Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự 1 Nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp luận văn ths luật (Trang 52 - 56)

2.2.1.1. Nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Đây là nguyên tắc chủ đạo của Toà án không chỉ đối với những vụ án hình sự mà còn đối với những loại án khác. Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi phải có đội ngũ Thẩm phán có năng lực, có đầy đủ các tiêu chuẩn và có phẩm chất đạo đức chính trị tốt. Trên thực tế, đã có rất nhiều Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc này. Mặc dù trong HĐXX số lượng Hội thẩm luôn chiếm đa số song không phải vì thế mà mất đi tính độc lập của Thẩm phán. Với trình độ môn nghiệp vụ trong mọi tình huống Thẩm phán luôn giữ vai trò chủ động để có thể vận dụng pháp luật bảo vệ ý kiến đúng đắn của mình

Tuy nhiên hiện nay, vì những lý do chủ quan và khách quan mà nguyên tắc này chưa được thực hiện một cách triệt để. Qua phỏng vấn sâu 280 cán bộ tư pháp, Kiểm sát viên và qua các cuộc toạ đàm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, có thể thấy đây là vấn đề có nhiều ý kiến nhất. Có 135/280 người được hỏi cho rằng các quy định của pháp luật về độc lập xét xử còn chồng chéo và mâu thuẫn; 173/280 ý kiến cho rằng nguyên tắc này chưa được thực hiện tốt trong thực tế; 36 ý kiến cho rằng Toà án xét xử đã theo đúng nguyên tắc độc lập. Như phân tích tại phần trên, Toà án phải chịu sự lãnh đạo của Đảng thông qua đường lối chính trị và việc tổ chức cán bộ. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán. Chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng hiện nay còn xảy ra tình trạng Cấp uỷ Đảng và Toà án cấp trên trực tiếp chỉ đạo một số vụ án cụ thể. Có trường hợp do tình hình chính trị tại địa phương trong từng giai đoạn nhất định mà Cấp uỷ đòi hỏi việc xét xử hình sự phải theo hướng nghiêm khắc hơn đối với một số loại tội phạm cụ thể. Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Và như vậy, sự độc lập của Thẩm phán sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, sự lãnh đạo của Đảng còn thể hiện qua khâu tổ chức cán bộ. Các Thẩm phán bổ nhiệm mới hay tái bổ nhiệm đều phải có ý kiến của Ban thường vụ Cấp uỷ cùng cấp. Thông qua việc quản lý đảng viên và công tác kiểm tra đảng nhiều lúc cán bộ cấp uỷ đã có tác động gián tiếp đến hoạt động

xét xử của Thẩm phán. Nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm kể từ khi được bổ nhiệm. Khi tiến hành làm thủ tục tái bổ nhiệm, quy trình là phải có sự tín nhiệm của cơ quan, có nhận xét của Cấp uỷ và Hội đồng nhân dân cùng cấp, có sự nhất trí của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cấp trên. Điều này cũng đã ràng buộc Thẩm phán vì trong quá trình hoạt động xét xử của mình, Thẩm phán cần tạo dựng những mối quan hệ hợp lý để tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, cá nhân khác.

Cũng còn phải thừa nhận một tình trạng chung là việc thỉnh thị án hay chỉ đạo án vẫn còn diễn ra ở mức độ nhất định và đây là biểu hiện vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử. Đây là một lề lối làm việc đã tồn tại từ nhiều năm trước (khi đội ngũ Thẩm phán đa số chưa được đào tạo cơ bản nhưng được tuyển vào làm việc ở ngành Tòa án), nay đã giảm nhiều những vẫn chưa chấm dứt. Điều đó có thể làm cho hoạt động xét xử không đạt được mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, việc giao cho TANDTC quản lý TAND địa phương về mặt tổ chức và việc Chánh án TAND tỉnh được Chánh án TANDTC ủy quyền thực hiện một số hành vi quản lý về tổ chức, cán bộ đối với TAND huyện, nghĩa là giữa Tòa án các cấp không chỉ tồn tại quan hệ tố tụng mà còn cả quan hệ hành chính, điều hành, chấp hành thì nguyên tắc độc lập xét xử càng khó thực hiện hơn.

Toà án không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu không có sự phối hợp với các cơ quan khác. Sự hỗ trợ này thể hiện khi các cơ quan này có sự hiểu biết về vướng mắc mà các Toà án gặp phải trong quá trình xét xử. Vì vậy, hàng năm Toà án vẫn duy trì công tác rút kinh nghiệm các bản án bị cải sửa huỷ hay thông qua công tác giám đốc án, để có những định hướng xét xử đúng đắn và đảm bảo mặt bằng chung trong phạm vi cả nước. Hay ngay trong nội bộ Toà án, cũng có khi Thẩm phán được phân công xét xử một vụ án cụ thể nào đó gặp phải một số khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Khi đó việc trao đổi với lãnh đạo Toà án với tư cách là người có kinh nghiệm hơn về chuyên môn nghiệp vụ và là người chịu trách nhiệm chung về hoạt động xét

xử của Toà án là điều không có gì làm sai trái. Nhưng nếu những ý kiến đóng góp lại quá trực tiếp và cụ thể hoặc là duyệt bản án do Thẩm phán dự kiến thì lại là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử.

Việc xác định là vi phạm hay không vi phạm là một ranh giới mong manh. Và điều quan trọng chính là ý thức trách nhiệm của từng Thẩm phán. Thẩm phán phải nhận thức sâu sắc về quyền và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ với các cá nhân, cơ quan tổ chức khác.

Nguyên tắc độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm còn bị ràng buộc bởi mối quan hệ giữa họ với những người tham gia tố tụng khác. Thẩm phán cũng là con người bình thường với bao nhiêu mối quan hệ xã hội, gia đình, bạn bè. Nhiều khi các mối quan hệ này không thuộc những trường hợp bị thay đổi vì thế khi xét xử xong, Thẩm phán bị những lời chì trích của họ hàng, làng xóm xung quanh, cho dù bản án đó là hoàn toàn đúng luật. Vì vậy, có khi gặp các trường hợp tế nhị này, để đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình Thẩm phán thường nương tay quá mức cần thiết để tránh dư luận phản ứng.

Hoạt động xét xử của Toà án luôn mang tính chất tập thể. HĐXX ít nhất cũng là 3 người. Thẩm phán và Hội thẩm là thành phần của HĐXX, cùng biểu quyết để đi đến kết luận một người có tội hay không có tội. Tuy nhiên, trình độ hiểu biết pháp luật của Hội thẩm còn yếu so với nhu cầu đặt ra. Vì hầu hết họ không được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật mà chỉ sau khi được bầu họ mới được tâp huấn một thời gian ngắn. Hơn nữa, do yêu cầu của công việc chuyên môn, không có điều kiện cập nhật kiến thức pháp lý là điều hiển nhiên. Nên việc xét xử đưa ra phán quyết đối với họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống chứ chưa hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật. Và như vậy, trình độ chuyên môn cũng ảnh hưởng phần nào đến tính độc lập xét xử của họ. Chế độ đãi ngộ đối với Hội thẩm chưa thật sự thoả đáng cũng ảnh hưởng đến sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của họ.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử trong đó có yếu tố về pháp luật và về con người.

Hiện nay các quy định của pháp luật chưa đầy đủ và cụ thể hoá về nguyên tắc này. Một vài quy định tố tụng lại hạn chế quyền của Toà án, đặt Toà án vào vị trí phụ thuộc các cơ quan tố tụng khác. Như Toà án chỉ được xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử. Theo quy định trên thì trong gian đoạn chuẩn bị xét xử, nếu thấy hành vi của bị cáo phạm tội danh nặng hơn, Thẩm phán phải ra quyết định yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Nếu Viện kiểm sát vẫn không đổi tội danh thì Thẩm phán có thể kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên. Nếu Viện kiểm sát cấp trên vẫn thống nhất ý kiến với Viện kiểm sát cấp dưới thì Toà án không được xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn. Rõ ràng quy định này đã hạn chế tính độc lập và tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm.

Như vậy, có thể nói chúng ta đã quy định tốt về nguyên tắc độc lập xét xử nhưng lại chưa thực hiện tốt nguyên tắc này.

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp luận văn ths luật (Trang 52 - 56)