Nghĩa của việc bình ổn thị trường vàng Việt Nam

Một phần của tài liệu Đo lường tác động của các nhân tố vĩ mô đến biến động giá vàng tại việt nam (Trang 26 - 27)

Để xem xét ý nghĩa của việc bình ổn thị trường vàng Việt Nam đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, chúng ta trước hết phân tích những tác động của thị trường vàng tới nền kinh tế.

Giá vàng trên thị trường tăng mạnh trong thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Xét từ quan hệ trực tiếp đến gián tiếp có thể thấy tác động của giá vàng đến nền kinh tế là rất lớn.

Thứ nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng huy động nguồn vốn của khu vực tài chính: Khi giá vàng tăng người dân rút tiết kiệm để đầu tư vàng thay vì gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Đồng thời vốn rút ra lại loanh quanh ở thị trường vốn và ngoại tệ dẫn đến khả năng huy động vốn của các NHTM bị giảm sút, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thứ hai, thị trường ngoại tệ tự do bành trướng: Tình trạng đô la hóa ở Việt Nam không chỉ biểu hiện bằng tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng mà còn là khối lượng ngoại tệ lưu hành ngoài hệ thống tài chính. Khi giá vàng tăng làm cho nhu cầu mua USD trên thị trường tự do để nhập khẩu vàng lậu lớn dẫn đến tỷ giá USD tăng, khó kiểm soát.

Thứ ba, nguy cơ lạm phát: Tuy chưa thống kê được quy luật cụ thể cho mối liên quan chặt chẽ giữa vàng và lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đến hiện tượng dùng vàng để định giá các tài sản lớn, điển hình là giá bất động sản. Khi vàng trở thành thước đo giá trị, việc vàng tăng giá kéo giá bất động sản và các loại hàng hóa khác tăng theo, gây nguy cơ lạm phát.

Thứ tư, thâm hụt cán cân thương mại: Khi giá vàng tăng thì nhập khẩu vàng tăng và nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu càng lớn. Với khối lượng vàng cất trữ rất lớn và gia tăng nhanh chóng những năm gần đây giải thích vì sao thâm hụt cán cân thương mại.

Thứ năm, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ: Tỉ trọng vàng trên GDP ở Việt Nam rất lớn. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến điều hành chính sách tiền tệ. Đơn cử, với tổng phương tiện thanh toán không kể vàng (M2) thì hệ số nhân tiền theo tính toán của các chuyên gia khoảng 4,8. Nhưng nếu tính gộp M2 + vàng thì hệ số này chỉ còn 2,0. Rõ ràng rằng có rất nhiều vấn đề đối với hệ thống tiền tệ đang bị chi phối bởi khối lượng vàng và TTV đang bành trướng hiện nay. Như vậy, vàng không còn là vấn đề nhỏ của các nhà kinh doanh, mà đang thực sự trở thành một lực lượng thị trường có khả năng chi phối cả tiết kiệm, đầu tư, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.

Từ việc phân tích tác động tiêu cực của sự biến động thị trường vàng đến nền kinh tế cho thấy ý nghĩa của việc bình ổn thị trường vàng. Khi thị trường vàng ổn định, thể hiện qua việc giá vàng diễn biến với biên độ thấp, sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hệ thống ngân hàng thương mại trong hoạt động huy động vốn, tỷ giá ngoại tệ biến động với biên độ phù hợp, giảm nguy cơ lạm phát, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ hiệu quả, dự trữ ngoại tệ và cán cân thương mại được khôi phục.

Một phần của tài liệu Đo lường tác động của các nhân tố vĩ mô đến biến động giá vàng tại việt nam (Trang 26 - 27)