Thời hạn sử dụng đất tính từ ngày có quyết định giao, cho thuê của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để được gia hạn thời hạn sử dụng đất cần phải có đủ 3 điều kiện39: khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt
Căn cứ theo Luật Đất đai năm 2003, thì đến tháng 10 năm nay đã có rất nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp hết hiệu lực do hết thời hạn sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay cơ chế gia hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc và gần như không thể thực hiện được.
Để giải quyết việc này, việc sửa đổi các quy định của Luật Đất đai năm 2003 đã được trình lên Quốc hội để lấy ý kiến. Tuy nhiên, cho đến nay, khi ngày hết hạn sử dụng đất đã tới gần thì Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa được thông qua. Trong tình thế này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 49/2013/QH13 để tạm thời gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân. Nghị quyết quy định: hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực thi hành, khi đó thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân áp dụng theo quy định của Luật đất đai (sửa đổi). Việc gia hạn này sẽ làm cho người dân yên tâm hơn, không phải thấp thỏm lo bị thu hồi đất và ở góc độ nào đó, sẽ thúc đẩy sản xuất vì người dân yên tâm nâng quy mô sản xuất.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về gia hạn thời hạn sử dụng đất
Khi hết thời hạn sử dụng đất, chủ thể sử dụng đất được chủ thể có thẩm quyền giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất, quyết định gia hạn thời hạn sử dụng để tiếp tục sử dụng đất với thời hạn quy định. Vì vậy thấm quyền giải quyết khiếu nại về gia hạn thời hạn sử dụng đất cũng là thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định giao đất, cho thuê đất. Cụ thể:
39
- Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về gia hạn thời hạn sử dụng đất của mình đối với chủ thể đã được cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
- Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất của mình đối với hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về gia hạn thời hạn sử dụng đất của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình trong việc gia hạn thời hạn sử dụng đất đối với tổ chức; cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài. Giải quyết khiếu nại lần hai trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu về thời hạn sử dụng đất hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại chưa được giải quyết của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên vả Môi trường giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về gia hạn thời hạn sử dụng đất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
2.3 Quy định về khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai
2.3.1 Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại được hiểu là khoảng thời gian cần thiết đặt ra đối với người khiếu nại kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính đó mà tự quyết định thực hiện khiếu nại hay không. Thời hiệu khiếu nại có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm tính liên tục, ổn định của nền hành chính, bảo đảm giải quyết khiếu nại được nhanh chóng, có hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, khiếu nại của công dân xảy ra phổ biến ở khắp các địa phương trên cả nước, nếu như pháp luật không quy định cụ thể sẽ dễ dẫn tới trường hợp khiếu nại về một vụ việc phát sinh từ nhiều năm trước, các quyết định hành chính, hành vi hành chính đã được thực hiện hay kết quả thực hiện những quyết định đó đã có nhiều biến đổi, gây khó khăn trong việc giải quyết. Vì vậy, khiếu nại cần được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Thời hiệu khiếu nại đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là Luật khiếu nại năm 2011 và một số văn bản pháp luật về đất đai. Cụ thể là tại Điều 138 Luật Đất đai năm 2003 (sửa đổi tại Điều 264 Luật tố tụng hành chính năm 2010) quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại được áp dụng theo pháp luật về khiếu nại, thì thời hiệu khiếu nại cũng được áp dụng theo pháp luật về khiếu nại. Điều này khắc phục được mâu thuẫn giữa pháp luật đất đai và pháp luật khiếu nại về thời hiệu khiếu nại. Vì tại Điều 138 Luật Đất đai trước khi sửa đổi quy định “thời hiệu khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lí đất đai là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính đó”, còn Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định “thời hiệu khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cấp huyện là 90 ngày, cấp tỉnh là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai”, trong khi đó thì Luật khiếu nại năm 2011 lại kéo dài thời hiệu lên 90 ngày. Chính điểm không thống nhất này đã khiến không ít người dân gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền công dân của mình. Trong khi những vụ việc khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai, người dân sẽ rất khó xác định được thời hiệu là 30 ngày hay 90 ngày, quyền và lợi ích của họ sẽ do luật nào điều chỉnh? Dễ thấy, không phải bất cứ người nào cũng hiểu hết quy định về khiếu nại cũng như xác định được quyền lợi của mình. Hơn thế nữa, việc quy định mâu thuẫn như vậy đã gây khó khăn cho người có thẩm quyền trong việc áp dụng luật để giải quyết khiếu nại. Vì vậy, kể từ khi Luật tố tụng hành chính năm 2010 ra đời quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai đã giải quyết được những vướng mắc về áp dụng thời hiệu.
Việc quy định thời hiệu khiếu nại hợp lý sẽ phần nào bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình. Bởi thời gian tìm hiểu và phát hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính có đúng hay không sẽ
mất nhiều thời gian. Do vậy, quy định về thời hiệu là 90 ngày và mốc tính thời hiệu như trong Luật khiếu nại năm 2011 sẽ hợp lý hơn cả, giúp người dân xác định rõ cũng như cân nhắc kỹ khi khiếu nại, góp phần làm giảm bớt tình trạng khiếu nại “bừa” khiến nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng theo quy định của pháp luật nhưng vẫn bị đưa ra xem xét, gây mất nhiều thời gian cho chủ thể có thẩm quyền trong quá trình giải quyết.