3.2.2.1. Định hướng chung
Đây là việc làm quan trọng nhất của quá trình quản lý, vì chỉ trên cơ sở phân tích thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, căn cứ vào những tiềm năng
khả năng sẵn có mà xác định rõ mục tiêu, nội dung hoạt động, các biện pháp cần thiết phù hợp với thực tiễn.
+ Mục đích: Xây dựng được một kế hoạch cùng thống nhất, cụ thể có tính khả thi cao về việc tổ chức phối hợp các lực lượng giáo dục ở ba môi trường giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội.
3.2.2.2. Tổ chức thực hiện
Theo mục tiêu, nhiệm vụ và mục đích phấn đấu của đầu năm học, cùng với việc xây dựng kế hoạch tổng thể lâu dài nhằm định hướng cho cả một giai đoạn, nhà trường cần thực hiện nhiệm vụ năm học, từng kỳ, từng đợt phát động phong trào về học tập và công tác giáo dục cho học sinh. Ban giám hiệu nhà trường cần đặt ra việc xây dựng kế hoạch thực hiện phối hợp với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để đạt được mục đích của mình.
Việc kế hoạch hóa cho từng lực lượng giáo dục và việc phối hợp kế hoạch hóa giữa các lực lượng theo từng kỳ, từng đợt thi đua đóng một vai trò quan trọng quyết định đến sự thành cộng của công tác quản lý. Kế hoạch càng cụ thể, càng chi tiết thì càng thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.
Nội dung kế hoạch hóa được chi tiết hóa và được gửi đến các tổ chức trong nhà trường như Đoàn thanh niên, tổ bộ môn để nghiên cứu, góp ý kiến bổ sung hoàn chỉnh. Sau đó thông qua cuộc họp Hội phụ huynh học sinh đầu năm để đại diện cha mẹ học sinh góp ý kiến vào kế hoạch, đặc biệt là những điều kiện mà gia đình học sinh có thể phối hợp tốt với nhà trường.
Nhà trường cũng cần phối hợp tranh thủ ý kiến góp ý của Đảng ủy, UBND các phường xã, lãnh đạo cấp trên để nhận được sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của ngành dọc cấp trên trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
Trong quá trình kế hoạch hóa việc quản lý hoạt động phối hợp nhằm thực hiện mục tiêu, nội dung, biện pháp hoạt động giáo dục cần phải tạo ra sự thống nhất mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục bằng các hình thức như:
- Tổ chức các Hội nghị liên tịch để quán triệt và bàn bạc việc chỉ đạo, việc giáo dục cho học sinh. Nhà trường phải đóng vai trò chủ đạo trình bày kế hoạch tổng thể về mục tiêu của cấp học các khối lớp.
- Tổ chức các Hội nghị chuyên đề để trao đổi và bàn phương pháp tổ chức thiết thực, thực hiện việc tổ chức phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội nhằm giáo dục cho học sinh THPT ngoài Công lập.
- Phát huy vai trò giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong việc quan tâm tổ chức giáo dục cho học sinh (ngoài dạy chữ là dạy người).
- Tổ chức kiểm tra đánh giá, khen thưởng, biểu dương, chấn chỉnh tạo ra sự thống nhất trong việc tổ chức phối hợp nhà trường gia đình và xã hội nhằm giáo dục cho học sinh THPT ngoài Công lập.
Việc quản lý phối hợp giáo dục giữa các lực lượng giáo dục cần phải chặt chẽ và thống nhất trong nhận thức cũng như trong hành động làm sao cho cùng một hướng, một mục đích nhằm tập trung sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của học sinh. Sự quản lý phối hợp giáo dục giữa các lực lượng giáo dục không chỉ thể hiện ở một giai đoạn cụ thể nhất định mà phải được đan xen, hòa quyện và diễn ra trong toàn bộ quá trình hoạt động, tạo điều kiện, động lực thúc đẩy quá trình giáo dục học sinh đạt hiệu quả cao nhất.
3.2.2.3. Điều kiện thực hiện.
Cả ba lực lượng giáo dục đều phải có ý thức thống nhất được tầm quan trọng của việc phối hợp giáo dục.
Kế hoạch hóa phải được các lực lượng thống nhất mục đích và thống nhất chương trình hành động.
Phải có quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch đã thống nhất.
Phải tận dụng mọi hình thức trực tiếp, hay gián tiếp, đơn giản không mất nhiều thời gian nhưng có hiệu quả.