Trò chơi ngôn ngữ trong tập Chấm

Một phần của tài liệu Từ ngữ và cấu trúc văn bản trong tập Chấm của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 97 - 111)

6. Cấu cấu trúc luận văn

3.2.6.Trò chơi ngôn ngữ trong tập Chấm

3.2.6.1. Khái niệm trò chơi ngôn ngữ

Lý thuyết “Trò chơi” không còn xa lạ với đời sống con người. Quá trình vận động của xã hội hiện đại con người ngày càng ý thức được vị trí cũng như vai trò của bản thân để làm chủ chính cuộc sống của mình. Ở Phương Tây đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống: kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học…

Đối với văn học, lý thuyết trò chơi được xem là biểu hiện của tư duy hậu hiện đại. Những năm gần đây, cùng phát triển trong bối cảnh chung cũng như quy luật phát triển văn chương Việt, đã có những tiếp cận đối với lý thuyết này. Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề cơ bản của lý thuyết “trò chơi ngôn ngữ”, đồng thời vận dụng lý thuyết này vào việc tìm hiểu tập Chấm của Nguyễn Ngọc Tư.

Trò chơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống con người. Johan Huizinga - sử gia người Hà Lan - trong công trình kinh điển khảo cứu về trò chơi Homo Ludens đã nhận định: “(nền văn minh nhân loại) đã nảy sinh trong trò chơi, như là trò chơi và chưa bao giờ rời bỏ nó”. Trò chơi, theo đó, không đơn thuần là một hoạt động cơ bản của con người, nó xuyên thấm vào tất cả các hoạt động khác, trở thành nguyên mẫu của các mô hình tổ chức đời sống, các hình thái ý thức, đi vào trong tư duy của con người như một hệ hình để suy nghĩ, nhận thức về thế giới và về chính mình [29].

Hiểu theo nghĩa đen, “chơi” có nghĩa không làm một việc gì đó cho ra hồn, vượt các quy tắc, chuẩn mực thường nhật và thiên về giải trí. Trên thực tế, giữa thơ ca nói riêng, văn học nói chung và trò chơi có sự tương đồng, gần gũi đến mức một cách ví von “thơ ca/văn chương là trò chơi” dường như không còn gây ngạc nhiên, băn khoăn nữa. Sự xuất hiện và thay thế của các lý thuyết xuất phát từ thực tế đời sống và văn học vốn không đứng yên, tĩnh tại.

Lý thuyết trò chơi, từ thời hiện đại sang hậu hiện đại đã bước đầu giới thiệu ở Việt Nam. Trò chơi ngày càng được chú ý nghiên cứu như một khái

niệm có thể giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn những đặc trưng của văn học nghệ thuật nói chung.

Không chỉ dùng để định danh sự vật hiện tượng, ngôn ngữ còn là công cụ của tư duy. Kho “chữ” của cá nhân càng nhiều thì càng khẳng định năng lực tư duy và tri thức của cá nhân đó. Ngoài ra, ngôn ngữ còn là thước đo nhận thức của con người. Mà nhận thức thì luôn thay đổi trên quá trình tiếp cận chân lí, tiếp cận thành quả khoa học.

J. Huizinga nói rằng, bản thân việc con người sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt các ý niệm về thế giới đã là một trò chơi: “Ngôn ngữ… công cụ đầu tiên và quan trọng nhất mà con người tạo nên để giao tiếp, dạy dỗ, ra lệnh. Ngôn ngữ cho phép con người phân biệt, thiết lập và phát ngôn về sự vật; nói gọn lại, nó cho phép ta gọi tên sự vật và bằng việc gọi tên như thế, ta đã đưa sự vật vào trong địa hạt tinh thần. Khi hình thành lời nói và ngôn từ, tinh thần luôn luôn cọ xát giữa sự kiện thực tế và trí tuệ, hay nói khác đi, nó đang chơi với khả năng định danh kỳ lạ này. Đằng sau mỗi hình thức biểu đạt trừu tượng luôn là những ẩn dụ đậm nét, và mỗi ẩn dụ là một trò chơi trên ngôn ngữ. Do đó, với việc tạo ra một hình thức biểu đạt đời sống, con người đã tạo ra một thế giới thứ hai, mang tính thơ cùng với thế giới tự nhiên” [42, tr. 35]. Quan điểm của J. Huizinga vẫn dựa trên tiền đề là sự đối lập giữa trò chơi và hiện thực. Các nhà tư tưởng hậu hiện đại sau này đã phản biện lại tiền đề trên, và đi xa hơn khi cho rằng, hiện thực (tất nhiên, cùng những ý niệm lân cận họ hàng với nó như lịch sử, xã hội, văn hóa, con người…) là các trò chơi ngôn ngữ không hơn [29].

L.Wittgenstein nhìn ngôn ngữ như tập hợp một loạt các hoạt động khác nhau: miêu tả, kể chuyện, chất vấn, dịch thuật, ra lệnh, đùa cợt, biểu lộ cảm xúc… Chỉ khi được sử dụng để thực hiện các hành động này, ý nghĩa của ngôn ngữ mới được sinh thành. Wittgenstein gọi các hành động ngôn ngữ mà ta vừa

nói là các trò chơi ngôn ngữ, bởi lẽ, giống như trò chơi thông thường, các hành động này đều phải tuân theo các luật lệ, quy tắc nhất định. Nhưng luật trong các trò chơi ngôn ngữ là gì? “Các trò chơi ngôn ngữ không có những quy tắc trong bản thân chúng, mà được cấu tạo nên từ sự thỏa thuận mặc nhiên hay minh nhiên giữa những người tham gia cuộc chơi” [42, tr 80-81].

Lý thuyết trò chơi có xu hướng tập trung hơn vào một bộ phận văn học thể nghiệm về lối viết, hình thức, cấu trúc văn bản nghệ thuật, mang tinh thần cách tân, tiền phong. Có thể là vì chính ở bộ phận này, cái được gọi là trò chơi của nghệ thuật văn chương được thể hiện nổi bật hơn cả. Trò chơi ngôn ngữ của nghệ thuật không đơn giản là một trò chơi mang tính hình thức thuần túy nữa, mà hàm ẩn nhiều ý nghĩa bề sâu. Sự tìm tòi hình thức, những nỗ lực phá vỡ quy ước thể loại, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Vậy nên, sự giải phóng con người lớn lao nhất trong kỉ nguyên hậu hiện đại là giải phóng họ thoát ra khỏi ngôn ngữ - thứ ngôn ngữ đã bị phong cách, thể chế, chuẩn mực hóa và bị lạm dụng suốt cả ngàn đời nay, bằng cách sử dụng chính “trò chơi ngôn ngữ” để giải phóng cả ngôn ngữ lẫn con người.

3.2.6.2. Cấu trúc văn bản như một hình thức trò chơi ngôn ngữ trong tập Chấm

Ở trên, chúng tôi đã trình bày vấn đề cấu trúc văn bản cũng như lý thuyết trò chơi ngôn ngữ. Đi vào tập Chấm, ta thấy, dường như nhà văn không đặt ra quy ước “chơi” mà chính người đọc phải đặt ra quy ước chơi cho văn bản và cả cho chủ thể tiếp nhận. Người đọc phải tự mình dò đường trong thế giới ngôn từ đầy biển ảo đó.

Cụ thể như:

rừng lách mình cho dốc đá xổ tung đỉnh núi chong rờ rỡ ngôi sao sương đơm oằn lá Quạnh

cỏ va đau gối người

có kẻ đi không ngủ

chân rêu bấm ngón bậc đá rêu soi suối Hiệu một hòn đá đỏ

ngôi sao kia còn đợi cú rùng mình?

(núi Hiệu Oanh)

Bài thơ như một hình thức trò chơi câu đố. Người đọc khi tiếp nhận văn bản này như đến với năm câu chuyện khác nhau. Không có chủ thể, không có nhân vật trữ tình. Cũng có thể hiểu “có kẻ đi không ngủ” là nhân vật kết nối câu chuyện thứ 1 đến câu chuyện thứ 5. Tác giả không có gợi mở, những câu chuyện rời rạc. Sẽ không ít người đọc cho rằng đây không phải thơ. Ngôn từ của bài thơ không hướng đến cái được biểu đạt:“rừng, dốc đá, đỉnh núi, ngôi sao, cỏ, bụi, hàng quán, ngôi sao” mà hướng đến cái biểu đạt khác khiến bản thân văn bản lại được chồng thêm một lớp nghĩa khác. Bài thơ không phải là sự ghi chép lẻ tẻ về những sự vật hiện tượng của tác giả. Nó là sự mô tả lại quá trình vận động của tự nhiên, sự hình thành sinh sôi của vạn vật cũng như kiếp người. Tầng nghĩa này chồng lên tầng nghĩa khác. “kẻ đi không ngủ” kia là ai? Là con người hay là một sự chuyển động của vũ trụ của tự nhiên? Trò chơi của văn bản dẫn dụ người đọc qua vô vàn khoảng trống khó hiểu để cuối cùng người đọc tự lý giải và lấp đầy các khoảng trống đó.

Không khó để tìm những bài thơ đầy khó hiểu như vậy trong tập Chấm

như: dự cảm; một ba mươi Tết nào; tan hội; say trà; nói với Hảo; cho người thoáng qua trên trang sách…

rười rượi nắm xương ngấm vào rêu suối dế lửa ngêu ngao hát nơi hốc mũi

tiếng khóc con mai kia mình có nhớ khi bóng tối mình nhấp thêm ngụm nữa ?

(hình dung dưới cỏ)

Theo chúng tôi đây là một “bộ phim kinh dị” ở những người đọc có trí tưởng tượng phong phú bởi những hình ảnh: “dế lửa nghêu ngao hát nơi hốc mũi”/ “xuyên qua mắt mình rễ cỏ quanh co”/ “tai để cho bầy kiến cánh bò quanh” nhưng với bạn đọc khác có thể đây là một tư thế “tĩnh” đến mức cảm nhận được từng thay đổi qua da thịt mình khi về với đất. Một loạt hình ảnh đầy liên tưởng tạo ám ảnh vào tâm thức người đọc. Cuối bài hình ảnh của người con xuất hiện. Thứ gửi gắm lại trên cõi đời là “con”, suy nghĩ về “con” đến khi nằm ở dưới sâu kia. Bài thơ viết về cái chết, nhưng lại gửi gắm bao nhiêu trăn trở cho tương lai. Tầng nghĩa này mở ra lại thêm tầng nghĩa khác.

Nguyễn Ngọc Tư không dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật cầu kì phá cách. Về ngôn ngữ, xuyên suốt tập thơ là cuộc hành trình khám phá mở bung ý nghĩa. Tìm hiểu khám phá càng nhiều tầng nghĩa mới thấy bản thân chị cũng như người đọc đã rơi vào chính “trò chơi” của ngôn từ.

Bên cạnh một số bài thơ gây ám ảnh, đầy sức gợi cùng nhiều lớp lang ý nghĩa khó hiểu, thì đa số thơ của Nguyễn Ngọc Tư viết đơn giản, dễ đọc. Văn chương của chị giản dị đời thường, nhưng luôn tạo rung động sâu sắc cho người đọc. Chính vì lẽ đó, khi bước qua địa hạt thơ, có nhiều bài thơ ngỡ như một chuyện “nhạt nhẽo” chép lên giấy, in ra gọi thành thơ mà không hề có bất kỳ sự gia công nào của tác giả. Trò chơi ngôn ngữ Nguyễn Ngọc Tư tạo ra ở đây là tính “phi” nghệ thuật. Ngôn ngữ được trả về với tính năng gốc của nó, ý nghĩa nằm ngay chính từng con chữ và cuộc đời cũng được nhìn nhận từ chính những tính năng gốc này. Mỗi người vẫn quay vòng cùng cuộc đời cùng những trăn trở, suy tư riêng: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

ngạch cửa nhà ông già chỉ còn mình tôi bước qua làm khách người thứ Ba thõng tay dong tro ra biển

trà chiều mặn

một già một trẻ gặm nhớ thay cho bánh nhớ cũng mặn hay mặn đã ướp nhớ tươi ?

lần cuối về thăm, bạn nói thần chết còn lâu mới rượt kịp tôi tay phản bội, lật bật run làm cốc trà sánh nước

chân tráo trở, dúi dụi vấp vào nhau

(trà mặn)

Con người hậu hiện đại luôn có một khoảng bi kịch đáng thương ngay trong chính tâm hồn mình. Những gì diễn ra trước mắt thường không phải là điều tác giả muốn nói, ẩn sau đó là những câu chuyện, những số phận không thể chia sẻ. Người viết có xu thế phân tán, làm loãng mạch nội dung với nhiều chuyện ngẫu nhiên, chính những ngẫu nhiên đó lại có khả năng kì diệu trong việc gợi mở những cách tạo nghĩa cho văn bản.

Một số tác phẩm như: ở trọ, nuối tóc, nhân tình, chờ điện thoại, nhật kí mang thai-tháng thứ 3, kịch của hai người… đều được chị thể hiện bằng giọng điệu kể lại những câu chuyện “tầm thường” để rồi sau đó phát triển bởi sự kiến tạo nghĩa tự thân của người đọc, người đọc tự phát triển nghĩa, tự đi tìm ý nghĩa đằng sau mỗi câu chuyện đó.

Thơ Nguyễn Ngọc Tư man mác, vẩn vơ, nỗi buồn trải dài khắp ngóc ngách tâm hồn. Ở đâu cũng bắt gặp “mình” trong đó. Lối viết của chị vẫn đậm chất “sầu riêng” Nam Bộ từ truyện ngắn, tản văn đến thơ. Tâm thế của người đọc khi đến với Nguyễn Ngọc Tư là biết chị sẽ kể cái gì mà vẫn muốn đọc. Người đọc biết văn chương chị buồn mà vẫn không thể quay lưng lại với nó. Bởi nó rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của họ. Những câu chuyện vụn vặt, những mảnh đời bé nhỏ khuất lấp, những cái tôi bơ vơ

và cô đơn đến kì lạ..., đó là những gì Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên trong tác phẩm của mình. Nó ám ảnh người đọc nhiều lúc không phải như những sự kiện quan trọng, mà như một kiểu trò chơi – trò chơi ngôn ngữ.

40 bài thơ được liên kết chặt chẽ với nhau bởi sợi dây vô hình trong mạch ngầm chung của tổng thể tập thơ. Sự rời rạc như chính con người ở thời đại này. Những mảnh ghép bị vỡ tung không có sự gắn kết nào, chính nó tái hiện hình ảnh của con người trong xã hội ngày nay. Trò chơi được thiết lập theo cách nó có sẵn ngoài đời và được hiện hữu qua ngôn ngữ:

kịch tính nằm trong mỗi tờ lịch những ban mai nhóm lửa chân trời và ánh nhìn ngày mỗi lạnh

và nhịp tim dần

bình thản

(kịch của hai người)

Văn xuôi dễ nhận ra sự đánh đố của tác giả hơn thơ. Bằng chính thử nghiệm mới mẻ trên địa hạt thơ, Nguyễn Ngọc Tư đã hòa mình vào dòng chảy của văn chương hậu hiện đại. Chính bản thân người đọc sẽ là người kết thúc tác phẩm và kết thúc như thế nào lại là chuyện của riêng họ. Đây chính là điều giúp người đọc dễ dàng hơn trong việc quyết định cuộc chơi mà chính mình đang tham gia.

Mọi yếu tố phi nghệ thuật, vô lý, phi lí trong thơ Nguyễn Ngọc Tư được chị ý thức rất rõ trong hình tượng nghệ thuật, hình thức thể hiện xuyên suốt 40 bài thơ. Đặc biệt là sự ý thức trong việc sử dụng “chữ”. Trong quan niệm và định kiến cũ, “chữ” là phần yếu trong toàn bộ nghĩa của văn bản nói

chung, nó được đặt trong các yếu tố âm, vần, hình thức bề mặt chứ không được xem đúng với bản chất của nó.

Tham gia vào “trò chơi ngôn ngữ” đó, bản thân người đọc có nhiều cách hiểu, cách nghĩ của riêng mình. Người đọc, với tinh thần bổ sung, luôn tự biết đặt mình trong vai trò đồng sáng tạo vào của tác phẩm, để bổ sung không ngừng nhiều văn cảnh, diễn ngôn, ý nghĩa vào khoảng trống của các văn bản và giữa các văn bản. Đấy là lối đọc mở của tinh thần khám phá, quá trình đó liên tục sản sinh ra những diễn giải, những diện mạo,những kết luận mới. Nhiều văn bản mới được sản sinh ra từ chính một tác phẩm cố định.

Tiểu kết chương 3

Chúng tôi đã dành toàn bộ chương 3 đế khảo sát và phân tích những đặc sắc của ngôn ngữ thơ Nguyễn Ngọc Tư trên phương diện cấu trúc văn bản. Dưới góc độ cấu trúc văn bản, tác giả đã vận dụng một cách sáng tạo các khả năng liên kết được tạo nên bởi vần thơ và nhịp điệu câu thơ. Các đơn vị của cấu trúc như câu thơ, bài thơ của tập Chấm là những vấn đề đã được quan tâm đúng mức, qua những luận điểm lý thuyết cũng như qua phân tích các trường hợp cụ thể. Đặc biệt, trong chương này, chúng tôi đã khai thác một quan điểm mới: cấu trúc văn bản như một hình thức trò chơi ngôn ngữ trong tập Chấm của Nguyễn Ngọc Tư. Qua đó có thể thấy sự tìm tòi về hình thức và những nỗ lực phá vỡ quy ước thể loại, ngữ pháp, ngữ nghĩa của tác giả trong dòng văn học hậu hiện đại nói riêng và trong nền văn thơ đương đại Việt Nam nói chung.

KẾT LUẬN

Vận dụng lí thuyết ngôn ngữ thơ, chúng tôi đã đi sâu khảo sát, mô tả và phân tích từ ngữ và cấu trúc văn bản trong tập Chấm, qua đó rút ra một số kết luận sau:

1. Thơ là một thể loại có cách tổ chức ngôn ngữ đặc thù. Ngôn ngữ thơ đã được nghiên cứu cả về lý thuyết và thực tiễn, thu được những kết quả rất khả quan. Ở thể loại văn học này, mọi khía cạnh của ngôn ngữ đều có thể là đối tượng nghiên cứu. Đối với một tác phẩm cụ thể, chọn yếu tố nào để khảo

Một phần của tài liệu Từ ngữ và cấu trúc văn bản trong tập Chấm của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 97 - 111)