NGHIÊN CỨU VỀ TÁI CẤU TRÚC NGÀNH ĐIỆN TƯƠNG ỨNG VỚI CÁC CẤP ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG ĐIỆN
2.3.1. Thành lập các đơn vị phát điện độc lập (Genco):
Bản thân EVN không đủ năng lực để đầu tư vào các dự án đáp ứng kịp sự phát triển của nền kinh tế, các dự án nguồn điện luôn chậm tiến độ hoặc trục trặc kỹ thuật khiến thiếu điện thường xuyên; do EVN đang là người mua duy nhất, đồng thời là tập đoàn sở hữu trên 60% công suất nguồn toàn hệ thống nên khó thực hiện quan hệ cạnh tranh bình đẳng với các nguồn điện của các chủ sở hữu khác. Đồng thời nếu vẫn để EVN tiếp tục sở hữu các nhà máy điện hiện nay, sẽ không hình thành được thị trường cạnh tranh ở khâu phát điện, vì EVN sở hữu quá lớn các nguồn phát sẽ khống chế thị trường. Do đó mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh là đưa cạnh tranh vào hoạt động điện lực, trước mắt là khâu phát điện để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh có nghĩa là việc tái cơ cấu ngành điện sẽ bắt đầu bằng việc tách các nhà máy điện ra khỏi EVN. Điều này khuyến khích tiết kiệm chi phí trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện để có được giá điện hợp lý, minh bạch tới người tiêu dùng đồng thời giúp ổn định giá điện để giảm áp lực tăng giá điện mà không gây thiếu điện. Năm 2008, Bộ Công Thương trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện và đề xuất tách các nhà máy điện ra khỏi EVN và EVN chỉ còn làm việc truyền tải, phân phối và mua bán điện, đồng thời quản lý một số nhà máy điện đa mục tiêu hoặc đặc biệt quan trọng thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Khi thực hiện tái cơ cấu ngành điện, Nhà nước cần nắm giữ các nhà máy điện hạt nhân (sắp xây dựng), các nhà máy phát điện có ảnh hưởng lớn để bảo đảm an ninh năng lượng ( một số nhà máy thủy điện lớn đa mục tiêu).
Theo lộ trình phát triển thị trường điện dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2014 là thời gian hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Để thực
hiện được bước đi này, giới chuyên gia cho rằng, các nhà máy điện thuộc EVN phải tách ra thành các đơn vị phát điện độc lập, không có chung lợi ích kinh tế với người mua duy nhất, đơn vị truyền tải và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện hiện vẫn phụ thuộc EVN. Như vậy, các nhà máy điện do EVN sở hữu không thể tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường và tạo điều kiện để các nhà máy điện mới tiềm tàng sẽ được quan tâm trong thị trường điện Việt Nam đồng thời sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty phát điện. Giải pháp trên nhằm huy động thêm nguồn vốn cho ngành điện, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển nguồn điện mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Với chính sách đa dạng hóa đầu tư xây dựng nguồn điện như vậy, ngày càng có nhiều ngành, đơn vị ngoài EVN tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy điện. Đến năm 2010, cơ cấu nguồn điện đã thay đổi đáng kể. Theo tính toán của Bộ Công Thương, đến năm 2015, tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư như PVN (khoảng 10%), EVN (khoảng 60%), TKV (khoảng 10%). Các Tổng Cty Sông Đà, Lilama, Vinaconex, Licogi, một số Cty và nhà đầu tư nước ngoài khác chiếm khoảng 20%.
Bên cạnh đó, khi thực hiện phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh thì công suất lắp đặt của từng đơn vị phát điện cũng không được vượt quá 25% công suất lắp đặt của toàn hệ thống ( ước tính có khoảng 4-5 công ty phát điện lớn trên toàn quốc). Hiện tại, công suất lắp đặt của toàn hệ thống vào khoảng 20.600 MW và phần các nhà máy do EVN nắm giữ 100% vốn hay có cổ phần chi phối, hiện chiếm tỷ trọng hơn 60%. Theo Luật Doanh Nghiệp của Việt Nam, EVN có thể cổ phần hóa các nhà máy điện, hoặc chuyển đổi các nhà máy điện thành các công ty TNHH một thành viên (EVN là chủ sở hữu duy nhất ). Qua các lựa chọn này các nhà máy điện có thể được chuyển đổi thành các công ty độc lập. Việc chuyển đổi các đơn vị hạch toán phụ thuộc thành các công ty hạch toán độc lập đòi hỏi phải tăng cường năng lực và thể chế một cách rộng rãi. Chỉ sau khi tăng cường năng lực cần thiết các công ty phát điện độc lập mới có thể tham gia hiệu quả vào thị trường phát điện cạnh tranh. Trong giai đoạn đầu của thị trường phát điện cạnh tranh - đơn vị mua duy nhất, thị phần của các đơn vị phát điện độc lập có thể không là vấn đề quan trọng như các
thị trường cạnh tranh cao hơn ( thị trường cạnh tranh bán buôn, cạnh tranh bán lẻ ). Đó là do đơn vị mua duy nhất sẽ vận hành theo các qui định thị trường và giám sát của Chính Phủ nhằm ngăn chặn các hành vi phi cạnh tranh của các công ty phát điện. Trong thị trường cạnh tranh mua bán buôn điện, thị phần của các công ty phát điện độc lập phải được điều tiết để ngăn chặn việc lũng đoạn thị trường. Do đó trước khi tiến tới thị trường cạnh tranh bán buôn cần tiến hành một nghiên cứu nhằm quyết định một số lượng tối ưu các công ty phát điện độc lập,trong đó xác định mỗi thị phần công ty/nhà máy nắm giữ. Nhìn chung việc tái cơ cấu ngành điện phải đáp ứng mục tiêu trước mắt là dỡ bỏ được các tồn tại của mô hình hiện tại đang cản trở sự phát triển của ngành điện và mục tiêu lâu dài là xây dựng được thị trường cạnh tranh thực sự.