II. Môi trường trong việc phát triển bền vững
3. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới về giải quyết mối quan hệ
3.2. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Từ đầu thế kỷ XX, nhiều nước trên thế giới trong đó có Nhật Bản, một quốc gia tư bản công nghiệp đầu tiên của phương Đông, đã hình thành nhiều trung tâm công nghiệp lớn. Thông thường, gắn liền với các trung tâm công nghiệp đó là các khu tập trung dân cư. Sự tập trung quá mức các ngành sản
xuất và dân cư vào những khu vực địa lý nhất định tự thân nó đã gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái và dẫn đến ô nhiễm môi trường sống.
Trong các quốc gia thuộc khối Đông Bắc Á, Nhật Bản là nước đông dân (126,4 triệu, đứng thứ tám trên thế giới) nhưng lại có diện tích tương đối nhỏ (378.000 km2), vì thế, mật độ dân số của Nhật Bản khá cao – tính trung bình mật độ là 336 người/km2. Hơn thế, phần lớn diện tích lãnh thổ Nhật Bản là đồi núi nên trên thực tế đại bộ phận cư dân sống trên một diện tích nhỏ hơn 10% diện tích đất nước. Điều đó có nghĩa là, ở nhiều vùng của Nhật Bản mức độ tập trung dân số là rất cao. Hơn 70% dân số Nhật Bản sống trong các đô thị. Tokyo, thủ đô đồng thời là thành phố lớn nhất của Nhật Bản, chỉ riêng khu vực nội đô đã có quy mô dân số tới 12 triệu người. Chính tình trạng phân bố dân cư không đều giữa các vùng và mức độ tập trung cao ở một số đô thị tự thân nó đã tiềm ẩn nguy cơ bùng phát về mức độ ô nhiễm.
Trở lại lịch sử, sau những thành công của cuộc Cải cách Minh Trị (1868 – 1912), Nhật Bản bắt đầu tiến nhanh vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do còn thiếu kinh nghiệm trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như vì lợi ích kinh tế tối đa mà chính quyền cũng như giới chủ tư bản đã không chú trọng đến những tác nhân tương phản của sự phát triển. Trong những thập niên 50 đến 70 của thế kỷ XX, thời gian mà nền kinh tế Nhật Bản được đánh giá là đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, xã hội Nhật Bản đã phải đối diện với tình trạng ô nhiễm trầm trọng, nhất là tại các trung tâm công nghiệp và đô thị lớn.
Trong quá trình phát triển của Nhật Bản, hiện tượng ô nhiễm môi trường có quy mô lớn đầu tiên là sự kiện gây ô nhiễm ở mỏ đồng Ashio, khu mỏ có trữ lượng lớn nhất Nhật Bản, đã được đưa vào khai thác từ năm 1884 và luôn chiếm vị trí hàng đầu về sản lượng khai thác. Do sử dụng những
thiết bị khai thác lạc hậu và không chú trọng đến việc bảo vệ môi trường nên chỉ sau một thời gian, lượng khí thải và hóa chất từ khu mỏ này đã tàn phá một diện tích đất canh tác rộng lớn đồng thời làm tàn lụi cả những khu rừng xung quanh. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế cũng như thời bấy giờ giới tài phiệt Nhật Bản đang cần một số lượng kim loại lớn phục vụ chiến tranh nên vấn đề ô nhiễm đã không được quan tâm và mức độ ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, đặc biệt là những năm 1950 – 1960, chiến lược kinh tế của Nhật Bản tập trụng vào việc phát triển công nghiệp nặng đặc biệt là một số ngành như hóa chất, hóa dầu, luyện kim… do muốn đạt đến lợi nhuận tối đa nên giới chủ doanh nghiệp không muốn lắp đặt và sử dụng công nghệ phòng chống ô nhiễm. Theo đó, đầu tư cho việc chống ô nhiễm được coi là loại đầu tư “phi kinh tế”, không đem lại lợi nhuận. Và phải sau khi xảy ra bốn sự kiện nghiêm trọng về môi trường thì Chính phủ Nhật Bản mới can thiệp sâu hơn vào vấn đề môi trường, đó là các sự kiện:
Thứ nhất, nhiễm độc thủy ngân ở Minamata. Đây là một khu vực chuyên về đánh bắt thủy sản ở phía Nam Nhật Bản và khu vực này bị nhiễm độc thủy ngân rất nặng. Vào đầu những năm 1950, nhiều người dân ở khu vực này bị mắc những chứng bệnh lạ như run rẩy chân tay, bại liệt, mất trí nhớ và một số trường hợp nặng hơn đã bị tử vong. Những dấu hiệu nguy hiểm bắt đầu ở chó, mèo và chim, sau đó là người. Qua điều tra, người ta thấy công ty sản xuất hóa chất Chisso chính là thủ phạm. Trong quá trình sản xuất, công ty này đã thải ra sông, biển các loại hợp chất có chứa thủy ngân làm cho các loài thủy sản ở đây cũng bị nhiễm thủy ngân, sau đó người dân ở các khu vực này ăn các loại hải sản đó và bị nhiễm độc thủy ngân. Đây là kết quả điều tra đầu tiên của các nhà nghiên cứu ở Đại học Kumando
công bố vào cuối những năm 1950 đầu những năm 1960. Những cư dân bị nhiễm độc đã kiện công ty này và sau nhiều lần thưa kiện, cuối cùng tòa án phán xét công ty Chisso phải bồi thường thiệt hại cho những người bị nhiễm độc và cam kết không thải các chất độc hại vào môi trường. Sự kiện này được coi là tiếng chuông cảnh tỉnh đầu tiên đối với các nhà kinh doanh và giới chức Nhật Bản trước việc bảo vệ môi trường sống của con người.
Thứ hai, nhiễm độc thủy ngân ở Nigata. Trên thực tế sự kiện này cũng diễn ra tương tự như ở Minamata và lần này thủ phạm là công ty khai khoáng Showa Denko. Vào năm 1965, nhiều người dân sống ở hạ lưu sông Agano bị mắc các chứng bệnh giống như những người dân bị nhiễm độc thủy ngân ở Minamata. Ngay sau đó các cuộc điều tra được tiến hành và không khó khăn gì người ta phát hiện ra rằng cá, tôm ở khu vực này bị nhiễm độc thủy ngân rất nghiêm trọng và người dân nơi đây đã ăn các loại thực phẩm bị nhiễm độc đó, hậu quả là họ bị nhiễm độc thủy ngân. Nhiều vụ kiện đã xảy ra và người dân nơi đây đã đòi hỏi chính quyền địa phương phải có các biện pháp mạnh nhằm buộc công ty này chấm dứt việc thải các chất độc hại vào môi trường. Tới năm 1971, công ty này đã phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và cam kết xử lý các phế thải trước khi đổ chúng vào môi trường.
Thứ ba, nhiễm độc Cadimi ở Toyama. Triệu chứng của nhiễm độc Cadimi là mất cảm giác thèm ăn và nhạy cảm với các thương tổn cơ thể, trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong. Tiếng Nhật gọi căn bệnh này là “Itai – Itai”, nghĩa là tiếng khóc của một người khi bị đau đớn về thể chất. Bệnh này xuất hiện ở một vùng ngoại ô Toyama, bên bờ biển Tây Nhật Bản từ những năm 20 của thế kỷ trước, nhưng mãi đến năm 1965 người ta mới tìm được nguyên nhân. Thủ phạm là công ty khai khoáng
Mitsui, chuyên về khai mỏ và chế biến kẽm và họ đổ chất thải xuống các sông, hồ gần đó; người dân đã lấy nước từ các sông hồ này tưới tiêu. Nước tưới này có chứa nhiều chất Cadimi, được dùng để chăm sóc cây trồng như đậu, ngô, khoai, lúa và người dân đã ăn phải những loại lương thực nhiễm độc này; kết quả, họ mắc các chứng bệnh như trên. Sau nhiều năm khiếu kiện, tới đầu những năm 1970, các nạn nhân đã thắng và công ty này đã cam kết đổi mới công nghệ, bồi thường thiệt hại và không gây ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, ô nhiễm công nghiệp ở Yokakaichi. Đây là khu công nghiệp tập trung nằm ở phía nam Nagoya. Khu này được quy hoạch và chuyên sản xuất các loại hóa chất và chế biến dầu mỏ. Các nhà máy ở đây đã thải vào không khí một lượng ôxit sunfua rất lớn và nhiều cư dân địa phương đã bị bệnh phổi do họ hít thở không khí ô nhiễm sunfua. Những người dân ở đây đã đệ đơn kiện đòi hỏi Chính phủ phải can thiệp để buộc các doanh nghiệp không thải sunfua vào không khí. Đứng trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản đã phải can thiệp trực tiếp vào vấn đề này. Năm 1970, một cơ quan đặc biệt chuyên về tư vấn và soạn thảo chính sách môi trường được thành lập trực thuộc Chính phủ Nhật Bản. Chức năng của cơ quan này giống như một Ủy ban quốc gia, chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác nhằm giúp Chính phủ Nhật Bản can thiệp trực tiếp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cũng vào năm 1970, Nghị viện Nhật Bản đã thông qua 14 dự luật quy định các tiêu chuẩn về chất thải đối với từng loại ô nhiễm, đồng thời đề ra quy chế kiểm soát các chất thải công nghiệp như ôxit lưu huỳnh, ôxit nitơ, ôxit cacbon, bụi…Theo “Luật chống ô nhiễm không khí”, khí thải bắt buộc phải được kiểm soát tại các nhà máy, xí nghiệp. Nhờ đó, đến cuối thập kỷ 60
tình trạng ô nhiễm và số bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp đã có phần suy giảm. Để bảo vệ môi trường, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ. Năm 1971, Nhật Bản đã thành lập một cơ quan chuyên trách đó là Cục Môi trường. Đây là một cơ quan có chức năng ngang bộ và việc thành lập Cục môi trường đã cho thấy có sự chuyển biến trong chính sách, từ chỗ chỉ nhấn mạnh đến tăng trưởng kinh tế sang một chính sách cũng quan tâm đến các giá trị khác như việc bảo vệ môi trường. Tại các địa phương, các cơ quan bảo vệ môi trường cũng được thiết lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Cục môi trường trung ương với phương châm: Sử dụng tiềm lực kinh tế ngày càng to lớn do đạt tốc độ tăng trưởng cao để ngăn chặn nạn ô nhiễm và cải thiện điều kiện môi trường. Chính phủ đã đề ra tiêu chuẩn bảo vệ môi trường rất ngặt nghèo và thi hành triệt để các biện pháp chống ô nhiễm. Trong những năm 70, nền kinh tế Nhật Bản đã thể hiện mạnh mẽ đặc tính phát triển của nó và đại đa số công chúng đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của môi trường cũng như thực hiện phương châm giải quyết các vấn đề môi trường gắn liền với sự tăng trưởng. Điều rõ ràng là, khi môi trường đã bị ô nhiễm, sự cân bằng sinh thái đã bị phá vỡ thì dường như không thể khôi phục lại như trạng thái ban đầu. Trong rất nhiều trường hợp, sức khỏe con người khi đã bị tổn thương cũng không thể bình phục. Để khẳng định nguyên tắc đó, năm 1973 “Luật đề bù cho sự thiệt hại về sức khỏe do ô nhiễm” đã được ban hành. Theo đó, người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mặt khác, các cơ sở, xí nghiệp sản xuất phải thực thi nghiêm túc các biện pháp cải tiến kỹ thuật để ngăn chặn ô nhiễm trong quá trình sản xuất. Trong trường hợp ô nhiễm xảy ra, dù là do vô tình hay sự cố kỹ thuật, thì cơ sở đó cũng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trên thực tế, cũng có những trường hợp, các biện pháp phòng ngừa được thực hiện khá toàn diện nhưng sự cố gây ô nhiễm vẫn xảy ra. Do vậy, kinh nghiệm của Nhật Bản là phải động viên nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống ô nhiễm môi trường và sớm đưa ra công luận về thực trạng ô nhiễm. Nhờ đó, đến năm 1977, trong báo cáo với tiêu đề “Kinh tế Nhật Bản – Chính sách môi trường đã thu được thành công như thế nào?” tổ chức OECD đã đánh giá cao về khả năng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở Nhật Bản. Các biện pháp chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Nhật Bản là rất hiệu quả. Cùng với những quy định và đạo luật trên đây, năm 1988, Nhật Bản đã ban hành một đạo luật quy định việc chế tạo và sử dụng chất chlorofluorocarbon, một loại hóa chất gây hủy hoại tầng ôzôn. Năm 1991, lại tiếp tục ban hành “Luật tái chế các nguyên liệu thải loại”. Từ đầu năm 1994, “Luật cơ bản về môi trường” của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực. Cùng với các luật do trung ương ban hành, 47 tỉnh của Nhật Bản cũng đề ra các quy định, quy chế bổ sung để phù hợp với việc bảo vệ môi trường ở từng địa phương.
Bước vào thập kỷ 80, phần lớn người dân Nhật Bản đã nhận thức rõ rằng ô nhiễm đã vượt qua phạm vi biên giới của mỗi quốc gia và đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Nạn ô nhiễm môi trường đã phá hoại nặng nề môi trường sống trên hành tinh. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức được phải thay đổi, thậm chí là phải sớm loại bỏ hệ thống sản xuất, tiêu dung cũ, thay vào đó là cách thức sản xuất và hệ thống thiết bị mới an toàn, hiệu quả hơn. Như vậy, có một nguyên tắc luôn phải đặt ra là, trong các dự án sản xuất và phát triển tổng thể phải có phần đánh giá môi trường và giải pháp xử lý, bảo vệ môi trường. Những yếu tố như: công viên, cây xanh, hệ thống lọc nước sinh hoạt và hệ thống phòng chống ô nhiễm bao gồm cả việc
xây dựng quy trình xử lý nước thải là những bộ phận không thể thiếu của các dự án. Bởi vì, việc bảo vệ môi trường, không ngừng hoàn thiện môi trường sống, môi trường làm việc chính là nhằm bảo vệ con người, sức lao động và trí sáng tạo của họ cho công cuộc phát triển đất nước.
Nhờ những chính sách đồng bộ nêu trên mà điều kiện môi trường ở Nhật Bản đến cuối những năm 80 đã được cải thiện. Năm 1989, lần đầu tiên trong lịch sử, “Hội nghị nguyên thủ các nước phát triển” đã họp tại Paris đã đưa vấn đề môi trường vào trong chương trình nghị sự. Những người đứng đầu các nước đã khẳng định trách nhiệm và sự phối hợp quốc tế trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh đó, do hoạt động kinh tế của Nhật Bản diễn ra ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, nên nhiều nước cũng đặt ra yêu cầu Nhật Bản phải có những đóng góp thỏa đáng cho hoạt động phòng ngừa và xử lý ô nhiễm. Như vậy, với tư cách là một cường quốc kinh tế thế giới, việc bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại trên phạm vi lãnh thổ Nhật Bản mà đồng thời còn phải được thực hiện ở nhiều quốc gia. Nhật Bản là nước có những hành động tích cực trong việc cung cấp tài chính và thiết bị kỹ thuật bảo vệ môi sinh và phòng chống ô nhiễm.
Bảo vệ môi trường, ý thức gìn giữ cho đời sống xã hội luôn trong sạch và yên bình không chỉ dừng lại trong các hoạt động của Chính phủ, các cấp chính quyền, các nhà khoa học và quản lý kinh tế, ngày nay Nhật Bản đang đẩy mạnh các chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường. Vấn đề tự nhiên và bảo vệ môi trường đang là nội dung quan trọng của tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục Nhật Bản. Ngoài việc thành lập các “Hội xanh”, “Hội bảo vệ động vật” và thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt như tục dung đũa một lần… cũng đã có hàng trăm trường phổ thông ở các địa phương thực hiện tiếp nhận học sinh theo mô hình “Trường học thôn quê
cho trẻ em thành phố”. Trong các ký túc xá ở vùng quê, vào những khoảng thời gian nhất định trong năm, mỗi học sinh từ thành phố về phải tự lo cho mình các sinh hoạt cơ bản, phải đi bộ (thường là 3 đến 4km) đến trường học. Vào những ngày nghỉ, các em được hòa đồng với cuộc sống của nông dân, tham gia công việc đồng áng hay cắm trại, trượt tuyết… cùng với học sinh nông thôn. Bằng cách đó, người ta muốn nuôi dưỡng và giáo dục tính tự lập. tình cảm tự nhiên cũng như tình yêu thiên nhiên cho thế hệ trẻ.
Nếu so sánh chúng ta thấy, các nước đang phát triển thường có khuynh hướng ưu tiên cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà ít chú trọng