Giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển

Một phần của tài liệu Giáo dục phổ thông tỉnh quảng ninh (2001 2010) luận văn ths lịch sử 60 22 54 pdf (Trang 97 - 103)

6. Đóng góp của luận văn

3.1. Giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển

giáo dục trong điều kiện có những thuận lợi - khó khăn mang tính đặc thù

Cũng như các địa phương khác, ngành giáo dục Quảng Ninh luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời của đảng, chính quyền các cấp và sự hưởng ứng của nhân dân

Trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục và đào tạo. Trong thời gian qua Nhà nước ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật mới: Luật Giáo dục năm

2005, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về “Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao”, Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án: “Xây dựng xã hội học tập”; Quyết định số 269/2006/QĐ-TTg ngày 24/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015”. Trên cơ sở đó tỉnh đã triển khai các chương trình phát triển giáo dục và đào tạo để đưa giáo dục và đào tạo Quảng Ninh ngày càng hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Cùng với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ ngành giáo dục và đào tạo còn nhận được sự quan tâm ngày càng sâu sát và cụ thể của tỉnh, cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Từ đó có các chế độ chính sách địa phương để hỗ trợ giáo dục và đào tạo về: bồi dưỡng giáo viên, huy động cơ sở vật chất, trợ cấp học bổng… Nhờ đó trong 10 năm qua tỉnh đã xây dựng được nhiều đề án, quy hoạch phát triển giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng: năm 2005 Sở đã đề ra “Quy hoạch phát triển giáo dục đến 2010 và định hướng đến 2015”, Đề án: “Kiên cố hoá và xây dựng trường chuẩn quốc gia và đề án nội trú dân nuôi”. Quyết định số 1317/2006/QĐ-UB ngày 16/5/2006 của UBND tỉnh Quảng Ninh "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010" thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Những đề án, quy hoạch trên đã tạo điều kiện để ngành giáo dục tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, đưa các nội dung giáo dục về tự nhiên, lịch sử con người quê hương Quảng Ninh vào chương trình giảng dạy ngoại khóa ở các cấp học.

Những chủ trương đúng đắn trong phát triển giáo dục của tỉnh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể nhân dân, phụ huynh học sinh. Nhờ đó sự

nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh xác lập được cơ chế quản lý chung và có tính chất xã hội hóa rộng rãi hơn, có thêm nhiều điều kiện để phát triển và đặc biệt đạt được những tiến bộ vượt bậc. Các thế hệ học sinh đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Quảng Ninh xứng đáng là một khu vực kinh tế phát triển cao của đất nước.

Tuy nhiên, Quảng Ninh lại là một tỉnh có nhiều vùng kinh tế đặc biệt, khó khăn cho việc phát triển một nền giáo dục đồng đều và ổn định.

Là một tỉnh trung du miền núi nên Quảng Ninh co sự phát triển chênh lệch giữa các vùng miền. Hiện nay tỉnh có 10 huyện thị xã, với 54 xã thuộc vùng khó khăn (trong đó: xã Tân Lập, huyện Đầm Hà mới được bổ sung theo quyết định số 05/2007/QĐ-UBDT ngày 06/09/2007 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tôc), kinh tế xã hội phát triển chậm, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy thiếu thốn nên nhu cầu học tập ở những khu vực này chưa cao. Bên cạnh đó Quảng Ninh lại nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc (chiếm 90% trữ lượng than cả nước). Trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực, đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận về giá trị thẩm mĩ và địa chất, địa mạo. Ở những vùng này kinh tế - xã hội phát triển, người dân có sự nhận thức đúng đắn về vai trò của giáo dục nên nhu cầu học tập cao. Nơi đây lại có nhiều điều kiện thuận lợi tốt nhất để học tập, rèn luyện, có những giáo viên giỏi, chương trình học tập mới, điều kiện sống và cơ sở vật chất đầy đủ. Đây chính là những điều kiện tốt nhất để để nâng cao chất lượng giáo dục và phát huy tài năng. Điều này khiến cho giáo dục và đào tạo Quảng Ninh có nhiều đặc điểm mang tính đặc thù, có sự chênh lệch về nhu cầu cũng như điều kiện phát triển giáo dục và đào tạo giữa các vùng miền.

Dựa trên đặc thù đó, Quảng Ninh đã phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn bằng cách đề ra những chiến lược giáo dục cụ thể cho từng khu vực:

Vùng thuận lợi: Quảng Ninh đang từng bước trở thành một địa bàn động lực, phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015. Năm 2010, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 7 ở Việt Nam. Tăng trưởng GDP của tỉnh cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước và nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Những khu vực có trình độ kinh tế - xã hội phát triển mạnh như thành phố: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí tỉnh đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Tập trung mọi nguồn lực, tăng cường công tác XHHGD trang bị CSVC cho công nghệ thông tin: máy chiếu, máy tính kết nối Internet để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Chuẩn bị mọi điều kiện thực hiện chương trình song ngữ từ lớp 1 đến lớp 12 ở trường tiểu học Hữu Nghị và THPT Hòn Gai, tăng cường dạy và học ngoại ngữ.

Tỉnh đã phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Theo đó, học sinh sẽ học ngoại ngữ theo hệ 10 năm và bắt đầu tiếp cận ngoại ngữ từ năm lớp 3, không triển khai tràn lan mà chỉ làm ở những nơi có điều kiện: đội ngũ giáo viên đủ trình độ, đủ cơ sở vật chất và phương pháp dạy hiện đại theo chuẩn châu Âu. Các địa phương có điều kiện thuận lợi như: TP Hạ Long, huyện Đông Triều, việc xây dựng hệ thống trường trọng điểm chất lượng cao cũng đang được thực hiện rất tích cực. Ở cấp THCS, trường THCS thị trấn Đông Triều và Trường THCS Mạo Khê 2; trường THCS Trọng Điểm tại TP Hạ Long đã và đang khẳng định được thương hiệu của mình… việc xây dựng hệ thống trường chỉ đạo trọng điểm chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục, phù hợp nguyện vọng của quần chúng nhân dân và phát huy được thế mạnh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vùng khó khăn: theo kết quả điều tra dân số 01/4/2009, tỉnh Quảng Ninh có 1.144.381 người với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó: dân tộc thiểu số có 130.268 người, chiếm 11,38% dân số toàn tỉnh. Trong 21 thành phần dân tộc thiểu số ở tỉnh, có 07 thành phần dân tộc sống tập trung thành cộng đồng làng bản, gồm: dân tộc Dao 57.652 người, dân tộc Tày: 34.070 người, dân tộc Sán Dìu: 18.085 người, dân tộc Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chỉ): 13.648 người, dân tộc Hoa: 5.286 người, dân tộc Nùng: 959 người, dân tộc Mường: 373 người, còn lại là các thành phần dân tộc thiểu số khác như: Thái, Khơme, Hmông, Thổ, Giáy, La Chí, Lôlô, Ơ đu…Các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh phân bố cư trú trên địa bàn 14/14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao là Bình Liêu (chiếm 95,8% dân số toàn huyện), Ba Chẽ (79,8%), Tiên Yên (47,2%), tiếp đến là Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả, Vân Đồn[29]

.

Để nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng này tỉnh không ngừng tiến hành khảo sát, nghiên cứu điều chỉnh bổ sung và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, đặc biệt đối với học sinh bán trú vùng dân tộc, vùng núi, hải đảo. Tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường Tiếng Việt, dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ở các cấp phổ thông và TTGDTX. Tùy từng khu vực mà có những chỉ đạo giải pháp cụ thể, các trường chưa đủ lớp học thuộc các Huyện: Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, ngoài nội dung dạy học theo quy định ngành tập trung tăng cường dạy tiếng Việt, kỹ năng sống cho học sinh, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú cấp xã… tạo mọi điều kiện tốt nhất để tất cả học sinh tiếp thu, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn tỉnh

Đối với các đối tượng học sinh nghèo, dân tộc thiểu số ở 7 xã đặc biệt khó khăn thuộc 2 Huyện Vân Đồn và Cô Tô gồm: Thắng Lợi, Bản Sen, Vạn Yên,

Đài Xuyên, Bình Dân, Ngọc Vừng và Đồng Tiến, tỉnh thực hiện các chính sách về hỗ trợ, miễn giảm học phí cho các huyện này. Trong 5 năm (2006-2010) đã trợ giúp miễn giảm học phí và hỗ trợ cho 27.883 lượt học sinh với tổng kinh phí 2,86 tỉ đồng. Tỉnh cũng tiến hành cử tuyển học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp, nội trú nhằm tạo nguồn cán bộ dân tộc cho địa phương. Đặc biệt, chính sách nội trú dân nuôi cho học sinh các xã vùng sâu, vùng xa đã tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường, yên tâm học tập... nhất là đối với các xã: Bản Sen, Đài Xuyên, Ngọc Vừng (thuộc Huyện vân Đồn), Bình Liêu (Ba Chẽ) là các xã giao thông đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu chưa được xây dựng đầy đủ.

Đối với những nơi giao thông đi lại khó khăn, tỉnh thực hiện chương trình Đoàn thanh niên tham gia các hoạt động như tình nguyện: giúp dân làm đường dân sinh, huy động đóng góp mua thêm máy đầm, máy rung, vận động góp kinh phí. Với những cách làm hay, hiệu quả cụ thể như Huyện Đầm Hà, thực hiện giao đầu việc cụ thể cho từng đối tượng. Huyện Bình Liêu, nơi địa bàn có những khu vực đường đồi núi, dốc, gồ ghề, hiểm trở… các đoàn viên thanh niên đã vượt qua khó khăn về địa hình đến tham gia thi công cùng với bà con để hoàn thành cho bà con một con đường mới, tạo khí thế thi đua trong đông đảo đoàn viên thanh niên, tạo điều kiện cho con em đến trường thuận lợi.

Để rút ngắn chênh lệch chất lượng giáo dục vùng miền, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, thực hiện chương trình 135 tập trung ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, nhất là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan, diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi và tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 18,39% (năm 1999) xuống còn 4,46% (năm 2009).

Với nhiều khó khăn đặc thù, chênh lệch nhưng nhờ sự quyết tâm và những biện pháp cụ thể đúng đắn cho từng khu vực nên tại hội nghị giao ban 15 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc tổ chức vào tháng 12/2010 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mục tiêu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Giáo dục Quảng Ninh đã và đang có bước phát triển khá toàn diện, bền vững..

Một phần của tài liệu Giáo dục phổ thông tỉnh quảng ninh (2001 2010) luận văn ths lịch sử 60 22 54 pdf (Trang 97 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)