Sự ảnh hưởng của Nhà nước, ý chí giai cấp, pháp luật, đường lối chính sách của Đảng cầm quyền,... đều ảnh hưởng tới quá trình hình thành địa vị pháp lý của Thẩm phán. Quyền lực nhà nước là một thể thống nhất của ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Quyền tư pháp là nhánh quyền lực độc lập với quyền lập pháp, hành pháp và đồng nghĩa với quyền xét xử do Toà án thực hiện. Do đó vị trí, vai trò của Toà án nói chung
cũng như của Thẩm phán nói riêng phụ thuộc vào quan điểm tư tưởng chỉ đạo của giai cấp cầm quyền. Ví dụ như ở Mỹ, ba nhánh quyền lực này luôn đối trọng và kìm chế lẫn nhau, sự phân quyền diễn ra mạnh mẽ. Toà án thực sự giữ vai trò kìm chế đối với các nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp. Toà án có quyền kiểm soát tính hợp hiến của luật. "Ngay kể cả Tổng thống và Quốc hội cũng không được hỏi Toà án tối cao về cách giải thích một đạo luật hay một dự án luật nếu như việc này không nằm trong trường hợp của một vụ kiện cụ thể"[9, tr 62]. Theo cơ chế đối trọng, Tổng thống Mỹ cũng phải chịu
trách nhiệm trước vành móng ngựa của Toà án. Người Mỹ đề cao vai trò của Toà án trong tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước của mình. “Tiếng nói của
Toà án là tiếng nói cuối cùng, sự giải thích của Toà án về Hiến pháp có giá trị hơn quan điểm của Quốc hội và Tổng thống” [9, tr 68]. Chính vì vai trò
quan trọng đó của Toà án nên địa vị của Thẩm phán trong pháp luật Mỹ rất được coi trọng. Người ta coi Thẩm phán là một nghề cao quý trong xã hội.
"Luật gia được trọng dụng nhất ở Anh là Thẩm phán" [27, tr96). Các Thẩm
phán thường được chỉ định trong số các luật sư nổi tiếng. Nói chung các Thẩm phán Toà án tư sản thường được bổ nhiệm với những nhiệm kỳ khá dài, thậm chí có những nước thực hiện chế độ bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời nếu không phạm tội. ở Pháp, Thẩm phán có quyền bất khả bãi miễn.[15, tr 145]. Thẩm phán úc được bổ nhiệm suốt đời, không ai có thể cách chức Thẩm phán trừ khi họ vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp và đạo đức. Việc bãi nhiệm Thẩm phán phải được đưa ra Quốc hội tiểu bang hoặc Liên bang với đa số tán
thành thì mới được bãi nhiệm.[15, tr 144]. ở Pháp, Thẩm phán được bảo vệ
trước mọi sự đe doạ và tấn công khi làm nhiệm vụ. Nhà nước phải bồi thường thiệt hại trực tiếp cho Thẩm phán nếu có những trường hợp mà pháp luật về bảo vệ không quy định. Thẩm phán không bị điều động sang bất kỳ công việc nào khác trừ trường hợp làm nghĩa vụ quân sự.[15, tr 145]. Đó là những
quyền lợi mà Thẩm phán tư sản được hưởng tương ứng với vị trí vai trò của Thẩm phán trong xã hội.
Cách thức tổ chức quyền lực nhà nước còn ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của Thẩm phán thông qua sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong xét xử. Trong hoạt động xét xử của mình, các Thẩm phán phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xét xử được quy định trong luật tố tụng của từng quốc gia. Điều này là nhằm bảo về công lý cho xã hội, tránh sự lợi dụng quyền lực của chính các Thẩm phán và cũng như để cho Thẩm phán tránh được mọi áp lực từ phía các quan chức nhà nước. Mặc dù nhà nước XHCN áp dụng nguyên tắc thống nhất quyền lực nhưng cũng thừa nhận sự độc lập xét xử của toà án. Sự độc lập của Toà án trong nước XHCN có những điểm khác so với sự độc lập trong nhà nước tư sản. Đối với chế độ phân quyền tư sản, Toà án có thể tài phán về hành vi của Quốc hội. Như vậy, Toà án ở một vị thế ngang bằng với Quốc hội thì mới có thể tài phán về hành vi của Quốc hội. ở các nước XHCN, quyền lực nhà nước được cấu trúc theo hình chóp. Đỉnh trên cùng là Quốc hội, Toà án ở vị thế thấp hơn nên không có quyền tài phán về hành vi của Quốc hội. Theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, Quốc hội là cơ quan cao nhất nên không thể có cơ quan nào đứng trên. Tương ứng với sự khác biệt đã phân tích ở trên với hai hệ thống Toà án thì vị trí của Thẩm phán đối với từng hệ thống cũng có sự khác biệt về địa vị pháp lý. Việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án liên bang Mỹ do Tổng thống bổ nhiệm và có sự phê chuẩn của Thượng Nghị viện.[9, tr 74]. Quyền bổ nhiệm Thẩm phán được giao cho
cả ngành lập pháp và ngành hành pháp đã tạo ra một sự kiểm soát lẫn nhau trong việc bổ nhiệm Thẩm phán. Nếu như giao phó quyền này cho hành pháp hoặc lập pháp thì các ứng cử viên Thẩm phán thậm chí ngay cả các Thẩm phán sẽ phải lệ thuộc một trong hai ngành này. Kết quả là tư pháp sẽ phải phụ thuộc một trong hai ngành và khi đó sẽ không còn sự độc lập của tư pháp. Trong tác phẩm "Tinh thần của luật pháp", Mongtexkio viết: sẽ không có tự
do nếu quyền xét xử không được phân biệt với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền xét xử được sáp nhập vào quyền lập pháp thì sẽ không có tự do. Nếu quyền xét xử được sáp nhập vào quyền hành pháp thì thẩm phán sẽ
trở thành những kẻ áp bức.[17, tr84]. Khác với các nước tư sản, Thẩm phán ở
các nước XHCN trước đây thực hiện theo chế độ bầu cử, bởi vì nó gắn liền
với tổ chức bộ máy nhà nước hoạt động theo cơ chế chủ tịch tập thể ra quyết định dưới hình thức nghị quyết"[28, tr 58]. ở nước ta, chế độ bầu cử Thẩm
phán được thực hiện từ 1960 - 1992. Pháp luật quy định Hội đồng nhân dân cấp nào thì bầu ra Thẩm phán Toà án nhân dân ở cấp đó. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật của Việt Nam đã quy định chế độ bổ nhiệm thẩm phán. Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán TANDTC và TAQS Trung ương, còn Chánh án TANDTC bổ nhiệm Thẩm phán các cấp còn lại.
Như vậy, có thể nhận thấy Thẩm phán là vị trí trung tâm trong hoạt động tư pháp nên không thể tách rời nguyên tắc tổ chức quyền lực của mỗi quốc gia. Theo chúng tôi đây chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của Thẩm phán.