Ở Việt Nam có rất nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng, chính sách điều tiết cũng như các giải pháp phát triển thị trường vàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu số liệu hoặc do chủ ý của tác giả mà phần lớn các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào một số nhân tố nhất định như giá vàng thế giới, lạm phát, tỷ giá hối đoái cụ thể như sau:
Nghiên cứu của Thái Thị Hạnh Nhi (2011): tác giả đã xác định được mô hình dự báo phù hợp để dự báo giá vàng trong nước bằng việc sử dụng các mô hình hồi quy bội, mô hình ARIMA, ARCH, GARCH và TGARCH. Dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian 1/2008 đến 7/2011. Nghiên cứu của tác giả đã chỉ ra rằng biến động của giá vàng trong nước không chỉ được giải thích bởi giá vàng thế giới, tỷ giá mà còn được giải thích thông qua các biến trễ của chính nó và biến trễ của sai số. Tác giả sử dụng mô hình TGARCH để xem xét tính chất bất cân xứng giữa các tin tức tốt và các tin tức xấu đối với giá vàng. Kết quả cho rằng sự ảnh hưởng của tin tức đối với giá vàng có tính chất đối xứng, nghĩa là không có sự khác biệt giữa sự tác động của tin tốt và tin xấu đối với giá vàng.
Nghiên cứu của Bùi Kim Yến, Nguyễn Khánh Hoàng (2014) “Quản lý giá vàng từ góc độ kinh tế vĩ mô”: Bài nghiên cứu được đặt dưới góc nhìn của nhà quản lý đối với thị trường vàng trong nước. Thông qua việc xác nhận các nhân tố tác động đến giá vàng trong nước sẽ giúp đưa ra được các giải pháp quản lý sự biến động của giá vàng và đưa thị trường vàng đi vào hoạt động ổn định góp phần vào sự phát triển ổn định của thị trường tài chính Việt Nam. Bài nghiên cứu sử dụng các phương pháp định tính, định
lượng, thống kê so sánh. Đồng thời ứng dụng và sử dụng mô hình VAR để kiểm định tác động của các nhân tố đến giá vàng qua các bước: (i) Kiểm tra tính dừng của các biến trong mô hình bằng việc kiểm định nghiệm đơn vị, qua đó xác định độ trễ thích hợp của mô hình; (ii) Kiểm tra tự tương quan trong phần dư của mô hình; (iii) Kiểm định quan hệ nhân quả giữa các biến; (iv) Phân tích phân rã phương sai. Để phân tích tác động của các nhân tố lên giá vàng tác giả sử dụng mô hình thực nghiệm sau:
𝐺𝐼𝐴𝑉𝐴𝑁𝐺𝑇𝑅𝑂𝑁𝐺𝑁𝑈𝑂𝐶𝑡 = 𝑎1 + ∑ 𝑏𝑙𝑖𝐺𝐼𝐴𝑉𝐴𝑁𝐺𝑇𝑅𝑂𝑁𝐺𝑁𝑈𝑂𝐶𝑡−𝑖 𝑘 𝑖=1 + ∑ 𝑑𝑙𝑖𝑇𝐺𝐿𝑁𝐻𝑡−𝑖 + 𝑘 𝑖=1 ∑ 𝑒𝑙𝑖𝐶𝑃𝐼𝑀𝑡−𝑖 𝑘 𝑖=1 + ∑ 𝑓𝑙𝑖𝐶𝑃𝐼𝑉𝑁𝑡−𝑖+ 𝑘 𝑖=1 ∑ 𝑗𝑙𝑖𝐿𝑆𝐻𝐷𝑡−𝑖 + 𝑘 𝑖=1 𝑤𝑙𝑡
Trong đó: k là độ trễ; a, b, c, d, e, f, j lần lượt là ma trận hệ số vuông của hệ phương trình; biến GIAVANGTRONGNUOC: giá vàng trong nước; GIATG: giá vàng giao ngay thế giới; TGLNH: Tỷ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng; CPIMY: Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ; CPIVN: Chỉ số giá tiêu dùng của VN; LSHD: Lãi suất huy động bình quân trong nước. Từ kết quả chạy ra của mô hình với phạm vi dữ liệu 10 năm (từ 08/2003 đến 07/2013) bài báo chỉ ra rằng giá vàng không phản ánh đầy đủ ảnh hưởng của các biến kinh tế như lãi suất, tỷ giá, CPI. Tác động của các biến này đến giá vàng là rất yếu. Các biến động xảy ra đối với các biến trên tác động đến giá vàng tức thì nhưng thời gian kéo dài chỉ từ 2-3 tháng, trong khi đó tác động của biến động giá vàng trong nước lên các biến này lại khá mạnh và thường kéo dài có khi đến 8 tháng. Trong khi đó một thực tế là giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng nhiều của chính sách quản lý điều tiết từ Chính phủ nên vấn đề đặt ra là việc quản lý thị trường vàng của Chính phủ cần mềm dẻo linh hoạt, chính sách ban hành cần nghiên cứu kỹ tác động đến thị trường. Cần tránh thay đổi chính sách đột ngột làm giá vàng biến động thất thường sẽ gây tác động mạnh và kéo dài ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Nghiên cứu của Thân Thị Thu Thủy và các cộng sự (2014) “Kiểm định mối quan hệ giữa giá vàng và lạm phát tại Việt Nam”: Bài nghiên cứu kiểm định mối quan hệ nhân quả giữa sự biến động giá vàng và lạm phát tại Việt Nam. Số liệu sử dụng
trong nghiên cứu bao gồm chuỗi chỉ số lạm phát và chỉ số giá vàng theo thời gian với tần suất tháng, được thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2000 đến tháng 12 năm 2013. Với mức ý nghĩa α = 5%, kết quả kiểm định quan hệ nhân quả Granger giữa giá vàng và lạm phát cho thấy giá vàng và lạm phát có tác động qua lại, lạm phát tăng làm giá vàng tăng, hay giá vàng tăng cũng sẽ làm cho lạm phát tăng.
Nhìn chung các nghiên cứu về giá vàng và thị trường vàng dưới nhiều góc độ khác nhau. Những nghiên cứu này có thể được phân loại thành bốn nhóm chính: Phương pháp tiếp cận đầu tiên là tìm ra mô hình biến động giá vàng dưới tác động của các biến kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như tỷ giá, thu nhập thế giới, những cú sốc chính trị… Phương pháp thứ hai tập trung vào vàng như là một kênh đầu cơ. Cách tiếp cận này sẽ nghiên cứu tính hợp lí hoặc bất hợp lí của biến động giá vàng. Cách tiếp cận thứ ba xem xét việc đầu tư vào vàng nhiều hơn như một cách để tự bảo hiểm rủi ro cho danh mục đầu tư chống lại lạm phát và nhóm cuối cùng là những nghiên cứu để xây dựng mô hình giá vàng.