NGHIÊN CỨU VỀ TÁI CẤU TRÚC NGÀNH ĐIỆN TƯƠNG ỨNG VỚI CÁC CẤP ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG ĐIỆN
2.3.2. Thành lập Tổng công ty Truyền tải điện [7]:
Hiện nay chức năng truyền tải điện do EVN nắm giữ và được giao cho Tổng công ty Truyền tải, bao gồm 4 công ty truyền tải chia theo 4 khu vực hạch toán phụ thuộc. Tổng công ty Truyền tải hiện có chức năng quản lí vận hành hệ thống truyền tải điện, đơn vị này không có nhiệm vụ mở rộng và qui hoạch lưới truyền tải. Việc chuyển đổi 4 công ty truyền tải hạch toán phụ thuộc thành một Tổng công ty Truyền tải hạch toán độc lập đòi hỏi phải từng bước xây dựng năng lực bao quát trong quản lí thương mại và tài chính cũng như trong qui hoạch và phát triển hệ thống truyền tải phù hợp với từng cấp độ thị trường điện cạnh tranh.
Thành lập một công ty truyền tải quốc gia phù hợp với mục tiêu cải cách ngành điện của Chính phủ. Các lợi ích cơ bản của việc thành lập một công ty truyền tải điện quốc gia độc lập thay cho 4 công ty truyền tải phụ thuộc là:
- Kinh tế trong quản lí, vận hành mạng lưới điện truyền tải Quốc Gia.
- Nguồn lực và thế mạnh tài chính tốt hơn, phối hợp tốt hơn trong nâng cấp, qui hoạch, phát triển hệ thống truyền tải.
- Đưa ra biểu giá truyền tải cũng như các dịch vụ kết nối công bằng và hợp lí cho việc thuê truyền tải điện trên mạng lưới truyền tải điện Quốc Gia.
- Phối hợp tốt hơn trong hoạt động tải điện, xác định công suất truyền tải khả dụng và quản lí nghẽn mạch.
Vận hành hệ thống điện trở nên phức tạp hơn khi ngành điện hợp nhất theo chiều dọc được chia tách thành các hoạt động phát điện, truyền tải và phân phối điện riêng biệt và còn trở nên phức tạp hơn nữa khi cạnh tranh được đưa vào thị trường với nhiều thành phần lần đầu tiên tham gia thị trường. Trong thị trường điện cạnh tranh các thành phần tham gia thị trường muốn tối ưu hóa lợi nhuận, điều này khiến cho đường dây truyền tải điện có thể bị quá tải và điện sản xuất có thể ở mức cao hơn hoặc thấp hơn yêu cầu của phụ tải dẫn đến không ổn định và không cân bằng hệ thống. Do đó cần có Pháp lệnh về lưới điện để đảm bảo tính tin cậy và an toàn của hệ thống.
* Hoạt động của đơn vị truyền tải trong điều kiện thị trường cạnh tranh: 1. Giai đoạn thị trường đơn vị mua duy nhất:
Công ty truyền tải điện chịu trách nhiệm xây dựng và thương lượng các hợp đồng dịch vụ truyền tải với đơn vị mua duy nhất, các hoạt động đấu nối truyền tải cho các nhà máy điện và các công ty phân phối, tiếp cận truyền tải và các hoạt động vận hành, sửa chữa bảo dưỡng, quản lí truyền tải, xây dựng giá truyền tải. Đây là những nhà độc quyền và hoạt động tuân theo pháp luật, điều này có nghĩa là giá dịch vụ của họ phải được cơ quan điều tiết thông qua. Chính phủ hoặc cơ quan điều tiết thông qua giá truyền tải nhằm đảm bảo:
- Các hợp đồng đấu nối của Công ty truyền tải phải qui định bằng cách không phân biệt đối xử trong lưới truyền tải đối với các nhà máy điện và các công ty phân phối và các giá đấu nối cần đủ để công ty truyền tải điện thu hồi lại các chi phí hợp lí của mình, bao gồm một khoản phí thu hồi hợp lí khi đầu tư vào các tài sản đấu nối.
- Hợp đồng các dịch vụ truyền tải giữa công ty truyền tải và đơn vị mua duy nhất cho phép công ty truyền tải điện thu hồi được các khoản chi phí cung cấp dịch vụ truyền tải từ các nhà máy điện đến các công ty phân phối.
- Nếu có các khách hàng lớn mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện, sẽ cũng có các hợp đồng dịch vụ truyền tải với các khách hàng lớn này.
- Các giá điện bán buôn của đơn vị mua duy nhất cho phép đơn vị này thu hồi các chi phí mua điện, sử dụng lưới truyền tải và bán buôn điện cho các công ty phân phối.
2. Giai đoạn thị trường cạnh tranh mua bán buôn điện:
Trong mô hình thị trường cạnh tranh bán buôn, hệ thống phải được vận hành nhằm đáp ứng các hợp đồng của tất cả các đơn vị mua và bán điện đồng thời giảm thiểu các chi phí cung ứng điện thông qua thị trường mua bán buôn điện. Điều này đạt được bởi tất cả các đơn vị bán và mua điện tham gia vào một thỏa thuận nhiều bên về vận hành hệ thống. Trong thị trường này có các đơn vị bán điện nhiều chi nhánh và các đơn vị mua điện nhiều chi nhánh. Tất cả đều sử dụng các dịch vụ truyền tải do đó công ty truyền tải cần xây dựng một phương pháp luận về giá để định giá cho các dịch vụ này.
Cần xem xét lựa chọn về giá truyền tải, giá điện có thể thống nhất tức là áp dụng một mức giá mà không tính đến khu vực địa lí hoặc giá điện phụ thuộc vào khu vực, phản ánh chi phí cung cấp các dịch vụ truyền tải hoặc tại một điểm đấu nối hoặc giữa các điểm đấu nối.
Mặc dù trách nhiệm chính của công ty truyền tải là sở hữu và vận hành hệ thống truyền tải điện giống như trong thị trường đơn vị mua duy nhất nhưng trong thị trường mua bán buôn điện, các mối quan hệ mang tính hợp đồng phức tạp hơn, công ty truyền tải phải cung cấp một loạt các dịch vụ truyền tải trên cơ sở không phân biệt đối xử bao gồm:
- Dịch vụ cố định trong đó khách hàng sử dụng lưới truyền tải được đảm bảo sử dụng một lượng công suất truyền tải nhất định.
- Dịch vụ không cố định trong đó khách hàng sử dụng lưới truyền tải chỉ được sử dụng một lượng công suất truyền tải khi lưới còn khả năng truyền tải công suất.
Công ty truyền tải còn phải xây dựng phương pháp luận giá truyền tải mới để tính toán các mức giá truyền tải liên quan đến các dịch vụ được cung cấp, các mức giá này được cơ quan điều tiết thông qua.
3. Giai đoạn thị trường cạnh tranh mua bán lẻ điện:
Hệ thống điện trong thị trường cạnh tranh mua bán lẻ điện được vận hành hầu như giống với thị trường cạnh tranh mua bán buôn điện. Trong thị trường cạnh tranh mua bán buôn điện hệ thống phải được vận hành để đáp ứng các hợp đồng của tất cả các đơn vị mua và bán điện và giảm thiểu các chi phí cung ứng điện thông qua thị trường điện bán buôn, là điều mà tất cả các đơn vị mua và bán điện tham gia vào một thỏa thuận nhiều bên về vận hành hệ thống đều đạt được. Trong thị trường cạnh tranh bán lẻ thỏa thuận nhiều bên cũng như vậy, ngoại trừ sẽ có một số lượng các đơn vị mua và bán điện lớn hơn, các công ty bán lẻ điện được thành lập.
Các trách nhiệm của công ty truyền tải điện không thay đổi nhiều khi chuyển từ đơn vị mua duy nhất thành thị trường cạnh tranh mua bán buôn điện và sau đó là thị trường cạnh tranh mua bán lẻ điện. Với việc đưa thị trường cạnh tranh bán lẻ vào hoạt động, công ty truyền tải điện sẽ kí hợp đồng truyền tải điện với các đơn vị phân phối hoặc là đơn vị bán lẻ điện.
EVN đang nắm trong tay hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhưng nếu như không coi việc bù tổn thất công suất phản kháng dọc đường dây là yếu tố sản xuất thì đây là phương tiện lưu thông, chứ không phải là tư liệu sản xuất. Hơn nữa, do tính chất quan trọng của khâu lưu thông phân phối điện năng là rất đặc biệt ở chỗ: năng lượng điện vừa là sản phẩm nhưng lại vừa là tư liệu sản xuất chủ yếu của các ngành kinh tế sử dụng nó trong sản xuất và do vậy càng cần có sự điều tiết chung của nhà nước. Về xây dựng cơ sở vật chất cho lưu thông phân phối, đây là vấn đề khó khăn nhất trong việc kêu gọi vốn đầu tư. Lý do là đầu tư vào hệ thống cung cấp, phân phối, truyền tải điện với giá điện hiện nay sẽ khó lòng thu hồi được vốn đầu tư cũng như lãi. Thực tế cho thấy rằng, các hộ tiêu thụ không có lựa chọn nào khác khi phải tiếp nhận điện năng từ một hệ thống lưu thông, phân phối với một cách thức tổ chức phân phối chưa có gì thay đổi. Chính vì vậy, cơ quan nào chịu trách nhiệm xây
dựng cơ sở vật chất cho hệ thống lưu thông phân phối này là rất quan trọng. Nếu công ty nhà nước quản lý toàn bộ cơ sở vật chất này cũng như tổ chức quản lý toàn bộ khâu lưu thông phân phối thì cũng sẽ tồn tại ý kiến cho rằng độc quyền, điều này cũng dễ dẫn tới việc kìm hãm bớt sự phát triển của thị trường điện. Trường hợp khác, nếu nhà nước cho tư nhân hoá toàn bộ cơ sở vật chất và giao luôn cả việc tổ chức quản lý, điều đó có nghĩa là trao tư liệu sản xuất chủ yếu (năng lượng điện) của quốc gia cho tư nhân, hệ quả là nhà nước sẽ không còn điều tiết được cho các ngành kinh tế khác, thậm chí rất đáng lo ngại vì khi đó, ảnh hưởng của thế độc quyền của tư nhân sẽ rất lớn một khi họ nắm cổ phần chi phối. Từ đây thấy rằng, với mô hình nào thì cũng cần có sự điều tiết của nhà nước trong lưu thông, phân phối và cũng cần ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho cho sự phát triển. Nhìn ra các nước trong khu vực, Hàn Quốc cũng tư nhân hoá ngành điện nhưng không phải tất cả, mà chủ yếu là đa dạng hoá các sở hữu về nguồn điện. Riêng về khâu lưu thông, phân phối, họ luôn luôn có sự điều tiết, kiểm soát và hỗ trợ về giá, đồng thời họ thực hiện chính sách năng lượng điện theo chiến lược dài hơi từ nhiều nguồn nhập năng lượng sơ cấp khác nhau. Do đó có nhiều ý kiến cho rằng bộ phận truyền tải điện phải thuộc quyền quản lý của Nhà nước để bảo đảm an ninh năng lượng và cần phải giao cho cơ quan hay doanh nghiệp công ích phi lợi nhuận quản lý, tách hẳn với doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận.
Qua phân tích trên đây, ta thấy rằng nếu không đảm bảo được sự phát triển cơ sở vật chất và tổ chức quản lý trong hệ thống lưu thông phân phối thì việc tái cơ cấu ngành điện sẽ rất khó đạt được mục đích và yêu cầu đặt ra của thị trường điện.