d) Một số vướng mắc về thực hiện thẩm quyền
2.3.3 Thiếu những quy định đảm bảo cho vị thế xét xử của Thẩm phán
Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc cơ bản của mọi nền tư pháp. Thẩm phán có quyền quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền dựa trên sự đánh giá khách quan của mình về các sự kiện của vụ án và trình độ hiểu biết pháp luật của mình mà không chịu sự tác động sai trái trực tiếp hay gián tiếp của bất kỳ cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào [13, 65]. Sự tin cậy cũng như sự độc lập của hệ thống tư pháp trong ánh mắt của người dân phụ thuộc cơ bản vào Thẩm phán – những người có quyền phán xử này. Sở dĩ Thẩm phán cần phải được đảm bảo độc lập để họ có những quyết định hoàn toàn “trong sáng”, chỉ dựa trên pháp luật – ý chí chung của nhân dân mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ý chí nào khác.
Pháp luật Việt Nam cũng dành sự ưu ái nhất định cho sự độc lập của Thẩm phán khi ghi nhận trong Đ130 Hiến pháp “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nguyên tắc này còn được khẳng định lại trong các đạo luật về Tổ chức Tòa án, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, Các Bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự ...và các tuyên bố quốc tế về sự độc lập tư pháp mà Việt Nam đã ký ủng hộ như Tuyên bố các nguyên tắc cơ bản của Liên hiệp quốc về độc lập tư pháp và Tuyên bố Bắc Kinh về độc lập tư pháp; và các nghị quyết về cải cách tư pháp như NQ 49/2005; nghị quyết 08/2001 của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Như vậy chứng tỏ rằng, trong cả đường lối chính trị và văn bản pháp lý cũng như tuyên ngôn quốc tế, Việt Nam đều thừa nhận đảm bảo sự độc lập xét xử cho Thẩm phán.
Sự thật là, quyền lực của Thẩm phán không nằm ở chỗ có sức mạnh cưỡng chế. Nếu coi pháp luật là ý chí chung của nhân dân thì Thẩm phán chỉ là người dùng trí phán đoán của mình để công bố ý chí chung đó trong những
trường hợp cụ thể. Bởi vậy, sức mạnh của Thẩm phán nằm chính ở trí phán đoán của mình. Để trí phán đoán đó được chính trực, ghi nhận sự độc lập của Thẩm phán thôi là chưa đủ, mà còn phải có những điều kiện để đảm bảo vị thế độc lập đó trên thực tế. Hiện nay, với các chính sách và quy định hiện hành, vị thế của các Thẩm phán cấp huyện còn bị hạn chế bởi những yếu tố sau:
Thứ nhất, Chính sách tiền lương cho Thẩm phán thấp
Tiền lương phản ánh giá trị của sức lao động vì thế tiền lương phải đảm bảo được sự tái sản xuất sức lao động. Phân tích cụ thể ra, tiền lương phải đảm bảo được (i) Thẩm phán có thể tái sản xuất lao động cá nhân giản đơn (tức là đảm bảo mức sống tối thiểu để có thể duy trì sự sống một các bình thường) và (ii) tái sản xuất sức lao động xã hội giản đơn (tức là phải đảm bảo để Thẩm phán có thể nuôi những người con của mình khi chúng chưa đủ tuổi lao động vì trong tương lai, đây sẽ là nguồn lao động của xã hội). Tuy nhiên, chính sách tiền lương đó là chính sách không mang tính kích thích. Một chính sách tiền lương kích thích không chỉ hướng tới tái sản xuất sức lao động giản đơn mà còn phải hướng tới tái sản xuất sức lao động mở rộng. Điều đó có nghĩa là ngoài khoản tiền lương để đảm bảo các nhu cầu (i) và (ii) như phân tích còn phải có khoản tiền lương để Thẩm phán có thể trau dồi thêm các kiến thức cả về xã hội và nghề nghiệp của mình (ví dụ đi xem kịch, đi nghỉ mát, đi học các khóa nâng cao ...). Cao hơn nữa, phải đảm bảo cho cả con họ cũng được đảm bảo điều này. Đây là một chính sách tiền lương đáng hướng tới, có tác dụng kích thích sức lao động không chỉ đối với riêng ngành Tòa án mà còn cho cả xã hội.
Trên thực tế hiện nay, tiền lương của đội ngũ Thẩm phán TAND cấp huyện rất thấp. Ví dụ mức lương của Chánh án TAND cấp huyện hiện nay khi đã đạt mức cao thâm niên cao nhất cũng chỉ tới 3,5 triệu đồng. Các Thẩm phán có mức lưong thấp hơn phụ thuộc vào thâm niên công tác khoảng từ 2 – 3 triệu đồng. Với một mức lương như vậy, tại các thành phố lớn, việc đảm bảo cuộc sống quả là khó khăn. Luôn phải thường trực lo toan vì “cơm áo, gạo tiền” nên Thẩm phán cũng chẳng được thong dong mà chuyên chú vào công việc xét xử.
Mức tiền lương thấp còn là một trong những nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng, sách nhiễu gây khó khăn cho cho người dân, doanh nhân khi khởi kiện. Dưới tác động đồng tiền, phán quyết của Thẩm phán mất đi tính chính trực, trung thực mà lẽ ra các bên được hưởng.
Thứ hai, Thẩm phán bị ảnh hưởng quá lớn bởi quyền hạn của Chánh Án
Theo quy định pháp luật hiện hành, Chánh án vừa là chức danh tố tụng, vừa là chức danh quản lý. Khi tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của luật tố tụng, Chánh án với tư cách là người tiến hành tố tụng. Khi đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của Tòa án, Chánh án là người quản lý. Bởi vậy, mối quan hệ giữa Thẩm phán và Chánh án không được minh bạch trong hoạt động tố tụng. Mối quan hệ này bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan hệ hành chính cấp trên – cấp dưới, mệnh lệnh – phục tùng. Có thể minh chứng điều đó như sau:
- Tuy Thẩm phán được quyền độc lập xét xử nhưng Chánh án lại là người đứng đầu cơ quan và phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc đảm bảo chất lượng xét xử của đơn vị. Ngoài ra, Chánh án còn có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các hành vi và quyết định tố tụng của Thẩm phán (BLTTDS). Vì thế, Chánh án thường xuyên có xu hướng kiểm tra công việc mà các Thẩm phán đang tiến hành, điển hình là việc duyệt đường lối trước khi xét xử.
- Các Thẩm phán có thể không tuân theo những chỉ đạo của Chánh án và quyết định theo niềm tin của mình mà không phải chịu bất kỳ chế tài nào của Chánh án theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy vậy, Chánh án ngoài vai trò là người quản lý, còn là bí thư cấp ủy trong cơ quan. Thẩm phán là một đảng viên trong tổ chức Đảng đó, sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật do tổ chức Đảng áp dụng. Ngoài ra, những lời nhận xét không tốt của Chánh án về Thẩm phán sẽ là điều cực kỳ bất lợi cho Thẩm phán khi xét tái bổ nhiệm do hết nhiệm kỳ.
- Với tư cách là người đứng đầu cơ quan, Chánh án có quyền phân công công việc cho các Thẩm phán. Chánh án có quyền quyết định ai sẽ được giải quyết công việc gì và được giải quyết nhiều hay giải quyết ít, giải quyết việc dễ
dàng thuận lợi hay phải đối mặt với những việc khó khăn. Do tệ tham nhũng vì đồng lương ít ỏi, Thẩm phán bị phụ thuộc rất nhiều vào Chánh án, người phân phối những “nguồn lực” đó về tay mình.
Thứ ba, Thẩm phán bị ảnh hưởng bởi nhiệm kỳ xét xử và nơi trị nhiệm
Đa số các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đều bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời. Để đảm bảo cho các Thẩm phán không bị chịu sức ép của cá nhân hay tổ chức nào đó đến con đường nghề nghiệp của mình. Tuyên bố Bắc Kinh về độc lập tư pháp đã khuyến nghị Thẩm phán chỉ có thể bị bãi nhiệm khi có căn cứ chứng minh là không có năng lực, bị kết án hình sự hoặc có hành vi làm cho Thẩm phán không đủ điều kiện làm Thẩm phán; và trong bất cứ trường hợp nào, việc bãi nhiệm Thẩm phán phải được tiến hành theo đúng các chuẩn mực tư pháp đã quy định.
Bổ nhiệm Thẩm phán với nhiệm kỳ có thời hạn hay suốt đời xuất phát từ quan điểm chú trọng đến tính độc lập hơn hay tính chịu trách nhiệm hơn của Thẩm phán. Những nước có nạn tham nhũng hoành hành luôn lo lắng nếu bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời sẽ tạo cơ hội để Thẩm phán lạm dụng ví trí ổn định vì những mục đích cá nhân, trong đó có cả mục đích tham nhũng. Bởi vậy, bổ nhiệm Thẩm phán với một nhiệm kỳ có thời hạn sẽ tăng tính chịu trách nhiệm của Thẩm phán đối với công việc.
Việt Nam là một trong số những nước bổ nhiệm Thẩm phán theo những nhiệm kỳ có thời hạn. Theo Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002 Thẩm phán TAND cấp huyện được bổ nhiệm bởi Chánh án TANDTC với nhiệm kỳ 5 năm. Hết mỗi nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán lại được xem xét bổ nhiệm nhiệm kỳ mới dựa trên kết quả đánh giá hiệu quả công việc của nhiệm kỳ cũ. Những Thẩm phán có số lượng án bị sửa nhiều sẽ phải giải trình về việc này. Những Thẩm phán có án hủy quá 3% tổng số vụ án giải quyết trong một nhiệm kỳ sẽ không được xem xét tái bổ nhiệm trong một thời gian nhất định [14, 59]. Trong nhiệm kỳ Thẩm phán của mình, Thẩm phán có thể bị cách chức khi nằm trong những trường hợp quy định tại điều 30 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội
thẩm nhân dân năm 2002. Trong những trường hợp này, có những quy định rất chung chung như “ Vi phạm về phẩm chất đạo đức”; “Có hành vi vi phạm pháp luật khác”. Những quy định thiếu tính minh bạch này không đảm bảo sự an toàn cho Thẩm phán về con đường danh nghiệp của mình. Bởi vậy, họ rất dễ bị tác động bởi các cá nhân, tổ chức có quyền lực khác.
Bên cạnh mối quan ngại về chức vụ không được đảm bảo, các Thẩm phán còn bị lo lắng bởi mình có thể bị thuyển chuyển khỏi nơi trị nhiệm. Theo nghị định 158/2007/NĐ-CP do chính phủ ban hành về luân chuyển cán bộ công chức, trong đó được áp dụng cho cả ngành Tòa án thì sau thời hạn 36 tháng, Thẩm phán sẽ bị điều động, bố trí, phân công lại vị trí công tác. Trong Quyết định số 1260/2008 của Chánh án TANDTC đã triển khai và thực hiện nghị định này trong toàn ngành. Theo đó, khi đủ thời hạn 36 tháng công tác liên tục tại 1 vị trí, Thẩm phán, Thư ký và các chức danh tiến hành tố tụng khác sẽ bị luân chuyển, điều động ra khỏi bộ phận đang công tác hoặc nơi đang công tác. Quy định này được Chính phủ giải thích nằm trong nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy tắc làm việc của mối quan hệ hành chính vốn mang tính mệnh lệnh – phục tùng sang mối quan hệ tư pháp độc lập có xu hướng bóp méo mục đích tốt đẹp của công tác luân chuyển cán bộ. Hệ quả của nó chỉ là làm cho đội ngũ Thẩm phán không được chuyên môn hóa và càng làm tăng quyền lực của Chánh án đối với sự độc lập của Thẩm phán.
Thứ tư, Thiếu đội ngũ giúp việc và thực thi các mệnh lệnh khi cần thiết
Vị thế của Thẩm phán không chỉ là sự độc lập khi xét xử mà còn thể hiện ở những quyền hạn mà Thẩm phán được giao phó. Theo những quy định trong BLTTDS, Thẩm phán có quyền lực rất lớn đối với các bên đương sự và thậm chí đối với cả cá nhân, tổ chức nếu không tuân thủ lệnh yêu cầu cung cấp chứng cứ của Thẩm phán, làm cản trở quá trình tiến hành tố tụng. Nhưng cần rất nhiều những sự hỗ trợ để những quyền hạn đó được thực thi. Chỉ khi Thẩm phán có thể thực hiện đẩy đù các quyền năng của mình thì khi ấy, sức mạnh của người bảo
vệ công lý mới được toàn vẹn. Thực tế hiện nay đang phản ánh tình trạng Thẩm phán cấp huyện chưa có đủ sức mạnh toàn vẹn ấy.
(i) Thiếu thư ký giúp việc, quan nhiều hơn lính: Theo phương án xây dựng biên chế cho ngành Tòa án, mỗi Thẩm phán có 01 thư ký giúp việc. Thẩm phán chỉ làm nhiệm vụ thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ và cùng với Hội đồng đưa ra phán quyết. Tất cả việc chuẩn bị, triệu tập các đương sự, tống đạt các văn bản tố tụng, ghi chép các biên bản đều do thư ký giúp việc đảm nhận. Chế độ có thư ký riêng của Thẩm phán khác hoàn toàn với chế độ công chức ngạch hành chính. Đối với ngạch hành chính, chỉ có công chức lãnh đạo mới có thư ký riêng giúp việc cho mình. Như vậy, có thể thấy pháp luật cũng có cơ chế để đảm bảo cho Thẩm phán được có những điều kiện tốt để thực hiện công việc của mình. Song, thực tế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Ngay cả tại Thủ đô Hà Nội, trung tâm của cả nước cũng có những Tòa nhiều Thẩm phán nhưng lại ít thư ký. Ví dụ Tòa án Từ Liêm, mỗi thư ký giúp việc cho 3 Thẩm phán; Tòa án Hoài Đức, Ứng Hòa có 5 Thẩm phán nhưng chỉ có 01 thư ký giúp việc. Số lượng người giúp việc không đủ nên Thẩm phán cũng phải thực hiện các công việc nhỏ nhất như đánh bút lục hồ sơ, gửi các giấy báo, thậm chí còn phải tự đi niêm yết, tống đạt các văn bản tố tụng của mình. Quan sát Thẩm phán làm việc, giống một người thợ giải quyết tranh chấp chứ không giống như một vị quan tư pháp.
(ii): Thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan bổ trợ tư pháp cần thiết
Lĩnh vực bổ trợ tư pháp là một lĩnh vực tương đối rộng, không chỉ cần thiết cho hoạt động của Tòa án mà còn rất cần thiết cho xã hội, cho các đương sự khi xảy ra tranh chấp. Sự hạn chế số trang của luận văn này không đủ để phân tích một cách thấu đáo về điều đó. Vấn đề đặt ra ở đây là khi giải quyết tranh chấp, Thẩm phán không chỉ có quyền đưa ra những quyết định cuối cùng mà còn phải có các quyền năng để thực hiện các bước trong quá trình giải quyết tranh chấp đó, và điều này cần có sự hỗ trợ của các cơ quan bổ trợ tư pháp.
Thực tế là, để thực thi các mệnh lệnh của Thẩm phán, rất cần có sự hỗ trợ của lực lượng Công an và Thi hành án dân sự. Tuy vậy việc phối hợp này rất
thiếu đồng bộ. Mặc dù lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã được thành lập với chức năng hỗ trợ cho các hoạt động tư pháp nhưng chỉ giới hạn trong lĩnh vực hình sự mà không hỗ trợ cho lĩnh vực dân sự. Hơn nữa, các cảnh sát viên, chấp hành viên có xu hướng rất cục bộ, chỉ tuân lệnh của thủ trưởng mình chứ không chịu tuân lệnh của các Thẩm phán. Để tác động đến họ, Thẩm phán phải thông qua người đứng đầu cơ quan mình (Chánh Án) tác động đến thủ trưởng cơ quan cần hỗ trợ và thủ trưởng các cơ quan này mới tác động đến nhân viên của mình. Quá trình diễn ra khá vòng vèo, mất nhiều thời gian, đôi khi không được thực hiện bởi tâm lý “ngại va chạm”. Bởi vậy, trên thực tế, pháp luật chưa tạo ra những điều kiện để Thẩm phán được thực hiện các quyền năng của mình đầy đủ.