NGHIÊN CỨU VỀ TÁI CẤU TRÚC NGÀNH ĐIỆN TƯƠNG ỨNG VỚI CÁC CẤP ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG ĐIỆN
2.3.5. Các phương án tái cơ cấu cho ngành điện Việt Nam trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh:
thị trường phát điện cạnh tranh:
Năm 2008, Bộ Công Thương đã đưa ra ba phương án tái cơ cấu ngành điện cho giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh:
- Phương án 1: tách các khâu phát điện, truyền tải và phân phối đang thuộc EVN thành các công ty hoạt động độc lập với sự quản lý của bộ chủ quản; một số nguồn điện đa mục tiêu, có vai trò lớn trong hệ thống điện và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia sẽ thuộc sự quản lý của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
- Phương án 2: chỉ tách khâu phát điện và vận hành hệ thống điện để khâu này không thuộc quyền chi phối của EVN.
- Phương án 3: tách biệt khâu phát điện, mua bán điện và vận hành hệ thống điện khỏi EVN, lúc này, EVN chỉ còn đóng vai trò là tập đoàn kinh doanh và bán lẻ điện.
Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án thứ nhất. Tuy nhiên có nhiều ý kiến trái chiều với ý kiến của Bộ Công Thương trong đề án tái cơ cấu ngành điện. Tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về Đề án tái cơ cấu ngành điện cho phát triển thị trường điện Việt Nam, theo đó, việc tái cơ cấu phải bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn, có chất lượng cao cho nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững; từng bước thực hiện cơ chế thị trường đối với ngành điện, giá bán điện
phải tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành điện, trong đó các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. EVN, PVN, TKV cần chiếm tỷ trọng lớn, chi phối tổng công suất nguồn điện. Cho đến nay vẫn chưa có một quyết định chính thức nào từ phía Chính phủ về việc chọn một mô hình tối ưu cho đề án tái cơ cấu ngành điện.
Như cách phân tích ở các phần ở trên, việc thực hiện tách các nhà máy phát điện thuộc EVN có nhiều ưu điểm, và một khi đã có thị trường phát điện cạnh tranh, tất cả các nhà máy điện của EVN hiện nay đều phải chào giá trên thị trường. Nhà máy nào chào giá điện hợp lý nhất sẽ được chấp nhận. Đến lúc đó, EVN không được quyền định giá điện nữa, mà cũng giống như tất cả các nhà máy phát điện khác, giá cả sẽ tính theo giá cạnh tranh của từng nhà máy. Như vậy, khi thị trường phát điện cạnh tranh ra đời, việc mua bán điện sẽ được tiến hành theo quy luật thị trường giống như tất cả các sản phẩm khác; nhưng bên cạnh đó việc thực hiện tách các nhà máy phát điện thuộc EVN cũng có nhiều nhược điểm:
- Mặc dù tách các nhà máy điện thuộc quyền sở hữu của EVN thành các công ty phát điện độc lập tuy đem lại nhiều ưu thế cho thị trường phát điện cạnh tranh nhưng các Công ty này chưa đủ uy tín để vay số lượng vốn lớn, không có bộ máy mạnh chỉ đạo đầu tư cho các dự án điện mới kịp thời theo tiến độ đề ra, sẽ dẫn đến nguy cơ có thể không đảm bảo tiến độ các công trình nguồn, gây thiếu hụt điện năng. Do đó cũng nên để EVN giữ lại một số các nhà máy điện lớn (một số nhà máy thủy điện đa mục tiêu và một số nhà máy điện nguyên tử đang sắp xây dựng) vì EVN có khả năng huy được nguồn vốn, có kinh nghiệm và nguồn lực đã được xây dựng hàng chục năm qua. Ngoài ra, EVN cũng có khả năng và nhiệm vụ thực hiện công ích của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo... khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Xét đến việc tách khâu mua - bán điện và theo phương án đề ra của Bộ Công Thương là tiến hành tách khâu vận hành hệ thống điện mà cụ thể ở đây là Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia mang lại nhiều ưu điểm bởi nếu như EVN nắm giữ khâu mua bán điện như hiện nay thì tập đoàn này sẽ luôn muốn mua rẻ.
Nếu như Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, đơn vị lập kế hoạch huy động công suất và theo dõi biểu đồ phụ tải, thuộc quyền quản lý của EVN thì sẽ có xu hướng ưu tiên huy động các nguồn điện của EVN trước. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần tách khâu mua-bán điện và Trung tâm Điều độ Quốc Gia ra khỏi EVN là đủ điều kiện để hình thành một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, nếu tách khâu mua - bán điện ra khỏi EVN, thì sẽ có thể dẫn đến việc cân bằng tài chính của khâu này sẽ không được đảm bảo, do Công ty Mua - Bán điện không cùng sở hữu với các Công ty phân phối bán lẻ điện (thuộc EVN). Công ty này sẽ không có động lực để đàm phán mua điện giá thấp từ các nhà máy điện để giữ giá bán lẻ điện ở mức thấp như Nhà nước quy định. Trường hợp giá điện chưa theo giá thị trường thì Nhà nước sẽ phải bù lỗ cho Công ty Mua - Bán điện, nếu không muốn thường xuyên phải tăng giá bán lẻ điện. Điều này trái với chủ trương thị trường hoá giá điện của Chính phủ.
Trước mắt, để khắc phục những vướng mắc khi đàm phán giá mua - bán điện giữa các nhà đầu tư và EVN, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thành lập tổ công tác đàm phán giá mua điện cho EVN với các chủ đầu tư bên ngoài. Tổ công tác này thay vì chỉ có một mình EVN trước đây, gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian đàm phán - thì thành phần tới đây, ngoài EVN sẽ gồm cả đại diện Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ. Nguyên tắc đàm phán là sẽ xuất phát trên cơ sở suất đầu tư cho từng loại công nghệ sản xuất (như thuỷ điện, nhiệt điện than, khí...), bảo đảm lợi nhuận hợp lý, minh bạch tài chính, có tính đến quyền lợi của các bên: Nhà nước, nhà đầu tư, khách hàng sử dụng điện. Đối với khâu điều độ hệ thống điện, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương ban hành quy chế điều độ hệ thống điện quốc gia, trong đó quy định cụ thể phương pháp lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, có chế tài xử phạt đối với các đơn vị không tuân thủ khi tham gia thị trường điện cạnh tranh.
Một trong những điều kiện để phát triển thị trường điện cạnh tranh ở các cấp độ là các đơn vị hoạt động điện lực phải có quyền sử dụng lưới điện truyền tải một cách bình đẳng và vì vậy cần phải tách hoạt động sản xuất kinh doanh của khâu
truyền tải ra khỏi các khâu phát điện và phân phối điện, đồng thời cần có phương pháp xây dựng phí truyền tải điện minh bạch, phù hợp với cơ cấu ngành điện ở từng cấp độ phát triển của thị trường điện. Nằm trong tiến trình này, vừa qua, Chính phủ đã đồng ý việc thành lập Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo hình thức công ty mẹ - công ty con. Theo đó, công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban Quản lý dự án công trình điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Sau khi hoàn thành công tác tái cơ cấu ngành điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có thể sẽ trở thành một công ty độc lập hoặc vẫn trực thuộc EVN nhưng hạch toán độc lập và đơn vị truyền tải điện, theo quy định của Luật Điện lực, có trách nhiệm xây dựng phí truyền tải điện, sau đó ERAV sẽ thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
Như vậy việc tách hay thành lập một số công ty trung gian trong tái cơ cấu EVN như: Công ty Mua Bán điện, Tổng công ty Truyền tải, Cục Điều tiết Điện lực hay các Tổng công ty phân phối cần phải đi đôi với các qui định về giá hoặc phí của các công ty, đơn vị này được hưởng trong khi tính toán cơ cấu giá để giá điện khi đưa đến người tiêu dùng là hợp lí nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của các công ty, đơn vị này.
CHƯƠNG 3.