6. Kết cấu luận án
5.2. Hàm ý chính sách
Các hàm ý chính sách có thể rút ra là:
Thứ nhất, (i) Lấy lại và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế khoảng 8% năm tùy theo khả năng của địa phương, tránh chạy theo phong trào và sự nôn nóng tăng trưởng nhanh hơn khả năng; Tăng trưởng kinh tế ở VKTTĐTB phải thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của cả vùng miền Trung – Tây Nguyên. (ii) Phải phát huy các động lực cũ và tạo ra những động lực mới để có được gia tốc mới cho nền kinh tế trên cơ sở giải quyết ba vấn đề then chốt của nền kinh tế là đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng từ đó phát huy được vai trò của công nghiệp và dịch vụ cũng như nền kinh tế Đà Nẵng. Thực hiện liên kết chặt chẽ và phân công lao động hợp lý giữa các tỉnh trong vùng tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau thay vì cạnh tranh. (iii) Điều chỉnh cách thức tạo ra tăng trưởng theo hướng thúc đẩy chuyển từ chủ yếu gia tăng sản lượng nền kinh tế theo chiều rộng sang gia tăng sản lượng hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô
vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Trong những năm đến, một mặt khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên, lao động và khả năng tích lũy vốn của chính vùng. Quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gắn quản lý bảo vệ khai thác và sử dụng. Khai thác tốt tiềm năng lao động, chuyển từ lao động giá rẻ sang lao động có trình độ cao trên cơ sở tập trung phát triển nguồn nhân lực. Sử dụng vốn tiết kiệm và hiệu quả gắn với khả năng của nền kinh tế, định hướng đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thâm dụng lao động dịch chuyển dần tới thâm dụng công nghệ; Vừa phát huy tiềm năng thế mạnh của nền kinh tế, vừa tận dụng lợi sự hỗ trợ của Trung ương và cơ hội từ đổi mới thể chế của nhà nước và quá trình hội nhập mở cửa của nền kinh tế. (v) Cần phải quan tâm hơn tới chính sách phân phối ngay từ bảo đảm yếu tố sản xuất để tạo việc làm tăng thu nhập giảm nghèo bền vững. Cùng với đó là thực thi các chính sách phân phối lại hợp lý phù hợp với điều kiện của từng địa phương và toàn vùng.
Thứ hai, (i) Xu thế BBĐ thu nhập tăng theo quá trình tăng trưởng trong ngắn hạn thường ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa của các nền kinh tế là một thực tế khách quan cần được nhận thức đúng và không né tránh. Cần tránh tư tưởng sợ BBĐ thu nhập tăng mà hạn chế tăng trưởng kinh tế, kìm hãm khả năng làm giàu chính đáng của người dân nhất là doanh nghiệp. (ii) Trong bối cảnh các tỉnh trong VKTTĐTB cần có những chính sách kinh tế phù hợp để tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế để có thể duy trì và tăng nhanh thu nhập của tất cả các nhóm dân cư. Trong việc lựa chọn chính sách thích hợp nhất hiện nay là tăng trưởng kèm với giải quyết vấn đề xã hội. Nghĩa là các chính sách này cần: kích thích những người có năng lực tài chính, vốn nhân lực…làm giàu hơn mà quan trọng nhất là thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế và tạo điều kiện cho những nhóm yếu thế- người nghèo có thể tiếp cận nguồn lực và nâng cao năng lực của họ để có thể tự mình có được thu nhập ngày càng cao nhờ thích ứng tốt hơn với môi trường
kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. (iii) Các tỉnh trong VKTTĐTB cần có những chính sách xã hội phù hợp hơn không chỉ để bảo đảm phân phối lại thu nhập tốt hơn mà còn cải thiện và giúp cho người nghèo nhiều cơ hội để hưởng thụ các dịch vụ xã hội với chất lượng ngày càng cao, trong đó đặc biệt là dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo và an sinh xã hội. Các chính sách này cũng cần phải tính tới khả năng huy động các nguồn lực của xã hội như sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời với đó cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong và ngoài hệ thống chính trị ở Việt Nam. (iv) Các tỉnh trong VKTTĐTB cần có sự phối hợp và liên kết các chính sách kinh tế xã hội để bảo đảm sự phát triển cao ở tất cả các tỉnh. Rất khó có thể giải quyết được BBĐ thu nhập trong tăng trưởng của một địa phương khi các địa phương khác không thực hiện tốt do hiệu ứng từ di dân giữa các tỉnh do ảnh hưởng từ sự chênh lệch thu nhập và điều kiện sống giữa họ. Các chính sách này cần có sự thống nhất cao, tương thích, sự phân công và hợp tác với nhau giữa các tỉnh.
Thứ ba, BBĐ thu nhập tăng khá nhanh trong những năm qua. Sự gia tăng của hiện tượng này lại ảnh hưởng tốt thuận tới tăng trưởng kinh tế và điều này cũng trùng với kết quả các nghiên cứu khác trên thế giới và ở Việt Nam. Do đó, cần nhận thức đúng về tính hai mặt của hiện tượng này. Một mặt nó làm cho khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư cao hơn, phân hóa giàu nghèo sẽ lớn hơn. Mặt khác nó tạo ra khả năng tích lũy cao cho những người có điều kiện và khả năng về trình độ cao về mọi mặt và biết nắm bắt cơ hội kinh doanh để tạo ra thu nhập cho mình và công ăn việc làm đóng góp thuế cho nền kinh tế. Chính họ đang tạo ra các doanh nghiệp năng động thúc đẩy phát triển kinh tế. BBĐ thu nhập cao hơn nhưng nhìn tổng thể thu nhập của người nghèo vẫn tăng giúp họ cải thiện mức sống. Từ đó cần có chính sách kích thích và tạo điều kiện cho những người giỏi có năng lực phát huy được khả năng của họ để làm giàu và tích lũy cho nền kinh tế. Đồng thời có các
chính sách an sinh xã hội đồng bộ để cải thiện và nâng cao tương lai kinh tế và chất lượng cuộc sống cho những nhóm yếu thế và người nghèo.
Thứ tư, cần có chính sách và giải pháp cải thiện dịch vụ y tế ở tất cả các tỉnh trong VKTTĐTB theo hướng phát triển một ngành dịch vụ của nền kinh tế bảo đảm cung cấp dịch vụ với chất lượng cao và tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ đó vừa đóng góp vào tăng trưởng vừa bảo đảm cung cấp dịch vụ cho các nhóm yếu thế và người nghèo. Điểm mấu chốt là các địa phương ở đây phải có chính sách phù hợp để thu hút thêm nhằm duy trì số lượng và tăng dần số bác sỹ nhất là bác sỹ giỏi cho địa phương. Các chính sách phải đồng bộ và liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh để tránh sự cạnh tranh lẫn nhau trong thu hút bác sỹ giỏi. Đồng thời liên kết và hỗ trợ nhau trong khai thác, sử dụng và phát triển hạ tầng y tế trong vùng.
Thứ năm, tạo điều kiện phát triển hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng nâng cao hiệu quả và hiệu năng của hệ thống này để đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn nhân lực cho khu vực. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nhất là lao động nông thôn và thanh niên để tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề. Tăng cường cung cấp kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh các ngành nghề gắn với nông nghiệp và nông thôn. Thực hiện phân luồng học sinh các cấp tạo ra cơ cấu đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Thứ sáu, cần điều chỉnh chiến lược giảm nghèo theo hướng bền vững hơn, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn lực và nâng cao khả năng sản xuất kinh doanh của họ thay vì chính sách trợ cấp và bảo trợ. Cần có những chính sách đặc thù với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các địa phương.
Thứ bảy, quan tâm chăm sóc người già nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong bối cảnh hiện tượng già hóa ngày càng nhanh, một mặt tổ chức thực hiện tốt luật người cao tuổi trong xã hội, đồng thời với việc hoàn thiện chính sách an sinh xã hội.
Thứ tám, cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đáp ứng với yêu cầu thực tế ở Việt Nam. Chính sách này cần hoàn thiện theo hướng đồng bộ với tất cả các bộ phận khác của lưới an sinh xã hội. Lưới an sinh xã hội gồm chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội, các chương trình chính sách trợ giúp thị trường lao động,…Góp phần tạo ra nhiều tầng khác nhau để bảo đảm an toàn cho các thành viên tham gia không bị rơi khỏi lưới an sinh xã hội. Cụ thể là: Mở rộng đối tượng tham gia hệ thống an sinh xã hội. Giải pháp này sẽ giúp mở rộng phạm vi bao phủ của hệ chính sách an sinh xã hội; Với bảo hiểm y tế, sẽ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hướng tới bảo hiểm toàn dân; Bảo hiểm xã hội, sẽ bảo đảm toàn bộ lao động khu vực chính thức ở đây tham gia bảo hiểm xã hội, thực thi nghiêm túc việc ký kết hợp đồng lao động và nghĩa vụ đóng bảo hiểm. Có kế hoạch mở rộng và tạo điều kiện cho lao động khu vực không chính thức, lao động nông nghiệp… tham gia bảo hiểm xã hội bằng cách đa dạng hóa hình thức tham gia; Bảo hiểm thất nghiệp cần mở rộng đối tượng bằng cách kêu gọi tự nguyện tham gia của các đơn vị sản xuất và người lao động tham gia với những hỗ trợ nhất định cả về tài chính, điều kiện mặt bằng kinh doanh và các chính sách khác của chính quyền các tỉnh.