Thiết lập án lệ trong xét xử và công bố bản án rộng rãi 1Thiết lập án lệ trong xét xử

Một phần của tài liệu MỘT số GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG mại tại tòa án NHÂN dân cấp HUYỆN (Trang 104 - 108)

b) Thủ tục rút gọn sẽ được quy định như sau:

3.4 Thiết lập án lệ trong xét xử và công bố bản án rộng rãi 1Thiết lập án lệ trong xét xử

Trong chương 2 luận văn đã trình bầy một số những vướng mắc trong thực tiễn xét xử và những quy phạm cần được giải thích khi áp dụng pháp luật. Điều đó đã gây khó khăn cho các Thẩm phán cấp huyện khi thực hiện công việc. Gặp phải trường hợp đó, TAND cấp huyện thường có công văn “xin ý kiến” TANDTC để giải quyết, và TANDTC cũng đã có những công văn nêu ý kiến về các trường hợp này. Tuy nhiên, lo sợ ảnh hưởng bởi nguyên tắc Độc lập xét xử nên các công văn của TANDTC thường ghi chú ý kiến đã đưa ra chỉ có ý nghĩa tham khảo và không lưu trong hồ sơ vụ án. Điều này không những làm vụ án bị kéo dài vì TAND cấp huyện phải mất thời gian trao đổi công văn với Tòa cấp trên mà ngay cả khi có trả lời rồi, các Thẩm phán vẫn không yên tâm khi áp dụng cách trả lời của TANDTC. Một phương án đưa ra không rõ ràng, không có giá trị ràng buộc nên mỗi Thẩm phán đều có thể tùy ý hoặc áp dụng hoặc không và vận dụng điều luật, xử lý tình huống theo cách hiểu của riêng mình. Tình trạng đó đã dẫn đến việc xét xử không được thống nhất. Những vụ việc tương tự nhau nhưng lại được giải quyết bởi các phương án hết sức khác nhau.

Thực tiễn xét xử nảy sinh nhu cầu của Thẩm phán cấp huyện là cần có một phương án rõ ràng khi gặp phải những tình huống như đã nêu và phương án đó phải được công nhận để khi gặp những tình huống tương tự, họ sẽ giải quyết chính xác mà không sợ mắc phải sai lầm dẫn tới bị hủy hoặc sửa án. Giới Doanh nhân thì muốn có sự đối xử công bằng trong những trường hợp tương tự nhau. Điều đó có tác dụng thống nhất trong cách ứng xử của họ, tránh xu hướng kẻ nhát thì không dám khởi kiện vì không hiểu Tòa sẽ xử như thế nào còn kẻ liều thì cứ kiện bừa với hy vọng Tòa sẽ xử thắng về phía mình.

Giải pháp cho tình trạng này không phải điều quá mới mẻ trong lịch sử tố tụng trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Tại Anh, cách đây khoảng 6 thế kỷ, khi xét xử lưu động trên khắp đất nước, các Thẩm phán Hoàng gia đã làm quen với các tập quán khác nhau và những quy định khác nhau ở mỗi vùng (vì khi đó Anh tuy thống nhất một đất nước nhưng lại cát cứ phong kiến ở mỗi vùng). Mỗi khi gặp nhau ở London, họ thường thảo luận với nhau về các điểm mạnh, điểm yếu của các phương án đưa ra. Dần dà, điều này đã đưa đến kết quả là các Thẩm phán Hoàng gia Anh ngày càng đưa ra những phán quyết giống nhau trong những tình huống tương tự ở khắp mọi nơi trên đất nước. Nhờ vậy mà pháp luật trở nên thống nhất thành hệ thống Common Law như hiện hành. Sự thống nhất đó được đóng góp quan trọng bởi nguyên tắc án lệ (nguyên tắc Stare decisis). Có thể tóm tắt nguyên tắc án lệ đó là: Hai vụ việc việc có những tình tiết tương tự nhau thì sẽ được xét xử như nhau [29, 2, tr 79 - 80].

Đối với lịch sử tố tụng Việt Nam, án lệ đã từng được vận dụng:

(i): Trong chương Điền Sản, Điều 397 Bộ cổ luật Hồng Đức có ghi: Người ông là Trần Giáp sinh được trai gái hai con, trai trưởng là Trần Ất, gái là Trần Thị Bính. Trần Ất sinh được một con gái Trần Thị Đinh, còn thơ ấu thì Trần Ất chết. Ông là Trần Giáp lập chúc thư giao phần ruộng đất hương hỏa cho Trần Thị Bính giữ. Khi Trần Thị Bính chết thì phần hương hỏa phải trả lại cho con gái Trần Ất là Trần Thị Đinh giữ.”. Điều 397 đã trích có lẽ là một vụ án

cụ thể đã được phân xử còn giữa nguyên cả chi tiết cá biệt là tên thật của các đương sự. Nhà làm luật đã giữ y lại phán quyết đó ghi vào trong điều luật để cho quy định có tính cụ thể và dễ hiểu. Bên cạnh những điều luật có tính cố định và mang tính trừu tượng, vì không muốn Bộ luật có tính cách quá lý thuyết nên đã xây dựng kỹ thuật lập pháp như trên.

(iii) Theo quy định tại thông tư của Thủ tướng chính phủ số 442/TTg ngày 19/01/1955 có quy định: “Kinh nghiệm xét xử một số loại phạm pháp đã trở thành án lệ. Tuy nhiên, án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương. Đường lối xét xử không được thống nhất, rõ ràng và có nơi không được đúng. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong quy định chung sau đây để hướng dẫn Tòa án trừng trị một số tội phạm thông thường.”

(iii) Trong các báo cáo tổng kết công tác ngành của TANDTC nêu những vụ án điển hình và rút kinh nghiệm, đưa ra phương hướng xét xử cho cả ngành [30, 57]. Mới đây TANDTC cũng đã cho công bố tuyển tập các Quyết dịnh giám đốc thẩm của HĐTP vào các năm 2003 đến 2006 [31, 58]. Những vụ án này tuy không được thừa nhận là án lệ nhưng thực tế còn có tác dụng ràng buộc hơn cả án lệ vì đã được rút kinh nghiệm. Nếu Thẩm phán nào không áp dụng chúng trong những trường hợp tương tự thì nguy cơ sẽ bị hủy án. Điều đó làm ảnh hưởng tới con đường sự nghiệp khi tái bổ nhiệm, thăng chức của Thẩm phán. Điều mà không ai muốn làm.

Như vậy, án lệ không phải là điều quá xa lạ đối với lịch sử tố tụng Việt Nam. Tuy vậy, nó chưa bao giờ được ý thức để phát triển trở thành một nguyên tắc. Có nhiều quan điểm không ủng hộ cho sự phát triển án lệ thành một nguyên tắc vì lo sự tùy tiện tạo thành các quy phạm pháp luật của các Thẩm phán và sự xâm lấn của cơ quan tư pháp vào quyền lực lập pháp. Tuy nhiên, dù biện giải thế nào, công nhận Án lệ cũng là nhu cầu khách quan mà thực tiễn áp dụng pháp luật đặt ra chứ không phải dựa trên sự suy diễn chủ quan nào. Lịch sử tố tụng và thực tiễn xét xử đã và đang khẳng định điều đó.

Trong giới hạn nghiên cứu, luận văn không có ý muốn tranh luận về việc công nhận hay không công nhận nguyên tắc án lệ và coi án lệ là một nguồn luật mà chỉ đề xuất việc thiết lập án lệ như là một giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc đã nêu trong chương 2.

Dựa vào các quy định hiện hành, TANDTC hoàn toàn có thể làm được điều đó. Với vai trò “Hướng dẫn Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án” (K1 điều 19 Luật tổ chức TAND năm 2002), TAND tối cao hoàn toàn có thể lựa chọn để công bố những bản án mẫu mực của mình. Đó là những Bản án mà phương án đưa ra đã có tác dụng bổ sung cho sự khiếm khuyết của luật, giải thích và vận dụng pháp luật vào tình huống cụ thể mà Tòa án đã xét xử. Để cho sự công bố có hiệu lực, người công bố nên là HĐTP TANDTC. Kèm với việc đó, Viện khoa học xét xử nên có những bình luận khoa học để thấy được các quy tắc “ẩn nấp” trong phán quyết của Tòa. Điều này rất có tác dụng nâng cao nhận thức cho Thẩm phán cấp huyện, các Doanh nhân, làm họ hiểu rõ hơn về phán quyết của TANDTC đưa ra để có thể áp dụng trong trường hợp tương tự. Đối với nhà lập pháp, việc này cũng rất có ích khi xây dựng, hoàn thiện pháp luật sẽ trừu tượng và quy phạm hóa các quy tắc đã được đưa ra để trở thành QPPL.

Để các Thẩm phán cấp huyện làm quen với Án lệ, TANDTC nên tự mình thực hành trước điều này. Trong các phán quyết của TANDTC hoàn toàn có thể trích dẫn, tham khảo các Án lệ trong phần Xét Thấy của bản án mà không nêu tại phần căn cứ để ra quyết định của Bản án. (Bản án hiện nay thông thường gồm ba phần: Phần nội dung vụ án, phần xét thấy nêu nhận định của Tòa án và phần quyết định nêu phán quyết mà Tòa đưa ra). Không có điều luật hiện hành nào ngăn cản cách làm như vậy. Với cách làm đó sẽ tránh được những chỉ trích cho rằng Án lệ không phải là nguồn của luật nên không được căn cứ vào đó để ra phán quyết.

Học tập cách làm của Tòa án cấp trên, các Thẩm phán cấp huyện cũng sẽ làm như vậy và nguyên tắc án lệ sẽ được củng cố trên thực tế mà không cần bất cứ cuộc tranh luận nào về tính hợp hiến, hợp pháp của nó.

Một phần của tài liệu MỘT số GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG mại tại tòa án NHÂN dân cấp HUYỆN (Trang 104 - 108)