Nâng cao sự chủ động chứng minh, tranh tụng của các đƣơng sự khi tham gia vào giải quyết tranh chấp.

Một phần của tài liệu MỘT số GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG mại tại tòa án NHÂN dân cấp HUYỆN (Trang 87 - 93)

1. Số phải g.quyết sơ

3.2.2 Nâng cao sự chủ động chứng minh, tranh tụng của các đƣơng sự khi tham gia vào giải quyết tranh chấp.

tham gia vào giải quyết tranh chấp.

Khắc phục những vướng mắc đã được phân tích trong mục 2.1.5 về nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ của đương sự, nâng cao tính chủ động của các bên trong việc tranh tụng và thông qua đó đảm bảo nghĩa vụ chứng minh của họ là một trong những kiến nghị mà luận văn hướng tới. Theo đó BLTTDS nên có những cải cách theo hướng:

Một là, Tòa án nên tách ra đứng độc lập và tạo điều kiện cho hai bên chủ động tranh luận với nhau về các luận điểm đưa ra.

Như vậy, Tòa án sẽ tránh được tâm lý đối đầu của phía bị đơn, người liên quan. Tòa án cũng nên tạo điều kiện cho các bên tăng cường tranh luận bằng văn bản trong giai đoạn trước khi mở phiên tòa để quan điểm của họ đưa ra được cân nhắc, thấu đáo khi có đủ thời gian suy nghĩ, cũng như đề cao tính chịu trách nhiệm của họ về những điều đã viết ra. Cách thức chứng minh trước phiên tòa

theo pháp luật Anh – Mỹ cũng nên đáng học hỏi [19, 2, tr98]. Theo đó có thể tiến hành bằng cách thay vì chỉ thông báo cho bị đơn, người liên quan bằng một Thông báo Thụ lý vụ án như hiện nay, Tòa án nên sao gửi kèm theo Thông báo đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu mà nguyên đơn đã gửi. Toàn bộ các tài liệu này phải đảm bảo được tống đạt cho bị đơn, người liên quan. Như vậy, phía đối tụng sẽ có nhiều thông tin hơn để phản hồi lại. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo và các tài liệu kèm theo, Bị đơn phải lựa chọn hoặc chấp nhận hoặc bác bỏ hoặc phản kiện đối với yêu cầu của nguyên đơn. Nếu bị đơn chọn cách bác bỏ hoặc phản kiện, hai bên sẽ tiến hành việc trao đổi tài liệu, trong đó các bên sẽ tóm tắt các dữ kiện cùng các tình tiết phù hợp và nêu ra quan điểm của họ. Văn bản của bị đơn được gửi cho nguyên đơn cùng các tài liệu kèm theo, sau đó nguyên đơn lại tiếp tục trả lời. Các văn bản trao đổi qua lại giữa hai bên phải được gửi đến Tòa án để Thẩm phán nghiên cứu cũng như đảm bảo rằng một bên không vi phạm nghĩa vụ chứng minh của mình. Thông qua các biên bản trao đổi, các chứng cứ cụ thể sẽ được làm sáng rõ. Việc thu thập chứng cứ thực tế do chính các bên thực hiện với sự trợ giúp của Tòa án thông qua việc buộc phía bên kia phải trả lời và làm sáng tỏ các nội dung mà phía đối tụng đưa ra đồng thời xuất trình những tài liệu chứng minh. Cách thức tiến hành như vậy sẽ tăng đáng kể sự chủ động cho các đương sự, làm họ có trách nhiệm hơn đối với hành vi của mình, giảm tâm lý chống đối Tòa án.

Hai là, Đề cao trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, tổ chức khi được yêu cầu.

Để các cá nhân, tổ chức khi được Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ tích cực hợp tác, thiết nghĩ nên tác động vào quyền lợi của họ. Tạo động lực cho họ bằng cách (i) gia tăng lợi ích khi thực hiện yêu cầu của Tòa án và (ii) tạo sức ép cho họ bằng cách gây thiệt hại tới các quyền kinh tế và quyền nhân thân nếu cần thiết.

(i) Cần hiểu rằng khi Tòa án yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp chứng cứ cho việc giải quyết tranh chấp không phải là biện pháp Tòa án chủ động thu thập

chứng cứ như một số người quan niệm [20, 16] mà chỉ là biện pháp hỗ trợ của Tòa án đối với đương sự khi cần thiết. Hầu hết pháp luật tố tụng trên các nước trên thế giới cũng đều có những quy định này [21, 27]. Vì thế, đây thực chất vẫn là nghĩa vụ chứng minh của đương sự và do đó họ cần phải trả phí cho những người không có liên quan nhưng đã phải cung cấp các thông tin, tài liệu để phục vụ cho tranh chấp của họ. Điều này sẽ làm cho bên có trách nhiệm cung cấp thông tin tìm thấy lợi ích trong việc làm của họ và tạo ra động cơ thúc đẩy họ thực hiện công việc của mình. Những cơ quan thường xuyên được Tòa án yêu cầu như Ủy ban nhân dân phường, Các Phòng và Sở tài nguyên môi trường, Phòng Đăng ký kinh doanh ... nên có những biểu phí công khai để cho các đương sự dễ dàng thực hiện. Đối với người được yêu cầu là cá nhân nếu phải triệu tập đến Tòa làm chứng thì nên được trả ít nhất bằng số tiền công của họ trong những ngày phải thực hiện nghĩa vụ tại Tòa.

Bên cạnh đó, thay vì Tòa án ra Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ rồi tự mình đi thu thập chứng cứ như hiện nay, nên được thay đổi bằng cách theo yêu cầu của đương sự, Tòa ban hành Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ để bên yêu cầu đi thực hiện nghĩa vụ thu thập chứng cứ của mình và tự trả phí như đã phân tích. Tòa án chỉ thực hiện quyền năng khi những cá nhân, tổ chức được yêu cầu không thực hiện trách nhiệm cung cấp chứng cứ của mình bằng cách áp đặt chế tài.

(ii) Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức không thực hiện trách nhiệm của mình theo yêu cầu của Tòa án, Tòa án có thể áp dụng các chế tài gây thiệt hại tới các quyền kinh tế của họ như phạt tiền hoặc nhận xét trong bản án công khai về thái độ vô trách nhiệm của họ hoặc khởi tố về mặt hình sự tùy vào mức độ vi phạm. Pháp luật tố tụng Việt Nam cũng đã quy định những chế tài này như mục 2.2.5 đã phân tích, tuy nhiên hiện nay UBTVQH không hướng dẫn vấn đề này nên không thể thực hiện trong thực tế. Thiển nghĩ, vấn đề này không cần thiết phải có đến một Nghị quyết hay Pháp lệnh hướng dẫn mà có thể bổ sung ngay trong bộ luật. Thẩm phán được phân công giải quyết nếu xét thấy có đủ dấu

hiệu vi phạm thì có thể áp dụng chế tài. Mức phạt tiền nên quy định là một bội số lần mức lương tối thiểu do nhà nước ban hành (1 nửa, gấp đôi ...).Cơ quan thi hành quyết định phạt tiền của Tòa án là cơ quan thi hành án dân sự với thủ tục như thi hành bản án. Đối với thủ tục cần khởi tố hình sự thì Thẩm phán được ra quyết định khởi tố, những trình tự tiếp diễn sau đó tuân theo Bộ luật tố tụng hình sự. Sự việc được xử lý không quá phức tạp nhưng lại thành điều rối rắm khi cần sự hướng dẫn của một văn bản dưới luật. Nếu có việc hướng dẫn của UBTVQH chưa chắc đã đầy đủ vì cơ quan này không phải là cơ quan tiến hành các công việc tố tụng. Đến khi đó, có lẽ lại phải chờ đến nghị quyết hướng dẫn của HĐTP.

Thứ ba, giới hạn thời điểm xuất trình chứng cứ của các đương sự

Xuất trình chứng cứ là một trong những hoạt động chứng minh của đương sự. Tuy nhiên, nếu hoạt động chứng minh được diễn ra trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp từ khi khởi kiện cho đến khi có phán quyết cuối cùng thì xuất trình chứng cứ nên được giới hạn tại những thời điểm nhất định. Bởi lẽ khi luật tố tụng chủ trương công lý tối đa thì việc xét xử trở thành không có điểm dừng [22, 4]. Giới hạn thời điểm xuất trình chứng cứ sẽ tránh được hai xu hướng là: (i)lợi dụng mánh khóe tố tụng để đưa ra chứng cứ vào thời điểm mà bên kia không có khả năng đáp lại hoặc tại cấp phúc thẩm khi chứng cứ này có khả năng đảo ngược hoặc hủy bỏ quyết định sơ thẩm đã tuyên; (ii) Thụ động không tìm kiếm các chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho mình, đến khi gặp phán quyết sơ thẩm bất lợi mới tìm kiếm chứng cứ để bảo vệ tại cấp phúc thẩm. Với sự giới hạn thời điểm xuất trình chứng cứ, Thẩm phán có thể yên tâm và chuyên chú vào việc đánh giá những chứng cứ hiện có mà không phải lo lắng về sự xuất hiện những chứng cứ mới có thể làm thay đổi lập luận hay phán quyết của mình.

Tất nhiên, giới hạn thời điểm xuất trình chứng cứ cũng nên có những ngoại lệ. Đó là những trường hợp do cản trở khách quan mà không thu thập được hoặc tại thời điểm đó đương sự không thể biết được tồn tại chứng cứ như thế. Trong trường hợp này Tòa án cũng nên chấp nhận việc xuất trình chứng cứ mới nhưng với điều kiện đương sự phải chứng minh được mình đã rơi vào hoàn cảnh

đặc biệt như trên. Và, nếu đã là ngoại lệ thì cũng hiếm khi xảy ra và cũng ít nên áp dụng.

Phù hợp với pháp luật tố tụng hiện hành, thời điểm giới hạn xuất trình chứng cứ của đương sự nên là thời điểm Thẩm phán ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau khi đã ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử, các bên và HĐXX chỉ tập trung vào việc đánh giá các chứng cứ hiện có đã được các bên đưa ra trong suốt quá trình trao đổi tài liệu, đối chất, hòa giải trước phiên tòa.

Thứ tư, đổi mới thủ tục tiến hành phiên tòa

Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, thủ tục tiến hành phiên tòa trải qua gồm 4 phần; Thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án. Để đánh giá về trình tự tiến hành phiên tòa như hiện nay, hãy nghe chính lời của những người trong Tòa án trần tình: “ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TPHCM, cho biết: Hiện nay Luật Tố tụng vẫn quy định thủ tục phiên tòa theo kiểu xét hỏi, trong khi đó Nghị quyết 08 lại quy định tranh tụng tại phiên tòa. Sự “đối” nhau này dẫn đến việc rất khó để có tranh tụng thực sự tại tòa” [23, 5].

Thực tiễn tranh tụng tại phiên tòa với trình tự theo luật định hiện hành, có điểm hạn chế là:

(i) Với những quy định về trình tự, thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm chúng ta có thể thấy đây là kiểu tố tụng xét hỏi trong đó đề cao vai trò của Thẩm phán và coi nhẹ vai trò của các bên đương sự. Trong quá trình xét xử tại phiên tòa Thẩm phán giữ vai trò chủ động, tích cực. Thẩm phán là người điều khiển phiên tòa, bảo đảm phiên tòa được tiến hành theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Vai trò tích cực và chủ động của Thẩm phán còn được thể hiện ở việc tham gia vào quá trình xét xử tại phiên tòa như: yêu cầu các bên đương sự cung cấp thêm chứng cứ, xét hỏi các đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người làm chứng, xem xét các chứng cứ, tài liệu của vụ án… Còn các đương sự không có quyền xét hỏi mà có chỉ quyền đề xuất với Hội đồng xét xử những vấn đề cần được hỏi thêm, được

trình bày ý kiến của mình về đánh giá chứng cứ và dựa vào các quy định của pháp luật để phân tích, lập luận, đưa ra các lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

(ii) Sự phân định giữa thủ tục hỏi và thủ tục tranh luận tại phiên tòa đã làm cho tính tranh tụng của các bên trong phiên tòa không được liên tục. Nhiều khi trong phần thủ tục hỏi, Chủ tọa đã thực hiện cả công việc cho các bên tranh luận, bởi vậy phần tranh luận hầu như chỉ diễn lại những quan điểm mà các bên đã trình bầy. Phần tranh luận chỉ như phần hai bên tóm tắt lại những dữ kiện phù hợp với tình hình và đưa ra quan điểm chính thức của mình trước Tòa mà không có sự đối đáp qua lại. Chính xác hơn, tên của thủ tục không phản ánh chính xác những gì có trong nội dung của thủ tục.

Quy định về thủ tục xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa như trên là chưa phù hợp làm đương sự ỷ lại phụ thuộc vào Tòa án, hạn chế tính tích cực, chủ động của đương sự trong tố tụng; vai trò của luật sư tại phiên tòa bị mờ nhạt, toàn bộ trách nhiệm chứng minh được đặt lên vai Hội đồng xét xử đặt biệt là chủ tọa phiên tòa, còn các bên đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, những người tham gia tố tụng khác chỉ tham gia vào quá trình chứng minh ở mức độ hạn chế. Và khi phải đảm nhiệm toàn bộ trách nhiệm chứng minh ở phiên tòa thì Hội đồng xét xử không có điều kiện tập trung vào xem xét, đánh giá các chứng cứ, hướng quá trình tranh tụng giữa các bên đương sự vào việc làm sáng tỏ các yêu cầu, các căn cứ thực tiễn và pháp lý của các yêu cầu đó, cũng như các tình tiết khác nhau về quan hệ pháp luật mà từ đó phát sinh tranh chấp giữa các đương sự.

Để khắc phục nhược điểm vừa nêu, tạo ra tính tranh tụng thực sự tại phiên tòa, trình tự tiến hành phiên tòa như hiện nay nên được diễn ra theo hướng như sau:

(i) Phiên tòa được khai mạc bởi thủ tục bắt đầu phiên tòa như quy định của tố tụng hiện hành;

(ii) Tiếp đó là đến phần tranh luận nội dung vụ việc bởi nguyên tắc kiểm tra chéo. Một bên sẽ đưa ra luận điểm và các chứng cứ của mình và bị bên còn lại kiểm tra về tính xác thực của các chứng cứ đó bằng cách đưa ra các câu hỏi, đồng thời đưa ra quan điểm tranh luận. Bên đưa ra quan điểm phải trả lời, đối đáp lại. Thủ tục lần lượt được diễn ra đối với bên nguyên và bên bị;

(iii) Trong trường hợp HĐXX thấy có vấn đề nào chưa rõ ràng, Hội đồng xét xử sẽ hỏi thêm và các bên phải trả lời và chứng minh các vấn đề đó;

(iv) Trước khi kết thúc, các bên có quyền tổng kết lại vụ việc, tóm tắt theo thứ tự các chứng cứ đã được công nhận trong phiên tòa và đưa ra đề xuất giải quyết vụ việc. Tại phần này, các bên có thể rút một phần hoặc tòan bộ yêu cầu của mình hoặc đạt được sự thỏa thuận với nhau về phương án giải quyết tranh chấp. Nếu thỏa thuận này không vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, sẽ được Tòa chấp nhận;

(v) Nếu các bên không đạt được sự nhượng bộ, HĐXX sẽ tiến hành nghị án và tuyên án công khai ngay sau khi nghị án. Bản án có thể được công bố sau 05 ngày kể từ ngày tuyên án để Thẩm phán chủ tọa có thời gian hoàn chỉnh bản án.

Một phần của tài liệu MỘT số GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG mại tại tòa án NHÂN dân cấp HUYỆN (Trang 87 - 93)