Công bố tất cả những bản án đã xét xử một cách rộng rã

Một phần của tài liệu MỘT số GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG mại tại tòa án NHÂN dân cấp HUYỆN (Trang 108 - 112)

b) Thủ tục rút gọn sẽ được quy định như sau:

3.4.2 Công bố tất cả những bản án đã xét xử một cách rộng rã

Công khai bản án là một trong những yêu cầu của nền tư pháp minh bạch. Việc công khai bản án đem lại những lợi ích sau đây:

Thứ nhất, việc công bố bản án sẽ củng cố việc áp dụng thống nhất pháp luật.

Trong thực tế, rất nhiều vấn đề pháp lý chưa được rõ ràng nhưng Tòa án vẫn phải giải quyết. Ở đó, thường có nhiều quan điểm khác nhau và các Thẩm phán có thể đưa ra những phán quyết không thống nhất. Xin trích một ví dụ trong thực tiễn xét xử để minh họa, đó là việc tính lãi đối với khoản tiền do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Bản án số 08/2008/KD – TM của TAND quận Hai Bà Trưng đã xử buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn và kèm theo khoản lãi phát sinh do chậm nghĩa vụ thanh toán. Khoản lãi này được tính bằng cách lấy lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương tương ứng với thời gian chậm thanh toán nhân với số tiền chậm thanh toán. Tuy nhiên, cũng tại TAND quận Hai Bà Trưng, Bản án số 02/2009/DSST lại có cách tính lãi khác. Lãi chậm thanh toán được tính bởi lãi suất do Ngân hàng trung ương công bố tại thời điểm xét xử nhân với khoản tiền chậm thanh toán. Hai cách làm trên đều được cấp phúc thẩm chấp nhận.

Như vậy, rõ ràng hai vụ việc khác nhau, nhưng giải pháp lại khác nhau. Việc công bố các bản án sẽ giúp các luật gia thấy được sự không thống nhất để từ đó tìm ra hướng giải quyết chung.

Thứ hai, việc công bố bản án có lợi cho công tác lập pháp.

Trên thực tế, khi xây dựng một quy phạm pháp luật, các nhà làm luật thường xuất phát từ một hoàn cảnh pháp lý cụ thể. Trong khi đó một bản án cho biết một hoàn cảnh pháp lý cụ thể và giải pháp tương ứng của Tòa án. Do vậy, việc công bố bản án cho phép nhà lập pháp biết thực trạng pháp luật của nước

mình và đánh giá tính hợp lý của quy phạm ghi nhận trong bản án được công bố đối với một hoàn cảnh pháp lý cụ thể.

Thứ ba, việc công bố bản án sẽ làm tăng chất lượng của các Thẩm phán, các luật gia

Nó tạo cho công tác xét xử minh mạch hơn, sẽ làm giảm hiện tượng Thẩm phán tùy tiện trong hoạt động tố tụng. Nó sẽ làm giảm hiện tượng một vấn đề pháp lý hôm nay được giải quyết thế này trong một bản án và ngày mai được giải quyết khác trong một bản án khác. Khi biết rằng bản án của mình sẽ được công bố, các Thẩm phán sẽ thận trọng hơn, nghiêm túc hơn khi xét xử và viết án.

Việc công bố bản án không chỉ góp phần vào củng cố chất lượng của Thẩm phán mà cả của học sinh, sinh viên, những người nghiên cứu pháp luật. Bản án được công bố sẽ là tài sản vô giá đối với họ. Khi được tiếp cận thường xuyên các bản án được công bố, những người này sẽ có cách nhìn và tư duy thực tiễn hơn. Họ sẽ ít bỡ ngỡ hơn khi làm việc sau này.

Thứ tư, việc công bố bản án rộng rãi sẽ làm người dân, doanh nhân dễ dàng tiếp cận hơn với công lý.

Đã đến lúc chúng ta phải cho rằng các phán quyết của Tòa án không phải là tài sản riêng của Tòa án mà là tài sản chung của quốc gia. Tất cả mọi người dân đều có quyền được thụ hưởng những lợi ích mà tài sản đó phát sinh. Tra cứu dễ dàng các bản án sẽ làm tăng nhận thức của người dân, doanh nhân đối với pháp luật và gần gũi hơn với Tòa án. Đồng thời, họ cũng tìm ra cho mình trong những tình huống tương tự cách hành xử khôn ngoan để không phải xảy ra tranh chấp. Điều này không những làm giảm chi phí của họ khi giao dịch mà còn có thể làm giảm sức ép khối lượng công việc giải quyết tranh chấp đối với Tòa án.

Thực tế ở Việt Nam, các bản án chưa được ngành TAND công bố rộng rãi, vì thế đã không đạt được những hiệu quả đã nêu. Gần đây, trong những nỗ lực để tạo sự tiếp cận dễ dàng cho cả giới nghiên cứu và giới doanh nhân đối với phương án của Tòa, trang web của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam ( http://www.vcci.com.vn/); trang web sưu tầm án lệ Việt Nam (http://e-

lawreview.com/); trang web của TANDTC (http://www.toaan.gov.vn/ portal/page/portal/tandtc) đã đăng những bản án của một số Tòa án công khai trên mạng. Riêng ngành Tòa án, Tạp chí TAND – một tạp chí chuyên ngành của TANDTC đã thường xuyên công bố các Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa được đặt trong một chiến lược tổng lực.

Ngày nay, ngành Tòa án đã được cải thiện một cách đáng kể về cơ sở vật chất. Các Tòa án quận, huyện tại địa bàn Hà Nội đã được trang bị máy tính và có nối mạng. TANDTC nên có kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, không những chỉ công khai các bản án mà còn công khai cả những thủ tục khởi kiện, các loại mẫu đơn, lịch xét xử để người dân, Doanh nhân có thể sử dụng các dịch vụ công một cách hữu dụng nhất và đó cũng là cách giám sát chất lượng, buộc TAND phải nâng cao hiệu quả hoạt động của mình một cách tốt nhất.

KẾT LUẬN

Giải quyết tranh chấp KD – TM tại Tòa án là cả quá trình kể từ khi Người khởi kiện thực hiện tốt quyền của mình bằng thủ tục khởi kiện tại Tòa và kết thúc bởi sự định đoạt của nguyên đơn, sự dàn xếp giữa các bên hoặc phán quyết bắt buộc của Tòa án. Trong sự liên quan ràng buộc và quy định lẫn nhau, quá trình giải quyết tranh chấp KD – TM bị ảnh hưởng bởi nhiều các yếu tố. Có thể phân chia những yếu tố này thành hai nhóm. Nhóm yếu tố tác động bên trong quá trình giải quyết tranh chấp KD – TM bao gồm: (i) Tài liệu, chứng cứ các bên xuất trình cho Tòa án; (ii) Các quy định của Luật nội dung liên quan đến quan hệ tranh chấp; (iii) Các quy định của luật thủ tục để các bên thực hiện tố quyền và Tòa án làm việc; (iv) Năng lực, trình độ của Thẩm phán – những người giải quyết tranh chấp KD – TM. Nhóm các yếu tố tác động từ bên ngoài vào quá trình bao gồm: (i) Sự phát triển của nền KD – TM; (ii) Quan điểm của giới doanh nhân đối với việc giải quyết tranh chấp KD – TM; (iii) Sự hỗ trợ từ các cơ quan bổ trợ tư pháp và (iv) cơ sở vật chất để phục vụ cho quá trình giải quyết tranh chấp. Để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp KD – TM cần phải đánh giá thực trạng của các yếu tố này và phân tích sự ảnh hưởng của chúng tác động đến quá trình giải quyết tranh chấp KD – TM. Từ đó, tăng cường những ảnh hưởng tích cực, loại bỏ những cản trở tiêu cực để quá trình giải quyết tranh chấp KD – TM tại Tòa án được thông suốt, mang lại sự làm việc khoa học cho Tòa án và lợi ích cho doanh nhân.

Luận văn đã cố gắng nêu ra và phân tích những yếu tố ảnh hưởng cơ bản nhằm thể hiện hiệu quả thực tế giải quyết tranh chấp KD – TM đang diễn ra tại TAND cấp huyện. Những khó khăn đến từ luật thủ tục chưa phù hợp, lực cản từ truyền thống kinh doanh tại Việt Nam và trình độ, năng lực của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã làm cho quá trình giải quyết tranh

chấp chưa thực sự hiệu quả. Hoàn thiện các thủ tục tố tụng để đảm bảo tố quyền của doanh nhân; xây dựng văn hóa doanh nhân biết tôn trọng pháp luật và tin cậy ở Tòa án; nâng cao địa vị của Tòa án và uy tín của Thẩm phán chính là các giải pháp mà luận văn hướng tới để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp KD – TM tại TAND cấp huyện nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Làm cho người dân, doanh nhân cảm nhận được lẽ công bằng và tình yêu công lý vừa là mục tiêu, vừa là động lực để Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Điều này không thể đạt được ngay tức khắc mà cần có thời gian chuyển biến. Tuy nhiên, trước bối cảnh cấp tập cải cách nền tư pháp dưới sức ép của cạnh tranh kinh tế đã mang tính toàn cầu, hiệu quả giải quyết tranh chấp KD – TM cần phải được liên tục hoàn thiện. Bởi lẽ, nếu không trông đợi được vào pháp luật bảo vệ, Doanh nhân sẽ tự tìm đến các biện pháp thô bạo bằng “luật rừng”, bằng cách “hình sự hóa” các quan hệ kinh doanh hoặc phải nín chịu sự bất công. Điều đó không có lợi cho việc xây dựng nền kinh doanh có đạo đức, cho sự ổn định của người dân và môi trường kinh doanh lành mạnh.

DANH MỤC

Một phần của tài liệu MỘT số GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG mại tại tòa án NHÂN dân cấp HUYỆN (Trang 108 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)