Tác động của môi trường đến đời sống kinh tế

Một phần của tài liệu Môi trường trong việc phát triển bền vững ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 64 - 69)

III. Thực trạng môi trường trong sự phát triển bền vững của Việt Nam

2.Tác động của môi trường đến đời sống kinh tế

Môi trường, cụ thể ở đây là ô nhiễm môi trường không chỉ có tác động đến đời sống xã hội mà nó còn có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế của chúng ta, cụ thể:

Thứ nhất, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, làm cho sức khỏe con người bị suy yếu, từ đó làm giảm năng suất lao động.

Như chúng ta đã biết, con người là một yếu tố vô cùng quan trọng trong sản xuất. Chính vì vậy, môi trường ảnh hưởng tới con người cũng có nghĩa là môi trường ảnh hưởng tới sản xuất. Trong quá trình lao động sản xuất, việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo quá trình lao động diễn ra thông suốt, đảm bảo tái sản xuất lao động sau mỗi chu kỳ làm việc góp phần ổn định và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn ở Việt Nam đó là hàng triệu lao động hàng ngày vẫn phải làm việc trong bốn bức tường của nhà máy với mức độ ô nhiễm gấp trăm lần ô nhiễm môi trường đường phố; làm cho sức khỏe, tuổi nghề, tình yêu lao động, sự lao động sáng tạo, tay nghề kiến thức bị bào mòn, niềm tin vào cuộc sống bị giảm sút và môi trường sống bị hủy hoại. Tất nhiên, khi sức khỏe người lao động bị suy giảm thì chính các doanh nghiệp, nơi mà họ làm việc, cũng phải gánh chịu hậu quả do năng suất lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thứ hai, ô nhiễm nguồn nước sẽ gây tổn thất nặng nề cho nghề nuôi trồng thủy sản; có thể kể ra ở đây những bằng chứng của việc ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng lớn như thế nào đối với những người làm nghề nuôi trồng thủy sản, cụ thể:

Từ năm 2000 đến nay, nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bị ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản nặng hơn, trong đó có tỉnh Bến Tre, tôm sú, cá nghêu, sò… năm nào cũng bị chết, năm sau chết nhiều hơn năm trước. Tính đến năm 2006, tổng diện tích nuôi thủy sản của tỉnh này đạt 43.000ha, trong đó chuyên nuôi tôm biển là 32.755ha; diện tích nuôi nghêu là 4.600ha, cá da trơn đạt 60ha… Bến Tre đã chế biến được 8.420 tấn thành phẩm đông lạnh các loại, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 8.109 tấn, trị giá xuất khẩu đạt hơn 25 triệu USD, tăng 55,31% so với năm 2005. Tuy nhiên, số lượng diện tích và sản lượng nuôi trồng tăng mạnh nhưng thiệt hại do ô nhiễm môi trường cũng tăng nhanh không kém: tôm sú thâm canh và bán thâm canh thả nuôi trước ngày 1/3/2006 bị thiệt hại 82,18ha, chiếm tới 78% diện tích thả nuôi. Riêng diện tích thả nuôi sau ngày 1/3/2006 bị thiệt hại 554,10 ha, chiếm 11,42% diện tích thả giống, tăng 253,1ha so với cùng kỳ năm 2005. Tôm sú nuôi thâm canh và bán thâm canh đều chết nhiều nhất trong tháng 4/2006 do nhiễm virus đốm trắng ở giai đoạn 20 – 45 ngày tuổi. Nguyên nhân là do môi trường nước bị ô nhiễm ở mức độ cao, thời tiết thay đổi thất thường và nhiều hộ nuôi tôm vẫn còn thói quen xả thải bùn đáy ao, xả thải mầm bệnh ra môi trường tự nhiên làm cho môi trường nuôi tôm ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho người nông dân.

Một bằng chứng nữa đó là, tình trạng ô nhiễm sông rạch đã được cảnh báo từ rất lâu tại các địa phương đông dân cư và sản xuất công nghiệp phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Chính vì thế, những diễn biến về sự cố môi trường thực chất là sự bùng phát của mầm ô nhiễm đã tích tụ từ nhiều năm qua. 5 lưu vực kênh rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh lâu nay đã trở thành những dòng kênh đen hôi thối bởi sự phân hủy của các chất hữu

cơ và đầy rác thải. Vụ khoảng 20 tấn cá chết ở quận 7 – TP.HCM (12/2002), kết quả mẫu nước từ rạch chảy vào các ao cá, sau khi phân tích cho thấy có dư lượng thuốc trừ sâu, đã gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi cá tại đây. Tình trạng ô nhiễm không chỉ dừng lại ở hạ lưu sông Sài Gòn mà còn lan lên tới đoạn sông của tỉnh Bình Dương – phần thượng lưu, làm cho cây trồng, vật nuôi trong môi trường nước bị hủy hoại nặng nề. Không chỉ dừng lại ở đó, tình trạng cá bè chết hàng loạt tại Đồng Nai với số lượng lên đến 120 tấn và 30.000 con cá nhỏ ương nuôi đã gây ra thiệt hại rất lớn. Theo các chủ hộ nuôi cá bè cho biết có nguồn nước màu đen, có mùi hôi nồng của hóa chất do thủy triều đẩy từ các cống xả của các đơn vị sản xuất phía khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Gần đây nhất, tháng 4/2008, người dân thị trấn Long Mỹ và hai xã Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông của huyện Long Mỹ (Hậu Giang) rất bức xúc trước tình trạng nước sông ô nhiễm. Đã nhiều ao cá chết hàng loạt và rau nhút của người dân trồng ven sông cũng bị héo đọt. Người dân ở đây cho biết, từ đầu tháng 4 đã có mùi hôi thối nồng nặc vì nước dưới sông Cái Lớn, sông Trà Ban và một số nhánh kênh, rạch trong vùng chuyển sang màu đen như mực tàu. Cũng từ đó, cá nuôi trong ao và cá ở ngoài sông cũng nổi lên chết hàng loạt. Qua khảo sát, không chỉ có cá nuôi bị thiệt hại mà khoảng 10ha rau nhút của người dân trồng ven sông cũng bị héo đọt. Hàng trăm hộ nuôi thủy sản phía trong ruộng cũng bị ảnh hưởng vì nguồn nước ô nhiễm đã xâm nhập vào nội đồng. Nhiều hộ dân ở đây đã đầu tư tất cả tiền bạc vào nuôi cá nhưng giờ cá đã chết gần hết. Chính nguồn nước ô nhiễm do nhà máy đường – cồn Long Mỹ Phát đổ ra sông làm nhiều nông dân đứng trước nguy cơ trắng tay. Các cơ quan chức năng huyện Long Mỹ đã kết hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang đã lấy mẫu nước mang đi

phân tích để tìm nguyên nhân chính xác dẫn đến cá chết hàng loạt. Qua phân tích mẫu nước cho thấy hàm lượng BOD, COD đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt chỉ tiêu coliform vượt đến 1.533 lần.

Qua ba sự việc nêu trên, chúng ta có thể thấy được thiệt hại mà ô nhiễm nguồn nước gây ra đối với nghề nuôi trồng thủy sản là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của hàng trăm hộ gia đình chỉ sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản.

Thứ ba, tình trạng ngập úng và đất đai bị nhiễm mặn làm giảm năng suất thu hoạch trong nông nghiệp.

Như chúng ta đã biết, biến đổi khí hậu hay cụ thể là quá trình ấm lên của khí hậu sẽ có tác động tiêu cực tới toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nước ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng nhất, đặc biệt là với 72% người dân nông thôn có liên quan đến nông nghiệp. Hàng triệu người cũng phải di chuyển để tránh ngập, gây xáo trộn và làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Theo ước tính của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nếu xác định nước biển dâng ở mức 1m, Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập 5.000 km2 và Đồng bằng sông Cửu Long bị mất 15.000 – 20.000 km2, mà đây là hai vựa lúa lớn nhất, tập trung đông dân cư nhất cả nước. Mất đất, sản lượng lương thực của Việt Nam sẽ giảm 12% (xấp xỉ 5 triệu tấn). Hơn nữa, một diện tích lớn khác của hai đồng bằng trên bị nhiễm mặn, nếu tính gộp vào, số sản lượng lương thực bị giảm còn lớn gấp nhiều lần, tới hàng chục phần trăm. Như vậy, bài toán lương thực sẽ là cực kỳ khó khăn trong khi đất lúa chỉ còn 4,2 triệu ha và mỗi năm đang mất đi khoảng 102.000 ha nữa (chủ yếu do giao thông và công nghiệp). Mất khoảng 12 – 14% diện tích đất nữa do ngập nước, chủ yếu là đất trồng lúa, sẽ mất thêm gần 5 triệu tấn thóc, coi như không có gạo xuất khẩu, Vậy chúng ta nên giải

bài toán năng suất này như thế nào?. Ban chỉ đạo về Biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, năng suất cây trồng cũng sụt giảm rõ rệt. Ví dụ, năng suất trồng ngô sẽ giảm từ 5 – 20% nếu nhiệt độ tăng lên 1oC và giảm tới 60% nếu nhiệt độ tăng lên 4oC. Kết quả của Viện nghiên cứu Lúa quốc tế cho thấy, năng suất lúa cũng sẽ giảm 10% đối với mỗi 1oC tăng lên.

Thứ tư, một số trường hợp giảm hiệu quả kinh tế do tài nguyên môi trường mà người dân gián tiếp sử dụng bị hư hại, chẳng hạn những lưu vực sông có rừng bị chặt phá nhiều thì sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế do lụt ở vùng hạ lưu.

Rừng là yếu tố giữ nước, điều hòa nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ đất, cây trồng và vật nuôi nông nghiệp. Ảnh hưởng của rừng rõ nét nhất chính là mùa mưa lũ. Rừng đầu nguồn nếu được bảo vệ tốt sẽ trở thành những lá chắn vững vàng ngăn dòng nước lũ đầu nguồn, vừa giữ nước cho cây lâm nghiệp, vừa làm giảm dòng chảy của mưa lũ đối với vùng đồng bằng, giảm bớt thiệt hại do úng ngập gây ra cho cây trồng nông nghiệp và môi trường sống của đàn gia súc, gia cầm.

Tần suất và diện xảy ra của lũ quét, lũ bùn đá ngày càng phức tạp khi môi trường bị tác động thông qua các hoạt động kinh tế. Nếu như từ năm 1959 – 1989 chỉ có 16 nơi xảy ra lũ, thì trong hơn 10 năm tiếp sau đã có 25 trận lũ và đã có gần 1.000 người chết do lũ, tổng thiệt hại ước tính gần 2.000 tỷ đồng. Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang là những địa bàn bị lũ quét nặng nhất. Nguyên nhân đó là do những tập quán sản xuất, sinh sống lạc hậu của người dân, các sườn dốc trong lưu vực của các tỉnh này đều được tận dụng triệt để làm nương rẫy, phương thức độc canh liên tục trên sườn dốc làm cho đất bị xói mòn, trượt lở, lũ mạnh. Ngoài ra, nạn chặt phá rừng và

khai thác khoáng sản trái phép cũng là nguyên nhân chủ yếu làm trượt đất, lũ quét, lũ bùn đá gia tăng trong những năm gần đây tại các tỉnh miền núi ở Việt Nam. Lũ quét do mưa lớn thường phát sinh ở khu đầu nguồn nơi rừng bị con người chặt phá nặng nề. Mưa to, nước không có rừng đỡ, chảy tràn mặt đồi xuống suối. Nước suối lên nhanh, lẫn nhiều đất đá làm trôi nhà cửa và hoa màu, gây nguy hiểm tới tính mạng của nhân dân.

Như vậy, hậu quả của ô nhiễm môi trường là rất lớn, nó tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; vì vậy đẩy mạnh phát triển kinh tế ở nước ta cần phải đi đôi với việc bảo vệ và giữ gìn sự trong sạch của môi trường. Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài trong tương lai.

Một phần của tài liệu Môi trường trong việc phát triển bền vững ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 64 - 69)