2010.
Nhận thức được nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, Đảng và Chính phủ đã hết sức coi trọng công tác bảo vệ môi trường, coi đây là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với các nhiệm vụ khác như phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội. Trên cơ sở Hiến pháp nước ta và Luật bảo vệ môi trường, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế của nước ta trong từng thời kỳ, Đảng và Chính phủ đã đề ra chiến lược phát triển môi trường của nước ta thời kỳ 2001 – 2010.
Quan điểm chỉ đạo của chiến lược bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta: “Coi công tác bảo vệ môi trường là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân của toàn bộ các cấp, các ngành; là cơ sở quan trọng đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Quyết định số 256/2003/QĐ – TTg – 21/12/2003)
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2001 – 2010 phải được xây dựng dựa trên hai nguyên tắc sau:
• Mục tiêu và nội dung của chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia không thể tách rời mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà nó phải là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, được xây dựng theo hướng phát triển bền vững.
• Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia phải dựa trên việc phân tích hiện trạng và dự báo xu thế biến động của môi trường đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời
chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia phải phù hợp với nguồn lực của quốc gia, được xây dựng trên cơ sở tiếp thu bài học kinh nghiệm của các nước, thu hút được đầu tư nước ngoài và là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các chiến lược phát triển môi trường quốc gia trung hạn và dài hạn các mục tiêu:
- Mục tiêu tổng quát: không ngừng bảo vệ và cải thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
- Mục tiêu chiến lược: Tiếp tục phòng ngừa ô nhiễm, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường.
Các mục tiêu cụ thể:
Phòng ngừa ô nhiễm.
- Tăng cường khả năng quản lý, đầu tư, pháp luật cưỡng chế và các
giải pháp hỗ trợ phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn và các chất thải độc hại, nâng cao nhận thức và kiến thức; cung cấp đầy đủ thông tin về phòng ngừa ô nhiễm cho toàn công đồng.
- Xây dựng, quy hoạch phát triển bền vững cho các khu đô thị; khu công nghiệp, nông thôn và các vùng sinh thái.
- Áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thích hợp trong sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường.
- Đảm bảo thực hiện được các tiêu chuẩn về môi trường tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước phát triển.
Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Tăng cường về khả năng quản lý, đầu tư, pháp luật cưỡng chế và các giải pháp hỗ trợ để thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững, đa dạng sinh học của các hệ sinh thái: biển, trên cạn, rừng và dưới nước.
- Bảo vệ, khôi phục và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có như tài nguyên đất, rừng, nước, khoáng sản và đa dạng sinh học… phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
- Bảo tồn các vùng có hệ sinh thái đặc thù để duy trì cân bằng sinh thái, nâng tổng diện tích các khu bảo vệ đa dạng sinh học lên khoảng 2% diện tích tự nhiên cả nước.
Cải thiện môi trường.
- Tăng cường khả năng về quản lý, đầu tư, pháp luật cưỡng chế và các giải pháp hỗ trợ để tiến tới xử lý triệt để các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Tiến tới thu gom, xử lý về cơ bản các chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện và chất thải sinh hoạt ở các thành phố và khu dân cư đông đúc.
- Tăng cường phục hồi và trồng mới rừng, tiến tới đạt mức độ che phủ trên 40% diện tích của cả nước vào năm 2010.
- Hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, các chất bảo quản nông sản, thủy sản.
- Phấn đấu đến năm 2010 đảm bảo 90% dân số được dùng nước hợp vệ sinh và các hệ thống vệ sinh đạt tiêu chuẩn môi trường, xử lý cơ bản các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng do hậu quả của chiến tranh để lại hoặc do hậu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh gây ra.