệu thành viên HĐXX, đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa, người phiên dịch, thư ký phiên toà; phải đảm bảo phần xét hỏi, tranh luận và giữ gìn trật tự phiên toà. Tại phần xét hỏi, chủ tọa hỏi trước, các Hội thẩm hỏi bổ sung. ở phần nghị án, HĐXX cùng thảo luận và biểu quyết theo đa số. Thẩm phán chủ tọa phiên toà sẽ tuyên đọc bản án.

Bằng bản hướng dẫn này, hoạt động của Thẩm phán trong việc giải quyết vụ án hình sự đã được hướng dẫn chi tiết và thống nhất trong phạm vi cả nước. Các quy định này hầu như được giữ nguyên khi ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988.

Như vậy, vị trí trung tâm trong xét xử của Thẩm phán đã được khẳng định. Thẩm phán là người điều khiển phiên toà với nhiều trọng trách vừa chứng minh tội phạm, vừa quyết định hình phạt, vừa đảm bảo phiên toà diễn ra đúng luật định. Thẩm phán còn phải giúp Hội thẩm nắm được pháp luật, đường lối, chính sách, đồng thời phải tích cực phát huy vai trò của Hội thẩm khi tham gia phiên toà.

Một phần của tài liệu ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA THẨM PHÁN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRƯỚC YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP LUẬN VĂN THS LUẬT (Trang 39 -43 )

×