Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp luận văn ths luật (Trang 59 - 63)

theo tinh thần cải cách tư pháp

Theo tinh thần cải cách tư pháp "nâng cao chất lượng tranh tụng tại các

phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp", các Toà án

đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Phán quyết của Thẩm phán đã bảo đảm khách quan, nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình. Thẩm phán điều khiển phiên toà đảm bảo nâng cao chất lượng tranh tụng dân chủ giữa Kiểm sát viên với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác; từng bước khắc phục việc xét xử oan, đảm bảo thời hạn xét xử theo quy định; tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án bị sửa, hủy đã giảm theo từng năm; việc kết án oan, sai cũng từng bước được hạn chế.

Về hình thức, các phiên tòa được tổ chức chặt chẽ, bảo đảm tính trang nghiêm, đúng quy định của pháp luật. Tòa án đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Luật sư tham gia vào quá trình xét xử các vụ án (cấp giấy chứng nhận người bào chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án).

Về thủ tục bắt đầu phiên toà: HĐXX đã thực hiện đúng và đầy đủ quy định của BLTTHS về trình tự, thủ tục phiên toà bảo đảm sự trang nghiêm; tạo mọi điều kiện thuận lợi đảm bảo để những người tham gia tố tụng thực hiện

tốt các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; giải quyết có căn cứ các yêu cầu của những người tham gia phiên toà (như đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; yêu cầu mời Luật sư bào chữa; triệu tập thêm người làm chứng,...).

Về kỹ năng xét hỏi và điều khiển quá trình xét hỏi: Các Chủ toạ phiên toà đã tiến hành xét hỏi và điều khiển quá trình xét hỏi bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS. Nội dung xét hỏi, phạm vi và phương pháp xét hỏi đã được các Thẩm phán chuẩn bị chu đáo và có nhiều tiến bộ. Việc xét hỏi đã bám sát quá trình diễn biến tại phiên toà, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh và tạo điều kiện thuận lợi và sự bình đẳng giữa bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra các chứng cứ, tài liệu, yêu cầu nhằm bảo vệ tốt các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Về cơ bản tình trạng ép cung, mớm cung và xét hỏi mang tính chất hình thức đã được khắc phục.

Kỹ năng điều khiển quá trình tranh luận tại phiên toà: Chủ tọa phiên tòa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến của mình, hướng quá trình tranh tụng của các bên tập trung vào các vấn đề cần giải quyết trong vụ án bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Chủ toạ phiên toà và các thành viên HĐXX đã chú ý theo dõi, ghi chép ý kiến của các bên, phát hiện kịp thời những vấn đề còn có quan điểm khác nhau mà chưa được các bên đối đáp để yêu cầu Kiểm sát viên, Luật sư và những người tham gia tranh tụng khác thể hiện rõ quan điểm của mình.

Nghị án và ra các phán quyết về vụ án: Khi nghị án, Chủ toạ phiên toà đã phát huy được tinh thần dân chủ và trách nhiệm của các thành viên HĐXX, bảo đảm nguyên tắc “khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tiễn xét xử, hoạt động xét xử của Thẩm phán còn một số điểm tồn tại, vướng mắc. Thứ nhất, hiện nay chưa có cách hiểu thống nhất thế nào là tranh tụng, tranh tụng diễn ra ở giai đoạn nào trong toàn bộ quá trình tố tụng. Từ các quy định của pháp luật tố tụng cho đến hành động thực tiễn của các cơ quan tư pháp đều chưa thể hiện đúng vị trí cần có của mỗi cơ quan, chức danh tư pháp trong quá trình xét xử để đảm bảo tranh tụng. Ví dụ: quy định về trình tự xét hỏi, tranh luận chưa thể hiện yêu cầu Tòa án phải có vai trò khách quan, công bằng và vô tư của một vị “trọng tài” đứng giữa phán xét chứng cứ do các bên tham gia tranh tụng đưa ra cũng chưa yêu cầu Viện kiểm sát phải có nghĩa vụ tham gia tranh luận một cách bình đẳng với tư cách là một bên tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự. Do đó, trên thực tế, nhiều HĐXX, nhất là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vẫn điều hành phiên tòa chủ yếu theo cách thức thẩm vấn, xét hỏi thiên về buộc tội, áp đặt trên cơ sở hồ sơ điều tra, truy tố, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa chưa coi việc tranh luận là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên chỉ tranh luận chiếu lệ thậm chí không tranh luận và theo xu hướng giữ nguyên nội dung cáo trạng “cho an toàn”. Trong một số vụ án do chủ quan trong nghiên cứu hồ sơ và không làm tốt các công tác chuẩn bị khác cho việc xét xử nên một số Chủ tọa phiên tòa bị động, lúng túng trong quá trình điều khiển phiên toà nhất là các vụ án có nhiều Luật sư tham gia. Có trường hợp HĐXX không đảm bảo cho các bên tham gia tranh tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật, thậm chí cá biệt “bỏ quên” không cho họ trình bày ý kiến tranh luận. Vì vậy, chất lượng xét xử hạn chế, sức thuyết phục của bản án chưa cao. Theo khảo sát của đề tài KX 04.06 cho thấy 115/280 ý kiến được hỏi cho rằng không tin phán quyết của Tòa án là công minh.[6, 168].

Thứ hai, theo điều 10 BLTTHS năm 2003 quy định trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó bao gồm cả Tòa án cũng là điều phải xem xét lại vì khi đó Tòa án sẽ không đóng vai trò là một cơ quan “trọng tài” phán xử những sự việc liên quan tới vụ án một cách khách quan, vô tư nữa. Rõ ràng khi được giao nhiệm vụ chứng minh tội phạm, tâm lý đương nhiên của người được giao nhiệm vụ là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao- tức là chứng minh tội phạm. Thêm vào đó, việc các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã hoàn thành hồ sơ vụ án theo hướng buộc tội cũng đồng thời là hướng Tòa án phải theo trong khi tiến hành phiên tòa làm cho Tòa án có phần nào thiên về ý kiến của Viện kiểm sát hơn là ý kiến của bên bị cáo. Đó là chưa nói đến một chi tiết đã được đề cập ở trên là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trong tay cả một bộ máy để điều tra, truy tố; trong khi để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, người bào chữa có rất ít quyền điều tra, thu thập chứng cứ cũng như điều kiện thực tế để thực hiện quyền này. Có thể thấy rõ ràng rằng việc hồ sơ truy tố đầy đủ, chi tiết và có sức nặng hơn so với những lập luận và hồ sơ bào chữa của người bào chữa là điều đương nhiên. Và điều này cũng tác động về mặt tâm lý đối với quyết định cuối cùng của HĐXX. Do đó, để thực hiện triệt để hơn nguyên tắc tranh tụng cần sửa đổi, bổ sung các quy định về tố tụng theo hướng trao nghĩa vụ chứng minh cho các bên tranh tụng chứ không phải cho Tòa án.

- Chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là đúng đắn nhưng việc triển khai thực hiện đôi khi còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm các bản án, phán quyết của Tòa án chủ yếu phải dựa vào kết quả tranh

tụng dân chủ tại phiên tòa. Tư duy, tác phong công tác, kỹ năng và trình độ

tranh tụng của nhiều Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư còn hạn chế chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Một bộ phận Thẩm phán còn hạn chế về năng lực, chậm đổi mới về nhận thức, tinh thần

trách nhiệm chưa cao, thậm chí một số sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Toà án tuy đã có những cố gắng nhất định nhưng tiến hành còn chậm và chưa đồng bộ nên hiệu quả không cao.

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp luận văn ths luật (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)