Lạm phát được định nghĩa là sự gia tăng liên tục trong mức giá chung. Điều này không nhất thiết có nghĩa giá cả của mọi hàng hóa và dịch vụ đồng thời phải tăng lên theo cùng một tỷ lệ, mà chỉ cần mức giá trung bình tăng lên. Lạm phát vẫn có thể xảy ra khi giá của một số hàng hóa giảm, nhưng giá của các hàng hóa và dịch vụ khác tăng đủ mạnh.
Thêm vào đó, lạm phát cũng được hiểu là sự suy giảm sức mua của đồng tiền. Trong bối cảnh lạm phát, một đơn vị tiền tệ mua được ngày càng ít đơn vị hàng hóa và dịch vụ hơn. Tuy nhiên lạm phát cũng có hai mặt, nếu lạm phát thấp dưới một con số sẽ thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong xã hội, ngược lại khi lạm phát quá cao thì nó lại là một nhân tố kiềm hãm tiêu dùng, khiến giá cả hàng hóa tăng cao và giảm sức mạnh của đồng tiền. Thông thường để đối phó về tình trạng lạm phát tăng cao sẽ gây đột biến về giá cả hàng hóa, niềm tin vào tiền giấy bị giảm sút, thị trường có khuynh hướng tìm đến vàng nhằm giữ giá trị của tài sản. Đồng thời những biện pháp sẽ giải quyết ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền khiến các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng để bảo toàn tài sản, vì giá trị của vàng không phụ thuộc vào sức khỏe của bất kỳ nền kinh tế nào, từ đó khiến giá vàng biến động tăng. Vì vậy giá vàng thường tỷ lệ thuận với sự gia tăng của lạm phát và vàng được xem là công cụ tài chính hữu hiệu để phòng ngừa lạm phát.
Đối với các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ của lạm phát và giá vàng thì vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Nghiên cứu của Ghosh et al. (2002) sử dụng dữ liệu hàng
tháng từ năm 1976 tới 1999 trên cơ sở mô hình VAR chỉ ra rằng có sự ảnh hưởng của mức lạm phát toàn thế giới, mức độ lạm phát của Mỹ, lãi suất và tỷ giá đồng USD đến giá vàng. Trong khi đó, Blose (2010) chỉ ra rằng nhiều học giả khuyến khích các nhà đầu tư mua vàng để bảo hiểm rủi ro trong giai đoạn lạm phát, bởi vì họ tin rằng giá vàng phản ánh mức độ lạm phát. Một số học giả thậm chí lấy giá vàng như làm một biến thay thế của lạm phát trong nghiên cứu thực nghiệm của họ.
Tuy nhiên, có một số nghiên cứu của các tác giả khác thì lại cho kết quả ngược lại. Chẳng hạn như nghiên cứu của Jaffe (1989), Larsen và McQueen (1995), Cecchetti và cộng sự (2000), kết luận rằng giá vàng không chịu ảnh hưởng của lạm phát. Hay một vài nghiên cứu ở các quốc gia không phải Mỹ, sử dụng dữ liệu giá vàng năm 1999, và kết quả là không chứng minh được mối quan hệ giữa giá vàng và lạm phát, vàng không bảo hiểm ngăn ngừa lạm phát ở nhiều quốc gia.
Sự tác động của lạm phát lên giá vàng vẫn chưa được thống nhất của các nghiên cứu trước đây, tuy nhiên tác giả vẫn kỳ vọng lạm phát có ảnh hưởng đồng biến đến giá vàng với các yếu tố khác không đổi.