Cơ sở lý luận về bất bình đẳng và bất bình đẳng thu nhập

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng ở vùng kinh tế trọng điểm trung bộ (Trang 32 - 35)

6. Kết cấu luận án

1.1.2.Cơ sở lý luận về bất bình đẳng và bất bình đẳng thu nhập

Bất bình đẳng là một khái niệm khá rộng vì tình trạng này có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Do vậy cũng sẽ có nhiều định nghĩa khác nhau về bất bình đẳng. Nhưng cũng cần phải xem xét thế nào là bình đẳng. Dưới đây sẽ điểm qua một số trong đó.

Từ điển bách khoa Việt Nam (1995) đưa ra định nghĩa:

“Bình đẳng là được đối xử như nhau về các mặt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, không phân biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó trước tiên và cơ bản nhất là bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng đã được quan niệm và thực hiện một cách khác nhau qua các thời kỳ lịch sử với các chế độ chính trị, xã hội khác nhau. Sự bình đẳng toàn diện và triệt để chỉ có thể thực hiện khi nào xóa bỏ được tình trạng không bình đẳng trong quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, xóa bỏ được cơ sở của sự bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, xóa bỏ mọi đặc quyền, đặc lợi trong xã hội”[19].

Tuy vậy nhưng dù đạt được sự đối xử như nhau về mọi mặt như vậy cũng không có nghĩa là không bất bình đẳng. Chính vì vậy trong Từ điển bách khoa Việt Nam (1995) lại định nghĩa:

“Bất bình đẳng xã hội là những khác biệt về địa vị xã hội, chủ yếu dựa trên sự khác biệt về nguồn gốc, gia đình, giai cấp xã hội, lợi ích kinh tế, ảnh hưởng chính trị, tài sản, giáo dục, tập quán và đạo đức trong một xã hội. Những tầng lớp giai cấp xã hội khác nhau trong xã hội nắm được quyền lực, chính trị và kinh tế đã gây ảnh hưởng và đưa đến sự bất bình đẳng trong xã hội” [19].

Theo lý thuyết về xã hội học, bất bình đẳng là một vấn đề trung tâm của xã hội học, nó là cơ sở tạo nên sự phân tầng xã hội. Bất bình đẳng không phải là hiện tượng tồn tại một cách ngẫu nhiên giữa các cá nhân mà nó xuất hiện khi có một nhóm xã hội kiểm soát và khai thác các nhóm xã hội khác.Khái niệm bất bình đẳng là sự không ngang bằng nhau về các cơ hội hoặc lợi ích đối với những cá nhân khác nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm [7].

Như vậy, bất bình đẳng xã hội gồm 2 loại: bất bình đẳng mang tính tự nhiên, đó là sự khác biệt giữa các cá nhân về các đặc điểm sẵn có (như: giới, tuổi, chủng tộc, trí lực, phẩm chất sẵn có…); Bất bình đẳng mang tính xã hội, đó là sự phân công xã hội xuất hiện cá nhân phân tầng và dẫn đến lợi ích khác nhau giữa các cá nhân. Nhìn trên quan điểm của các nhà xã hội học nghiên cứu về cơ cấu xã hội thì: bất bình đẳng được xem như là điều kiện để tổ chức xã hội, là cơ sở cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, đồng thời bất bình đẳng đảm bảo cho đời sống và phát triển xã hội.

Dù còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng có thể nói khái niệm về bất bình đẳng xã hội là những khái niệm rất rộng, bao gồm cả yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dùng để chỉ sự khác biệt giữa các tầng lớp (hoặc nhóm dân cư) trong xã hội.

Bất bình đẳng về thu nhập chỉ là một mặt trong các nội dung bất bình đẳng xã hội, nhưng lại có vai trò quan trọng quyết định đến vị thế và sự phát triển của con người. Do vậy cần phải làm rõ khái niệm về BBĐ thu nhập.

Ngay từ thế kỷ 18 David Ricardo (1817) đã có cái nhìn về BBĐ thu thập. Theo quan điểm “kỷ luật sắt về tiền lương” cho dù giới hạn về tài nguyên đất đai trong điều kiện tiến bộ kỹ thuật và gia tăng cao của lao động nông nghiệp sẽ phải dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp nhưng không phải tăng lương. Chính điều này khiến thu nhập của lao động có sự chênh lệch và đó là sự bất bình đẳng thu nhập. Ở đây tác giả đã sử dụng chênh lệch tiền lương giữa khu vực công nghiệp và tiền lương của lao động nông

nghiệp để phản ánh BBĐ thu nhập [48].

Kuznets (1955) là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về mối quan hệ giữa BBĐ thu nhập và tăng trưởng kinh tế. Ông sử dụng dữ liệu từ các nước phát triển và đang phát triển về chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư. Từ đó ông nhận định BBĐ về thu nhập tình trạng hầu hết người dân của quốc gia hay lãnh thổ sống dưới mức thu nhập trung bình trong khi một nhóm nhỏ nhận thu nhập tương đối cao. Trong nghiên cứu này Kuznets đã sử dụng tỷ lệ trung bình thu nhập trên đầu người giữa các nhóm ngũ phân vị và hệ số GINI để phản ánh BBĐ thu nhập [49].

Lewis, A. W. (1954) với mô hình lao động đã chỉ ra khi chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp có năng suất thấp sang khu vực công nghiệp có năng suất cao lao động nông nghiệp sẽ nhận mức lương thấp - lương tối thiểu ở thành thị. Mức lương thấp trong điều kiện sống ở thành thị so với thu nhập ở thành thị đã tạo ra khoảng cách về mức sống của họ với cư dân thành thị. Ở đây tác giả đã nói tới BBĐ thu nhập chính là khoảng cách thu nhập giữa lương lao động nông nghiệp khi di cư ra thành thị và lương công nhân sở tại [40].

Torado. M,P (1970) khi phân tích phân phối thu nhập quốc dân theo quy mô theo nhóm ngũ phân vị (5 nhóm), thập phân vị (10 nhóm) dân cư đã khẳng định và khoảng cách thu nhập này ngày càng rộng ra trong quá trình tăng trưởng tại các nước đang phát triển và gọi đó là bất công trong phân phối thu nhập. Điều này cũng đã hàm ý về BBĐ trong thu nhập. Ông cũng đã sử dụng các thước đo như tỷ lệ trung bình thu nhập trên đầu người giữa các nhóm ngũ phân vị, thập phân vị, GINI và đường cong Lorenz để phản ánh BBĐ thu nhập [53].

Ngân hàng thế giới (2012) cho rằng BBĐ về thu nhập là tình trạng thu nhập của các nhóm dân cư ngày càng khác biệt nhau theo thời gian và đi cùng với nó là khả năng và cơ hội tiếp cận với những nguồn thu nhập cũng ngày càng khác biệt. Tổ chức này thường sử dụng tiêu chuẩn tỷ lệ trung bình thu

nhập trên đầu người giữa các nhóm ngũ phân vị, thập phân vị và nhị thập phân vị giàu nhất, nghèo nhất và hệ số GINI để phản ánh BBĐ thu nhập [12].

Tóm lại, bất bình đẳng thường xuyên tồn tại ở các quốc gia do nhiều nguyên nhân khác nhau, song nhiều nghiên cứu trên Thế giới đã tập trung vào 3 vấn đề lớn được xem là gốc rễ của bất bình đẳng: những cơ hội trong cuộc sống, địa vị xã hội, ảnh hưởng chính trị. Những cơ hội trong cuộc sống thường do sự khác biệt về thu nhập tạo ra; địa vị xã hội và ảnh hưởng chính trị suy cho cùng phần lớn cũng đều tạo ra sự khác biệt về thu nhập. Như vậy, có thể nói 3 vấn đề lớn này đều có liên quan hay tạo thành bất bình đẳng thu nhập hay bất bình đẳng thu nhập được xem là cơ sở quan trọng của vấn đề bất bình đẳng xã hội nói chung. Sự khác biệt về thu nhập vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của những dạng BBĐ khác. Chính vì vậy, khi phân tích vấn đề bất bình đẳng, phạm vi của đề tài này chỉ giới hạn nghiên cứu mối quan hệ của bất bình đẳng thu nhập với tăng trưởng kinh tế và ngược lại.

Như vậy, BBĐ về thu nhập được coi là trạng thái mà có sự khác biệt nhất định về thu nhập của các nhóm dân cư gắn với sự khác biệt về khả năng và cơ hội tiếp cần các nguồn thu nhập trong thời kỳ nhất định. BBĐ về thu nhập cũng sẽ thay đổi tùy theo trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Chỉ tiêu phản ánh BBĐ về thu nhập được dùng nhiều nhưng phổ biến nhất vẫn là tỷ lệ trung bình thu nhập trên đầu người giữa các nhóm ngũ phân vị, thập phân vị và nhị thập phân vị giàu nhất, nghèo nhất và hệ số GINI.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng ở vùng kinh tế trọng điểm trung bộ (Trang 32 - 35)