Môi trường không khí

Một phần của tài liệu Môi trường trong việc phát triển bền vững ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 43 - 48)

I. Hiện trạng môi trường ở Việt Nam

1. Môi trường không khí

Môi trường không khí của Việt Nam đang gặp những vấn đề bức xúc sau đây:

Một là sự biến đổi bất thường của khí hậu. Cũng như nhiều nước trên thế giới, môi trường không khí ở nước ta trong thời gian gần đây đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Sự biến đổi của khí hậu trái đất theo xu hướng nóng dần lên làm cho khí hậu của nước ta ngày càng có nhiều những diễn biến cực đoan như bão, lũ, lụt, nóng, lạnh bất thường… đã gây hại rất lớn cho hoạt động sản xuất và đời sống.

Theo nhận định của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Việt Nam có thể nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng cao. Tình hình biến đổi khí hậu của Việt Nam diễn ra theo chiều hướng tần suất và cường

độ ngày càng gia tăng các hiện tượng bão, mưa lớn, nhiệt độ cao và hạn hán. Hầu như năm nào Việt Nam cũng xảy ra hạn hán; theo thống kê, trong vòng 46 năm qua (từ năm 1960 đến năm 2006), Việt Nam đã có tới 34 năm có hạn hán (chiếm 74%) và đặc biệt trong những năm gần đây tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt hơn.

Cùng với các hiện tượng trên, băng tan ở hai cực trái đất gia tăng đang là một vấn đề nóng bỏng hiện nay, trong đó Bắc Cực đang nóng lên gấp đôi so với mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới. Một công trình nghiên cứu do Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố 5/12 dự đoán từ nay đến năm 2070, ít nhất 150 triệu người sống tại các thành phố ven biển, chủ yếu ở khu vực Châu Á, sẽ bị ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt do bão và nước biển dâng cao. Theo nghiên cứu trên, trong số 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất có 9 thành phố ở Châu Á, đứng đầu là Calcutta và Bombay của Ấn Độ, tiếp đó là thủ đô Dakkar (Bănglađet), Quảng Đông (Trung Quốc), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Thượng Hải (Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan) và Yangon (Mianma). Theo tính toán của OECD, thiệt hại tài chính do tình hình ngập lụt ở các thành phố trên gây ra có thể lên tới 25.000 tỷ USD. OECD cho rằng những thành phố lớn, đặc biệt là ở Châu Á và Châu Phi cần phải nhanh chóng đưa yếu tố biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển đô thị và quản lý rủi ro.

Theo các chuyên gia môi trường cảnh báo, vào năm 2100 mực nước biển sẽ dâng cao 1m. Việt Nam nằm bên bờ đại dương có diện tích khá lớn đồng bằng thấp sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất trước tình hình khí hậu thay đổi và nước biển dâng. Từ đó sẽ làm ngập lụt và nhấn chìm tới 12% diện tích đất đai màu mỡ và nhà cửa của 23% dân số sinh sống. Đây sẽ là thảm họa cho nước ta, vì sẽ làm biến mất khoảng 4 triệu ha

diện tích đất đồng bằng và đặc biệt là ở khu vực các tỉnh đất thấp lưu vực sông Cửu Long sẽ chịu tác động của những trận lụt ở mức độ không thể dự đoán được. Ngược lại, một số địa phương ở ven biển Nam Trung Bộ đang ở trong tình trạng sa mạc hóa ngày càng rõ rệt, khô nóng kéo dài, đe dọa sự sống của dân cư trong vùng.

Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng diễn ra trầm trọng, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp và các làng nghề đã làm cho khí hậu tại các nơi này ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với hoạt động sản xuất - xã hội cũng như đối với sự sống con người.

Hai là ô nhiễm bụi. Hầu hết các đô thị nước ta đều bị ô nhiễm bởi các loại bụi, nhiều nơi sự ô nhiễm bụi đã tới mức báo động. Qua tính toán, trung bình mỗi năm Hà Nội phải tiếp nhận tới 80.000 tấn khói bụi. Nồng độ bụi trong không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng trung bình cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 đến 10 lần; đặc biệt ở các nút giao thông thì nồng độ bụi hơn tiêu chuẩn cho phép từ 5 đến 15 lần, chủ yếu là do bụi đường (khoảng trên 80%); ở các khu đang xây dựng trong đô thị, nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 đến 20 lần.

Nồng độ bụi trung bình hiện nay ở thành phố Hà Nội vượt từ 5,7 đến 12 lần tiêu chuẩn cho phép; trong đó các khu đô thị mới đang xây dựng và một số tuyến đường giao thông chính trong đô thị, nồng độ bụi gấp 7 đến 20 lần. Ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí gây ra đối với Hà Nội mỗi ngày khoảng gần 2 tỷ đồng (Theo Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội).

Ba là ô nhiễm bởi các loại khí thải độc hại. Nói chung, hầu hết các thành phố và các khu công nghiệp lớn ở nước ta đều chịu ảnh hưởng khá

nhiều bởi các chất khí thải độc hại. Riêng ở Hà Nội, trung bình mỗi năm phải tiếp nhận tới 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Tuy nhiên, hiện nồng độ khí SO2 trung bình ở các khu đô thị và khu công nghiệp nước ta còn thấp hơn trị số tiêu chuẩn cho phép. Tổng lượng thải khí SO2 ở các khu đô thị hiện nay do hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gây ra là chính và chiếm tới trên 95%, do bản thân các ống xả của xe cộ gây ra không đáng kể, chỉ chiếm khoảng từ 1 – 2% và từ sinh hoạt đô thị chỉ chiếm dưới 1%.

Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, nồng độ khí CO và NO2 trung bình ngày trong môi trường không khí xung quanh đều nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép. Như vậy ở các đô thị và các khu công nghiệp nói chung chưa có hiện tượng ô nhiễm khí CO và NO2. Nhưng ở một số nút giao thông lớn trong đô thị, nồng độ khí CO và NO2 đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Thêm vào đó nồng độ benzene (C6H6) độc hại từ khí thải của động cơ của các phương tiện giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang ở mức báo động.

Môi trường không khí nông thôn nước ta nhìn chung còn tốt, trừ một số làng nghề. Không khí ở các làng nghề bị ô nhiễm chủ yếu do khói từ các lò nấu thủ công ở các làng nghề sử dụng than, củi tỏa ra nhiều bụi và các khí độc hại như CO, CO2 và SO2. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở khu vực nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ đang gia tăng ở mức báo động.

Khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện có khoảng 700 làng nghề, chiếm tới gần một nửa số làng nghề của cả nước. Một khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học Công nghệ cho thấy 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số

ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm, nhất là nước tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuôm.

Kết quả khảo sát tại 30 làng nghề tại Hưng Yên cho thấy có tới 60% cơ sở sản xuất hoàn toàn thủ công, chỉ có 37% là có trang bị nửa cơ khí và hầu hết là sản xuất tại gia đình. Khảo sát tại 40 xã ở Hà Nội cũng cho thấy có khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất.

Ở các làng tái chế kim loại, khí độc không qua xử lý được thải trực tiếp vào không khí như ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), nồng độ chì vượt quá 2.600 lần tiêu chuẩn cho phép. Nghề thuộc da, làm miến dong ở Hà Tây cũng thường xuyên thải ra các chất như bột, da, mỡ làm cho nước nhanh bị hôi thối, ô nhiễm nhiều dòng sông chảy qua làng nghề.

Do ô nhiễm môi trường, lao động không có dụng cụ bảo hiểm và sinh hoạt hàng ngày chung với môi trường sản xuất, tình trạng sức khỏe của người dân làng nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu của Viện Bảo hộ lao động gần đây cho thấy trong các làng nghề, tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất liên quan đến hô hấp như viêm họng chiếm 30,56%, viêm phế quản chiếm 25% hay đau dây thần kinh chiếm 9,72%. Tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, tỷ lệ người dân mắc bệnh về thần kinh chiếm khoảng 71%, bệnh về đường hô hấp chiếm khoảng 65,6% và bị chứng hồng cầu giảm chiếm 19,4%. Tại làng nghề sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang) tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da là 68,5% và các bệnh về đường ruột là 58,8%.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề tại Đồng bằng Bắc Bộ, các địa phương cần gắn quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề với việc xử lý môi trường và chất thải mang tính tập trung; tăng cường nâng

cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Bốn là ô nhiễm bởi tiếng ồn. Phần lớn các đô thị ở nước ta có mức ồn vào ban đêm đều dưới hoặc xấp xỉ 70dB, tức là thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Nhưng vào ban ngày, mức ồn giao thông ở nhiều đô thị dao động từ 70 – 75dB, một số đường phố lớn có mức ồn từ 80 – 85dB. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đối với những người dân sinh sống và hoạt động tại những nơi đó.

Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nước ta phần lớn thuộc công nghệ lạc hậu, do vậy cùng với các chất thải độc hại còn lớn thì tiếng ồn gây ra trong quá trình hoạt động nhìn chung còn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt là các loại hình sản xuất công nghiệp thuộc các ngành cơ khí sửa chữa, rèn, đột, dệt vải… thường có độ ồn đạt tới trên 80dB. Nhiều công nhân sau những năm chịu ảnh hưởng do làm việc trong điều kiện tiếng ồn lớn đã dẫn đến suy giảm sức khỏe, đặc biệt là suy giảm về thính lực.

Một phần của tài liệu Môi trường trong việc phát triển bền vững ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w