Môi trường nước

Một phần của tài liệu Môi trường trong việc phát triển bền vững ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 48 - 51)

I. Hiện trạng môi trường ở Việt Nam

2. Môi trường nước

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng trong môi trường, là thành phần thiết yếu của sự sống, là một trong các nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Nước còn là điều kiện cần thiết để khai thác, sử dụng các tài nguyên khác; là tư liệu sản xuất không thể thay thế được của các ngành kinh tế.

Về trữ lượng nước. Nước ta là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về các nguồn nước. Mạng lưới sông, ngòi, đầm, hồ ao, kênh… ở nước ta khá dày đặc, cả nước có tới 2.360 con sông lớn nhỏ, trong đó có 10 con sông

lớn có tổng diện tích lưu vực lên tới 10.000 km2. Tổng lượng nước mặt trên cả nước trung bình hàng năm lên tới 880 tỷ m3. Tuy nhiên, lượng nước được tạo ra trong lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 325 tỷ m3/năm, chiếm 37,5%; còn lại 62,5% lượng nước (khoảng 570 tỷ m3) là từ lãnh thổ các quốc gia khác ở thượng lưu chảy vào (do Việt Nam nằm ở hạ lưu các con sông lớn như: Mê Kông, sông Hồng, sông Mã, sông Cả…).

Về tiềm năng của nguồn nước ngầm ở nước ta cũng khá lớn, với tổng trữ lượng tự nhiên khoảng 50 – 60 tỷ m3, trữ lượng có thể khai thác khoảng 15 – 20 tỷ m3/năm. Hiện nay, chúng ta mới chỉ khai thác được khoảng 20% dự trữ nước ngầm. Theo đánh giá của nhiều cơ quan và chuyên gia về nước, thì lượng nước mặt ở nước ta khá dồi dào, song trữ lượng nước ngầm thì chỉ ở mức trung bình so với các nước trên thế giới.

Cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng lên, trong khi nguồn nước là hữu hạn khiến Việt Nam đang có nguy cơ thiếu nước sạch. Cách đây 40 năm, bình quân lượng nước dự trữ cho sử dụng là 17.000 m3/người/năm, nhưng đến năm 2005 chỉ còn 4.600 m3/người/năm. Nếu như trước đây nước chỉ dung chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp thì những năm gần đây nhu cầu nước cho các ngành khác như công nghiệp, du lịch, giao thông cũng ngày càng lớn, khiến lượng nước dự trữ giảm liên tục qua các năm (trong vong 20 năm 1985 – 2005, lượng nước được sử dụng cho hoạt động sản xuất và cho nhu cầu đời sống đã tăng lên tới 3 lần).

Với tốc độ phát triển dân số và phát triển kinh tế như hiện nay thì đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân ở nước ta chỉ còn đạt khoảng 2.840 m3/người/năm. Trong khi đó theo chỉ tiêu đánh giá của IWRA (Hội Tài nguyên nước Quốc tế), quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Và do vậy, Việt Nam sẽ

thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Toàn cầu (WWF) cho biết, sông Mê Kông hiện có mặt trong Top 10 con sông trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nhanh chóng, mà nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và bị khai thác quá mức cho phép. Cùng với đó, do nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các con sông, suối khác của nước ta đang diễn ra quá trình cạn kiệt ở mức báo động nguy hiểm trong các tháng mùa khô; từ đó đang gây khó khăn lớn cho các hoạt động đời sống kinh tế ở nhiều vùng miền của đất nước.

Về chất lượng nước. Hiện nay ở nước ta đang tồn tại một nghịch lý là, tuy nguồn nước dồi dào song tình trạng thiếu nước sạch để sử dụng đang trở nên rất phổ biến trên mọi vùng lãnh thổ. Nhiều nơi, nhất là ở các đô thị lớn, tình trạng thiếu nước sạch đang ngày càng trở nên trầm trọng. Như vậy, từ một quốc gia có tài nguyên nước dồi dào, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nước sạch.

Hơn 54% dân số sống ở nông thôn bị các bệnh liên quan đến chất lượng nước. Nước không đảm bảo vệ sinh cũng làm 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.

Tình trạng thiếu nước sạch chủ yếu bắt nguồn từ việc sử dụng các nguồn nước một cách thiếu ý thức và thiếu khoa học; việc khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là sự tàn phá làm hủy hoại nghiêm trọng nguồn tài nguyên rừng đã gây ra sự mất cân bằng sinh thái, làm suy giảm đáng kể nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá trong đó có nguồn tài nguyên nước. Thêm vào đó, các nguồn nước thải từ sản xuất và sinh hoạt cũng là một nguyên nhân cơ bản làm ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước mặt. Có tới 100% mẫu nước thải ở các

làng nghề đều cho thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; riêng ở khu vực đồng bằng sông Hồng hiện có khoảng 700 làng nghề, đều cho thấy nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm. Ô nhiễm môi trường nước ở ba lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ và sông Đồng Nai đang ở mức báo động “đỏ”, đe dọa sự sống của hàng chục triệu người dân sống ở lưu vực các sông này.

Một phần của tài liệu Môi trường trong việc phát triển bền vững ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w