b) Thủ tục rút gọn sẽ được quy định như sau:
3.3.2 Nâng cao uy tín của Thẩm phán
Nâng cao quyền uy của Tòa án và nâng cao uy tín của Thẩm phán tuy hai mà là một. Tòa án là cái vỏ, công việc của Thẩm phán là cái ruột. Khi Thẩm phán có uy tín thì Tòa ắt có quyền uy và ngược lại, Tòa có quyền uy thì địa vị, uy tín của các Thẩm phán trong xã hội cũng được nâng cao.
Trong giới hạn đề tài giải quyết tranh chấp KD – TM bằng Tòa án, để nâng cao uy tín của Thẩm phán, cần có cả những động lực bên trong và sự thúc ép bên ngoài. Đó là:
(i) Thay đổi cách lựa chọn, bổ nhiệm Thẩm phán hiện hành. Mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán.
Có lẽ còn lâu người ta mới quên được câu nói tai tiếng của nguyên Chánh án TATC Nguyễn Văn Hiện khi phát biểu trước Quốc hội rằng “ngành Tòa án đã cố gắng, tạm gọi là vơ vét, tận dụng lực lượng đã có để bổ nhiệm cho đủ”
[28, 60].Thật sợ hãi khi Thẩm phán – những người ban phát công lý lại phải “vơ vét” nguồn để bổ nhiệm. Thực tế, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002 không hề hạn chế nguồn bổ nhiệm Thẩm phán chỉ là những người trong ngành. Phải chăng vì quan điểm vị kỷ mà TANDTC đã tự giới hạn mình trong sự giới hạn đó. Mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán sang cả những luật sư giỏi, những giáo sư về luật, chuyên gia luật có uy tín ... không những khắc phục được tình trạng thiếu nguồn bổ nhiệm thẩm phán mà còn làm cho ngành Tòa án được thêm luồng sinh khí mới của những con người đã có địa vị cao trong xã hội và trình độ chuyên môn đã được công nhận ở một mức nhất định.
Cần phân biệt rõ giữa ngạch Thẩm phán và Thư ký. Thư ký theo công việc tố tụng hiện nay chỉ cần những người có trình độ luật vừa phải, không nhất thiết cần phải là trình độ đại học như hiện nay. Điều đó sẽ tránh được sự lãng phí các nguồn lực xã hội đối việc sử dụng nhân lực.
(ii) Nâng cao chuyên môn về luật KD – TM và hiểu biết về KD – TM của Thẩm phán và các thành viên trong HĐXX.
Tranh chấp KD – TM là tranh chấp khá đặc thù. Trong một xã hội càng phát triển thì tốc độ thay đổi càng lớn. Lĩnh vực KD – TM luôn là lĩnh vực đầy biến động, các luật lệ của nó cũng liên tục phải thay đổi cho phù hợp với đời sống xã hội. Điều đó càng đúng hơn nữa đối với pháp luật về KD – TM của Việt Nam hiện nay. Tính hay thay đổi của các đạo luật không chỉ dừng ở mức thay đổi các quy định mà còn ở cả mức thay đổi tư duy pháp lý ẩn chứa đằng sau đạo luật đó. Vì thế, rất khó làm cho các Thẩm phán cấp huyện tiếp cận những đạo luật mới và hiểu nó một cách có hệ thống. Vậy để đưa những quy định mới vào áp dụng, cần thiết phải có sự đào tạo lại các Thẩm phán. “Không thầy đố mày làm nên”, việc nâng cao trình độ của các Thẩm phán không thể chỉ dựa vào nỗ lực bản thân của chính họ mà cần có sự đào tạo lại, đào tạo liên tục của TANDTC để cập nhật được những kiến thức hiện đại.
Bên cạnh việc đào tạo về luật, xét xử KD – TM cũng đòi hỏi Thẩm phán hiểu biết ít nhiều về các hoạt động KD – TM trên thực tế. Trước sự bùng nổ của thị trường chứng khoán vào năm 2006, TAND thành phố Hà Nội đã phải tổ chức khóa đào tạo cho các Thẩm phán về thị trường chứng khoán. Đây là nhận thức đúng đắn về sự đào tạo nhận thức chung về KD – TM cho Thẩm phán. Đáng là kinh nghiệm cho toàn ngành học tập. Chỉ khi hiểu biết về hoạt động KD – TM, Thẩm phán mới có thể đánh giá chính xác vấn đề và hòa giải để các bên đạt được sự nhượng bộ.
Các Hội thẩm nhân dân tham gia giải quyết tranh chấp KD – TM nên là những đại diện của giới Doanh Nhân do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) bầu chọn. Cái nhìn hiểu biết của người trong nghề sẽ góp phần giúp Tòa án giải thích đúng những quy định pháp luật trong thực tế cũng như hạn chế bớt sự thô ráp của pháp luật nếu nó không phù hợp trong thực tế.
Điều này đã được bàn luận rất nhiều và có cũng có rất nhiều các công trình nghiên cứu công phu về đề tài này. Luận văn không có tham vọng trình bầy một cách cặn kẽ mà chỉ nêu lên một số quan điểm cần và có thể thực hiện ngay để nâng cao sự độc lập của Thẩm phán:
- Tạo một cơ chế lương bổng phù hợp. Nâng lương cho Thẩm phán cấp huyện;
- Kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán cấp huyện lên 7 năm hoặc 9 năm thay vì 5 năm như hiện nay;
- Hạn chế quyền lực của Chánh án trong hoạt động tố tụng; đề cao tính tự lập của các Thẩm phán khi giải quyết tranh chấp;
- Bãi bỏ áp dụng nghị định 158/2007/NĐ-CP ban hành luân chuyển các Thẩm phán khỏi nơi trị nhiệm hoặc vị trí công tác.
3.4 Thiết lập án lệ trong xét xử và công bố bản án rộng rãi 3.4.1 Thiết lập án lệ trong xét xử