Hiện nay, với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu, áp lực suy thoái và những khó khăn nhiều chiều từ nền kinh tế, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quản trị rủi ro và xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) nhằm giúp tổ chức hạn chế những sự cố, mất mát, thiệt hại, và tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức. Tuy nhiên, khi đề cập đến hệ thống KSNB, mỗi tổ chức lại hiểu khác nhau; việc triển khai hệ thống KSNB trong các tổ chức cũng theo những cách thức khác nhau và thường theo kinh nghiệm tích lũy được.
Trong bất kỳ tổ chức nào, dưới góc nhìn của nhà quản lý, cũng cần có hai hệ thống chạy song song. Thứ nhất đó là hệ thống đáp ứng yêu cầu kinh doanh, bao gồm các phòng ban chức năng, các quy trình thủ tục, các công việc cần thiết để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của tổ chức. Tuy nhiên, bất kỳ công việc nào, quy trình nào thực hiện ở trên cũng đều đối diện với những nguy cơ, sự cố, hay rủi ro tác động làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu của công việc đó và tùy theo mức độ, gây ảnh hưởng từ thiệt hại trong mức chấp nhận được đến nguy cơ phá sản tổ chức.
Nhằm giảm rủi ro cho tổ chức ở ngưỡng chấp nhận được, hệ thống thứ hai – kiểm soát nội bộ, được thiết lập trên cơ sở các biện pháp, chính sách, thủ tục, tinh thần, giá trị, chức năng, thẩm quyền của những người liên quan và trở thành phương tiện sống còn trong hoạt động của mọi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, cải tiến hiệu quả hoạt động, hạn chế các sự cố, và hoàn thành mục tiêu của tổ chức.
Sự cần thiết phải xây dựng hệ thống KSNB nhưđã nêu trên là vô cùng bức bách và tối quan trọng cho mọi tổ chức. Tuy nhiên, hệ thống KSNB bao gồm những thành phần gì, phương pháp xây dựng ra sao, phương pháp nào đểđánh giá tính khả thi của hệ thống KSNB, phương pháp nào để cải tiến hệ thống KSNB,v.v… vẫn còn là thắc mắc của rất nhiều tổ chức.
Một số tổ chức mơ hồ về hệ thống kiểm soát nội bộ. nhầm lẫn về mặt chức năng giữa KSNB và kiểm toán nội bộ. Một số khác mơ hồ về phương pháp tiến hành xây dựng hệ thống KSNB, không hiểu rõ sự tương quan của hệ thống KSNB và hệ thống phòng ban chức năng và quy trình hoạt động của tổ chức., v.v.
Tất cả các vấn đề trên cần phải được giải quyết thông qua việc hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về hệ thống KSNB, các thành phần, phương pháp xây dựng, phương pháp đánh giá và cải tiến,… một cách bài bản và hệ thống. (Viện FMIT ĐÀO TẠO & TƯ VẤN QUỐC TẾ, Kiểm soát nội bộ là phương tiện sống còn của doanh nghiệp, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2015, http://fmit.vn/tin-tuc/kiem-soat-noi-
bo-la-phuong-tien-song-con-cua-doanh-nghiep/72/)