Quyền khởi kiện (Tố quyền) chính là khả năng thừa nhận đối với các chủ thể được cầu viện đến công lý để đạt được sự tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng. Các quyền của chủ thể đuợc quy định trong luật nội dung là cơ sở của tố quyền. Không có lợi ích thì không có tố quyền, không có tố quyền mọi quyền lợi cũng mới chỉ là quyền trên giấy mà chưa được đảm bảo thi hành bởi quyền lực công.
Điều 161 BLTTDS quy định về quyền khởi kiện một cách khá chung chung đó là: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Dựa vào quy định này và quy định tại điều 29 BLTTDS về thẩm quyền giải quyết tranh chấp KD – TM của Tòa án
thì có thể chỉ ra Người có quyền khởi kiện tranh chấp KD – TM phải có những điều kiện sau đây:
(i) Phải là cá nhân, tổ chức có năng lực chủ thể đầy đủ.
(ii) Quyền và lợi ích của bản thân mình đã bị vi phạm theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên.
Pháp luật tố tụng Việt Nam chỉ thừa nhận tố quyền trực tiếp. Nghĩa là chỉ những người có quyền và lợi ích trực tiếp đối với bên bị kiện trong tranh chấp mới có quyền khởi kiện tranh chấp tại Tòa án. Người khởi kiện phải tự nhân danh mình để làm đơn khởi kiện, không thể ủy quyền cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào khác nhân danh mình để khởi kiện trong tranh chấp KD – TM.
Khi nhận thấy quyền và các lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, người khởi kiện có thể lựa chọn phương thức là cầu viện pháp lý tới sự bảo vệ của Tòa án. Một đơn khởi kiện được gửi đến Tòa án với đầy đủ các nội dung và hình thức theo quy định tại điều 164 BLTTDS sẽ được Tòa án xem xét.
Trên thực tế, khi thực hiện tố quyền có những trường hợp xảy ra đưa cả Tòa án và chủ thể vào tình huống ngoài dự liệu của luật.
Trường hợp 1: Chủ thể khởi kiện ngoài những hoạt động KD – TM được liệt kê tại điều 29 BLTTDS.
Điều 29 BLTTDS đã dùng cách liệt kê một loạt những quan hệ tranh chấp KD – TM thuộc thẩm quyền của Tòa án. (xem điều 29 BLTTDS). Cách liệt kê theo điều 29 BLTTDS có ưu điểm là cụ thể và dễ dàng cho Tòa án nhận biết về thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, liệt kê cũng có nghĩa là không bao giờ đầy đủ. Đáng tiếc hơn nữa là sự không đầy đủ này không được lấp chỗ trống bởi những quy định đảm bảo tố quyền cho Doanh nhân. Điều gì sẽ xảy ra khi Doanh nhân khởi kiện đối với quan hệ tranh chấp nằm ngoài các quan hệ đã được liệt kê tại điều 29 BLTTDS như đấu thầu, nhượng quyền thương mại hoặc một quan hệ khác mà trong tương lai sẽ xảy ra mà tuy pháp luật không cấm nhưng không có quy định về nó?
Doanh nhân vốn là thành phần sáng tạo nhất của xã hội, những ý tưởng kinh doanh mới liên tục được nảy sinh và chắc chắn luật pháp không thể theo kịp để điều chỉnh những lĩnh vực do họ sáng tạo ra. Khi đó, Tòa án không thể vượt qua khỏi thẩm quyền của mình để xem xét giải quyết các tranh chấp mà Doanh nhân cầu viện pháp lý. Điều này sẽ làm hạn chế tố quyền của các Doanh nhân.
Thiết nghĩ, nếu cầu viện công lý là một quyền cơ bản của doanh nhân thì Tòa án có nghĩa vụ phục vụ quyền cơ bản đó. Đảm bảo công lý là một dịch vụ công mà nhà nước cung cấp cho người dân, trong đó các doanh nhân cũng có quyền được hưởng. Tòa án không thể từ chối xét xử với lý do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ. Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong những điều mở đầu (Điều 4) của bộ dân luật nổi tiếng nhất trên thế giới đó là Bộ luật dân sự Pháp. Luật thực định Việt Nam không thừa nhận nguyên tắc này và trong thực tiễn xét xử, TANDTC cũng không thừa nhận nguyên tắc này. Có thể minh chứng điều này bằng một công văn hướng dẫn nghiệp vụ của TANDTC số 102/2004/KHXX ngày 07.06.2004. Trong công văn có đoạn viết: “Đối với các trường hợp yêu cầu Toà án giải quyết việc bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và thi hành án dân sự gây ra, theo quy định của pháp luật thì đây là quyền của đương sự, nhưng do chưa có quy định cụ thể của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho nên Toà án chưa có căn cứ để thụ lý giải quyết. Vì vậy, khi có đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc bồi thường thiệt hại trong các trường hợp này thì Toà án chưa thụ lý giải quyết.”
Như vậy, để giải quyết mẫu thuẫn vừa đảm bảo tố quyền của Doanh nhân, vừa đảm bảo Tòa án vẫn tuân thủ thẩm quyền của mình, không vượt qua những điều pháp luật cho phép thì pháp luật, đặc biệt là luật tố tụng phải có những quy định mang tính mở hoặc nguyên tắc để tạo điều kiện cho Tòa án được bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng cho Doanh nhân. Điều đó đòi hỏi BLTTDS khi sửa đổi phải khắc phục nhược điểm này.
Trong nhiều hợp đồng giữa các bên, tại điều khoản giải quyết tranh chấp có việc thỏa thuận sử dụng tố quyền. Nếu việc thỏa thuận đó nằm ngoài những quy định pháp luật, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa giữa công ty A và công ty B, điều khoản giải quyết tranh chấp thỏa thuận: “Mọi tranh chấp phát sinh giữa các bên đều giải quyết hết sức bằng thương lượng, hòa giải. Sau 90 ngày kể từ ngày giao hàng, nếu không bên nào khiếu nại với bên kia về các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng thì sẽ không được khởi kiện về tranh chấp hợp đồng này”
Trong trường hợp này, các bên đã thỏa thuận với nhau về quyền khởi kiện như sau:
(i) Thỏa thuận với nhau về điều kiện khởi kiện : Đó là phải khiếu nại và thương lượng với nhau khi xảy ra tranh chấp trước khi khởi kiện.
(ii) Thỏa thuận với nhau về việc triệt tiêu quyền khởi kiện. Đó là thỏa thuận nếu sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày giao hàng, không bên nào có khiếu nại thì không được quyền khởi kiện.
Có hai quan điểm khi nhìn nhận vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong hoạt động dân sự cần tôn trọng tối đa quyền tự định đoạt của các đương sự. Trong trường hợp này, các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau về phương thức giải quyết tranh chấp thì Tòa án nên tôn trọng. Nếu có một bên khởi kiện thì Tòa án hướng dẫn họ thực hiện thỏa thuận của mình. Quan điểm thứ hai cho rằng, quyền khởi kiện là quyền do pháp luật quy định và không thể bị hạn chế bởi sự thỏa thuận của các bên. Mọi sự thỏa thuận nhằm hạn chế hoặc triệt tiêu quyền khởi kiện đều vô hiệu. Và, do đó trong trường hợp này, nếu bên nào khởi kiện thì Tòa án vẫn xem xét giải quyết.
Trong BLTTDS 2004 và những nghị quyết hướng dẫn của HĐTP TANDTC không có những quy định chính thức về vấn đề này. Tham khảo thực tiễn giải quyết ở một số Tòa án tại Hà Nội thì đa phần các Tòa án đều đưa ra giải pháp cùng thống nhất thỏa thuận về việc triệt tiêu quyền khởi kiện đều vô hiệu. Tuy nhiên, thỏa thuận về điều kiện khởi kiện thì mỗi Tòa án, thậm chí mỗi thẩm
phán tại một Tòa án khi nghiên cứu đơn khởi kiện lại có những quan điểm khác nhau. Giải pháp thứ nhất mà Tòa án đưa ra là theo quan điểm tôn trọng sự thỏa thuận về điều kiện khởi kiện, nếu bên khởi kiện chưa có thương lượng với bên bị kiện để giải quyết tranh chấp thì phải thực hiện việc này trước khi khởi kiện. Giải pháp hoàn toàn khác đó là không chấp nhận thỏa thuận này và thừa nhận quyền khởi kiện của bên khởi kiện mà không cần đáp ứng các điều kiện khởi kiện do các bên thỏa thuận. Theo quan điểm này, điều kiện khởi kiện cũng như quyền khởi kiện là quyền đương nhiên của chủ thể để bảo vệ các quyền vật chất được luật nội dung quy định. Do đó, quyền khởi kiện và điều kiện khởi kiện chỉ có thể do pháp luật quy định hoặc hạn chế.
Như vậy, cùng một trường hợp nhưng mỗi Tòa án, thậm chí mỗi Thẩm phán trong một Tòa án lại có những cách giải quyết khác nhau. Điều đó sẽ làm thiếu đi sự thống nhất của pháp luật, sự tin tưởng của Doanh nhân khi tìm kiếm công lý. Thiết nghĩ, TANDTC nên có hướng dẫn giải pháp thống nhất để giải quyết vấn đề. Điều đó vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa học thuật khi nghiên cứu tố quyền.
Trường hợp 3: Một tổ chức không có tư cách pháp nhân liệu có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ án KD – TM?
Ví dụ: Công ty cổ phần Thuận Quốc và Viện cơ học ứng dụng có ký hợp đồng với Công ty vận tải hàng hóa đường sắt hợp đồng thiết kế và xây dựng nhà ga năm 2005. Trong quá trình thực hiện đã xảy ra tranh chấp do Công ty vận tải hàng hóa đường sắt vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Năm 2008 Công ty Thuận Quốc và Viện cơ học ứng dụng đã khởi kiện yêu cầu Tòa án quận Hai Bà Trưng (nơi bị đơn có trụ sở) buộc Công ty vận tải hàng hóa đường sắt phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Sau khi thụ lý vụ án, TAND quận Hai Bà Trưng phát hiện Công ty vận tải hàng hóa đường sắt không có tư cách pháp nhân, là đơn vị trực thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Vì vậy, TAND quận Hai Bà Trưng đã xác định bị đơn trong trường hợp này là Tổng công ty đường sắt Việt Nam và chuyển vụ án sang TAND quận Hoàn Kiếm giải quyết (vì trụ sở Tổng công ty
đường sắt Việt Nam ở quận Hoàn Kiếm). Tòa án Hoàn Kiếm không nhận vì lý do Người bị khởi kiện là Công ty vận tải hàng hóa đường sắt trụ sở tại quận Hai Bà Trưng. Bên nguyên đơn thấy giải quyết kéo dài nên đã khiếu nại. Sự việc hiện nay vẫn đang chờ giải quyết.
Ví dụ trên đặt ra câu chuyện một tổ chức không phải là Pháp nhân liệu có được quyền độc lập khởi kiện hoặc là người bị kiện? Đối với Pháp lệnh TTGQCVAKT trước đây, quan hệ tố tụng dân sự chỉ được thiết lập với các chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Nếu vậy, tổ chức không phải là pháp nhân rõ ràng không có quyền khởi kiện và cũng không có tư cách để tham gia là bị đơn trong vụ kiện. Tuy nhiên, với quy định mới trong BLTTDS, việc xác định không đơn giản như vậy.
Điều 56 BLTTDS quy định một cách chung: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Như vậy, BLTTDS cũng không giới hạn ở đây đương sự là tổ chức phải có tư cách pháp nhân. Do đó, Tòa án rất lúng túng trong việc xác định họ có phải là chủ thể tham gia quan hệ tố tụng hay không. Tương tự trường hợp này là việc xác đinh tư cách của Tổ hợp tác, Hộ gia đình có phải là chủ thể tham gia tố tụng dân sự hay không cũng là điều làm các Tòa án lúng túng.
Thiết nghĩ, vấn đề này liên quan rất lớn đền tố quyền của Người khởi kiện. Pháp luật tố tụng cần phải có sự thống nhất với pháp luật nội dung. TAND tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để tránh gây tranh chấp thẩm quyền giữa các Tòa án, gây phiền hà cho Người khởi kiện và người bị kiện.